Từ chuyện Mỹ Tâm đến trách nhiệm doanh nghiệp, bài học từ Nhật Bản

Giữa cái rét cuối năm của đất trời Hà Nội, câu chuyện nữ ca sỹ Mỹ Tâm "tóc nâu môi trầm" không ngần ngại hát cùng người khuyết tật giữa đêm Noel làm ấm lòng bao nhiêu người. Ngay hôm nay thôi, Mỹ Tâm lại mời chàng trai khiếm thị Đức Mạnh thu âm và làm video clip bài hát mà chính cô đã song ca với chàng trai Mạnh cách đây một tháng.

Sự đồng cảm, ca ngợi vẻ đẹp Mỹ Tâm là đa số, đây rõ ràng là một kỷ niệm đẹp trong lòng chàng ca sĩ tật nguyền, một hình ảnh đẹp của Tâm trong lòng khán giả, một chút niềm vui trong cái xã hội vốn khá nhiều bon chen này.

Tôi muốn kể một câu chuyện khác, tôi được biết qua cuốn sách trong khóa học của tôi với người Nhật mà tác giả ca ngợi với sự trịnh trọng nhất: Công ty muốn tán dương nhất ở Nhật Bản. Đó là công ty Cổ phần Sản xuất Nihon Rikagaku. Công ty này với phương châm muốn tạo ra một nơi người khuyết tật cảm thấy có ích, cảm thấy mình quan trọng, và được thừa nhận. Công ty có đến 70% nhân viên là người khuyết tật.

Câu chuyện nên bắt đầu từ sự thắc mắc của Oyama - Giám đốc nhà máy. Trong đầu ông, sau thời gian tiếp xúc làm việc với người khuyết tật câu hỏi: "Tại sao người khuyết tật lại muốn làm việc?" cứ ám ảnh và không có câu trả lời.

Đến ngày nọ, khi ông gặp vị thầy tu trong chùa và đặt câu hỏi đó thì ông nhận được câu trả lời: "Hạnh phúc con người có 4 điều: Được yêu thương bởi người khác, được khen ngợi bởi người khác, được cống hiến cho người khác, được cần bởi người khác." Ba điều sau không thể có được nếu như con người chỉ ở trong bệnh viện, viện dưỡng lão. Chỉ có “làm việc” mới có thể mang đến hạnh phúc.

Người khuyết tật làm việc tại nơi sản xuất. Ảnh: I.T

Câu trả lời của thầy tu làm ông bất ngờ. Bấy lâu nay ông không nhận ra nổi mình làm việc vì sao và làm việc vì ai tự lúc nào. Chúng ta từ lâu sống trong giàu sang, được hưỏng những điều rất cơ bản mà quên mất lý do tại sao chúng ta tồn tại.

Bị sốc trước câu trả lời, và ngay lập tức ông nhận ra rằng cuộc sống con người là để làm việc, được cần bởi người khác. Như thế, sứ mệnh doanh nghiệp là tạo ra cho con người để tồn tại, sống và hạnh phúc.

Sau câu chuyện Formosa nhức nhối nóng trên mặt báo, câu chuyện trách nhiệm Xã hội CSR (Corporate Social Responsibility) lại được xới lên hơn bao giờ hết cho doanh nghiêp Việt Nam. Chúng ta kỳ vọng doanh nghiêp cần ý thức đầy đủ trách nhiêm với Cộng đồng, xã hội. Chúng ta vẫn tin rằng trách nhiệm xã hội CSR đó là lợi nhuận, là thượng tôn pháp luật, thân thiện môi trường, và không được quên tính nhân văn.

Với người Nhật, hoạt động kinh doanh không chỉ nhằm sinh lợi nhuận cho chính bản thân doanh nghiệp mà quan trọng nhất là phải tạo ra “lợi nhuận” cho xã hội thông qua những sản phẩm chất lượng, sự an toàn cho người lao động, sự phát triển cho xã hội – đây chính là những triết lý kinh doanh không thể thiếu trong mỗi doanh nghiệp Nhật dù hoạt động ngay tại bản địa hay khi đầu tư tại nước ngoài.

Với công ty kiểu Nhật, sứ mệnh doanh nghiệp phải mang lại hạnh phúc cho 5 đối tượng: Nhân viên và gia đình họ; nhân viên và gia đình đối tác; khách hàng; cộng đồng và cuối cùng là các cổ đông. Với công ty Việt Nam, những điều này hẳn còn khá mới mẻ.

Liên hệ lại với câu chuyện công ty Cổ phần Sản xuất Nihon Rikagaku và hình ảnh đẹp Mỹ Tâm giữa đêm Noel, chúng ta thấy cái người khuyết tật họ cần hơn sự sẻ chia, sự cảm thông là những cơ hội việc làm để họ bình đẳng trước xã hội. Quyền được lao động, được cống hiến là quyền cơ bản nhưng dường như chúng ta đang đánh mất đi quyền lợi đó.

Nếu chúng ta biết, theo con số của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến tháng 6.2015, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 58% người khuyết tật là nữ, 28,3% người khuyết tật là trẻ em, 10,2% người khuyết tật là người cao tuổi, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo hẳn chúng ta sẽ giật mình.

Sản phẩm của người khuyết tật đến tay người Việt rất hạn chế và dựa trên nền kinh tế cảm thông, tình thương là chính. Những cái tăm tre vừa to vừa thô, những chiếc chổi đan thô cứng vẫn len lỏi đâu đó trong gia đình chúng ta nhưng chưa thực sự có hữu ích. Giá trị của sản phẩm không cao và khó được chấp nhận ngay cả trong nước nói gì quốc tế.

Cần hơn bao giờ hết, những hành động, những cam kết của doanh nghiệp tạo điều kiện để gần 8% dân số Việt Nam đang bị khuyết tật kia thực sự hòa nhâp cộng đồng, để "tàn nhưng không phế" chứ không phải để nhận lai những nút like, những biểu lộ cảm xúc yêu thương trên facebook.

Hãy đừng để họ đã "chết" từ khi mới sinh ra, chỉ có điều đến 60, 70 tuổi mới chôn.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/tu-chuyen-my-tam-den-trach-nhiem-doanh-nghiep-bai-hoc-tu-nhat-ban-739766.html