Từ chuyện chia tiền thưởng ở đội nữ

Một chuyện lùm xùm đang xảy ra quanh việc chia tiền thưởng tại đội tuyển bóng đá nữ. Có tin cho biết ông Trưởng đoàn Phan Anh Tú “đòi” được xếp hạng cao nhất để lãnh tiền nhiều nhất. Sau đó, ông này phản ứng khi cho rằng đấy là sự bịa đặt. Nhưng ông cũng không phủ nhận việc sẵn sàng nhận thưởng cao…

Thật ra, tranh cãi những chuyện như thế này có mà đến… Tết Congo cũng chưa hết chuyện. Ông Phan Anh Tú là trưởng đoàn, một vị trí đương nhiên là quan trọng nhất, đặc biệt là khi có một biến cố nào đó xảy ra khiến đa số trách nhiệm dồn lên vai người trưởng đoàn.

Về lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, đội tuyển nữ đã không hoàn thành được chỉ tiêu, điều này có nghĩa là ông trưởng đoàn cũng không làm tròn nhiệm vụ. Ở hoàn cảnh ấy, nếu không nhận mình loại B, loại C thì thôi chứ không nên nói mình xứng đáng.

Thông thường, trưởng đoàn là vị trí của các quan chức đến từ VFF. Điều này có nghĩa, đấy là một công việc mà họ có nghĩa vụ phải thực hiện mà không nên đòi hỏi quyền lợi.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có vị trí thì cũng là có trách nhiệm. Vị trí cao thì trách nhiệm lớn nên xét về công bằng, trưởng đoàn cần được ghi nhận như mọi thành viên khác trong đoàn.

Vấn đề quan trọng là những tiêu chí đặt ra cho một trưởng đoàn, các công việc mà vị trí này phải thực hiện chứ không thể chỉ là một cái ghế để khi được thưởng thì đòi chia, khi thất bại thì… trốn trách nhiệm.

Trưởng đoàn Phan Anh Tú (bìa phải) và các cầu thủ nữ Việt Nam trên bục nhận huy chương bạc tại SEA Games 27. ẢNh: Dũng Phương

Người ta bức xúc về chuyện ông Phan Anh Tú đòi chia tiền thưởng có nguồn gốc xâu xa về sự thể hiện trách nhiệm của VFF. Đấy là thói quen có công thì vơ vào, thất bại thì… của tập thể. Nếu chúng tôi nhớ không lầm, hình như chỉ có ông Lê Thế Thọ từ chức sau vụ tiêu cực tại SEA Games 2005 là lần duy nhất một thành viên của VFF nhận trách nhiệm cụ thể.

Đã có nhiều HLV mất việc sau các thất bại của các đội tuyển nhưng những chuyên gia của VFF thì “bình an vô sự”.

Nhân vụ việc tại đội tuyển nữ, lại lo cho đội U19 Việt Nam. Về lý thuyết, đội bóng đó là của VFF và ngay vị trí trưởng đoàn, cũng là một chuyên gia của VFF, ông Dương Nghiệp Khôi. Thế nhưng, ai cũng biết bầu Đức có đến 80-90% công sức tại đội bóng này. Vậy thì nếu có chuyện gì xảy đến thì ai chịu trách nhiệm?

Với bầu Đức, chúng ta đều biết, ông sẵn sàng nhận mọi trách nhiệm. Nhưng đây vẫn là đội U19 quốc gia, vẫn có những con người của VFF tham gia, thì vai trò của tổ chức này là gì. Về nguyên tắc, VFF vẫn phải chịu trách nhiệm chính về thành tích của U19, nhưng xung quanh đội bóng này, người ta chỉ nghe thấy tiếng nói của phía HAGL.

Sự “nép mình” của VFF khiến người ta bất bình bởi họ đã không thể hiện được vai trò của cộng đồng bóng đá đã trao cho họ.

Sự đóng góp của bầu Đức cho U19 là quá tốt nhưng thật ra, cái mà người ta cần chính là năng lực phục vụ của VFF. Bóng đá Việt Nam đâu chỉ có bầu Đức, đâu chỉ có U19. Những “trận địa” khác, VFF làm được gì khi không còn những chỗ dựa như vậy?

Hay là cũng như câu chuyện của ông Phan Anh Tú: sự có mặt của VFF chỉ xuất hiện ở đoạn… chia tiền thưởng?

Nguồn YTT: http://www.tinthethao.com.vn/news/49/311268/Tu-chuyen-chia-tien-thuong-o-doi-nu