Tự chủ Đại học: Cần có bước đi thận trọng!

(CL)- Dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) được Chính phủ trình Quốc hội. Với rất nhiều nội dung mới cơ bản, dự án luật chuyên ngành đầu tiên quy định về tổ chức, hoạt động GDĐH, cụ thể hóa các quy định khung của Luật Giáo dục về GDĐH đang được kỳ vọng sẽ tạo đột phá nâng cao chất lượng GDĐH trong tương lai. Giao quyền tự chủ cho các trường đại học là vấn đề được nêu ra từ lâu nhưng đến nay vẫn là đề xuất.

Để được giao quyền tự chủ, bản thân từng trường sẽ phải củng cố lại các điều kiện hoạt động của mình.

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng phải có quyền tự chủ cao để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển giáo dục đại học. Các trường đại học đòi quyền tự chủ nhưng chưa được. Cụ thể là tự chủ trong việc mở ngành, chuyên ngành đã có trong danh mục đào tạo của Nhà nước; được quyết định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện do Bộ GDĐT quy định; được lựa chọn phương thức, thời gian tổ chức tuyển sinh và chỉ phải báo cáo về Bộ GDĐT. Những đòi hỏi đó rất chính đáng, nhưng Bộ GDĐT vẫn muốn ôm hết việc, coi đó là “tài sản” riêng của mình. Câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ GDĐT lại không lo làm tốt việc quản lý nhà nước của mình mà thích làm thay việc của cơ sở đào tạo như vậy? Câu trả lời quá dễ, đó là phải khư khư giữ lấy quyền để còn ban phát, để các trường phải chạy về Bộ xin xỏ. Xin thì cho và có lẽ Bộ không thể cho không. Cái gọi là cơ chế xin – cho đó tồn tại lâu nay, gây khó cho các trường. Các trường bức xúc lắm, nhưng vì lợi ích nhà trường mà phải “cắn răng” chịu đựng.

Các trường đại học cần có được quyền tự chủ, trên cơ sở các tiêu chí được Bộ GDĐT quy định. Giao quyền tự chủ là cởi trói để các trường đại học phát huy năng lực, sáng tạo, đổi mới. Có sự tự chủ, chắc chắn sẽ có những trường đột phá, tạo ra được những giá trị mới trong lĩnh vực giáo dục đại học. Tất nhiên, giao quyền tự chủ cũng sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh mới và những trường yếu kém sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Trong bối cảnh đó, dự án Luật GDĐH ngay từ khi mới được hoàn thiện và đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải sự phản biện gay gắt của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các giáo sư, chuyên gia đầu ngành và bản thân nhiều trường ĐH. Tuy nhiên, phải ghi nhận rằng sau nhiều lần tiếp thu, dự thảo luật đã được điều chỉnh nhiều. Bộ GD-ĐT cam kết dự luật ra đời sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa hệ thống các trường ĐH. Cơ sở GDĐH đủ điều kiện sẽ được giao quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định phương thức tuyển sinh, chất lượng đào tạo. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Việc phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH đã được thể hiện trong các chương, có thể nói là xuyên suốt trong dự thảo luật, thể hiện được tư tưởng đổi mới căn bản về quản lý hệ thống, đồng thời để trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng cần có điều kiện và lộ trình hợp lý, được xem xét trên cơ sở năng lực quản lý, năng lực giảng viên, cơ sở vật chất của từng cơ sở GDĐH. Qua đó, các trường tự phải nhận thấy tự chủ càng cao sẽ phải gánh vách trách nhiệm càng lớn, càng nặng nề để có các giải pháp nâng cao chất lượng, uy tín của nhà trường.

Bộ GD-ĐT sẽ không làm thay chuyên môn cho các trường, thay vào đó sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra. Đồng thời, hệ thống các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục sẽ luôn “nhòm ngó” hoạt động của các trường và công khai chất lượng đào tạo của họ. Chất lượng trường càng tốt, càng được giao nhiều quyền tự chủ hơn và ngược lại. Việc xếp hạng các trường ĐH cũng sẽ được tiến hành. Vì vậy, với việc trường được quyền in và cấp bằng cho người học thì giá trị của tấm bằng đó sẽ được xã hội trực tiếp đo đếm.

Với quan điểm này, nếu như Luật GDĐH ra đời, chắc chắn sẽ có tác động lớn đến chất lượng của toàn hệ thống. Để được giao quyền tự chủ (điều các trường luôn mong mỏi), bản thân từng trường sẽ phải củng cố lại các điều kiện hoạt động của mình. Để tấm bằng có uy tín với thị trường, trường sẽ phải có ý thức nâng cao chất lượng đào tạo để có một kết quả kiểm định đẹp. Đó cũng là con đường sống còn của trường khi muốn thu hút thí sinh. Tuy nhiên, có đạt tới mục tiêu đó hay không, ngành GD còn quá nhiều việc phải làm, quan trọng nhất là việc thành lập hệ thống trung tâm kiểm định độc lập về GDĐH. Mặt khác, việc giao tự chủ cho các trường phải hết sức minh bạch, không diễn ra tình trạng xin - cho… Tất cả những điều này đang được xã hội trông đợi.

Trong bối cảnh chung của GDĐH Việt Nam: nhiều cơ sở GDĐH có sự cách biệt khá xa nhau về trình độ quản lý, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... thì việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa thể thực hiện đồng loạt với tất cả các cơ sở GDĐH được. Nếu cơ sở GDĐH nào đó được trao quyền tự chủ, nhưng nếu thiếu trách nhiệm, non yếu trong quản lý thì sẽ gây hậu quả rất lớn đối với xã hội. Việc quy định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm từng bước có điều kiện, có lộ trình, trước hết cho một số cơ sở GDĐH có uy tín, đủ năng lực là cần thiết, bước đi thận trọng.

Khánh An

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/Thoisu/2011/11/B2DC5C4601608F4B/