Từ có ... đến có

ICTnews - Hướng đi đúng của các doanh nghiệp Việt Nam là phát triển thương hiệu trước và đầu tư sản xuất sản phẩm sau để khai thác các thế mạnh của sản phẩm đã được thị trường chấp nhận.

Các sản phẩm CNTT như lapttop, điện thoại di động hay phần mềm…, từ trước đến nay vẫn là lãnh địa của hàng ngoại, còn các sản phẩm “Made in Vietnam” xuất hiện khá hiếm hoi trong lựa chọn của người tiêu dùng. Bên cạnh tâm lý sính ngoại và các yếu tố như chất lượng, giá cả thì việc không có sản phẩm để lựa chọn là nguyên nhân chính đẩy người tiêu dùng Việt Nam bỏ rơi hàng Việt. Trên thực tế, chỉ khi có hàng hóa để bày bán, người bán mới biết được là hàng của mình có được khách hàng chọn không? Có được chọn dùng thì mới biết mình mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào để khắc phục. Hàng Trung Quốc là một ví dụ. Trung Quốc chiếm thị trường trước tiên bằng các chính sách giá rẻ và mẫu mã đa dạng. Khi đã có thị trường, hàng Trung Quốc đã đi tiếp bước thứ hai là chất lượng. Mặt hàng điện thoại di động của Trung Quốc đã một thời chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, có được một thị phần đáng kể trước các tên tuổi lớn như Nokia, Samsung, Ericsson, Motorola… nhờ chính sách giá rẻ. Sự bùng nổ của thị trường di động chính là nhân tố thúc đẩy “điện thoại Tàu” khi mỗi người có đến 2 -3 SIM. Khi đó chiếc điện thoại Trung Quốc tích hợp thêm cả tính năng xem TV, nghe đài FM, chụp ảnh… là sự lựa chọn của đông đảo người dân có thu nhập trung bình. Người ta dễ dàng lựa chọn hàng chục loại “máy Tàu” để thay thế cho các loại máy xịn, đắt tiền hơn. Các đây 5 năm, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã khởi động cuộc hành trình thương hiệu Việt cho máy di động với một vài dòng máy có xuất xứ Trung Quốc nhưng không thành công. Dù vậy, nhiều doanh nhân vẫn kiên trì theo đổi cuộc hành trình đó. Đầu tiên là nhãn hiệu Bapaven với nhiều linh kiện từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore. Cách đây gần 2 năm, Q-Mobile xuất hiện và trở thành một thương hiệu thành công trên thị trường với các mẫu mã hướng đến đối tượng bình dân. Sự trở lại đó đã dẫn dắt thị trường và đến nay trong lĩnh vực điện thoại di động đã có khá nhiều tên tuổi Việt Nam như Mobell, Cayon, K-Touch, Malata, G-Tide, MobiStar, F-Mobile… Đặc biệt nhiều doanh nghiệp lớn như FPT, Viettel đã bắt tay sản xuất và phát triển các sản phẩm điện thoại của riêng mình. Khi có nhiều sản phẩm thì các thương hiệu Việt cũng dễ dàng nhận được sự lựa chọn của người tiêu dùng. Viễn thông An Bình với thương hiệu Q-Mobile là một ví dụ. Tháng 5/2008, An Bình giới thiệu Q-Mobile ra thị trường, cuối năm 2008, An Bình đã có 28 loại sản phẩm mang thương hiệu Q-Mobile, đến cuối năm 2009, con số đó là gần 60 loại sản phẩm. Thị phần của Q-Mobile cũng tăng mạnh và có lúc đã vượt cả Samsung, Motorola, Ericsson… Điều này khẳng định hướng đi đúng của các doanh nghiệp Việt Nam khi chọn việc phát triển thương hiệu trước và đầu tư sản xuất, lắp ráp sản phẩm sau để khắc phục các điểm yếu cũng như khai thác các thế mạnh của sản phẩm đã được thị trường chấp nhận. Một ví dụ khác là sự phát triển của mạng xã hội ZingMe. Ngay sau khi Yahoo360 tuyên bố đóng cửa, ZingMe đã chớp thời cơ với việc giới thiệu một mạng xã hội có các tính năng thuận tiện cho các blogger chuyển đổi từ Yahoo sang . Nhờ vậy, mạng xã hội Việt này nhanh chóng đạt được con số 1 triệu người dùng chỉ sau thời gian ngắn và đến nay mạng này đã có 4 triệu người dùng. Không chỉ có ZingMe hay Q-Mobile, còn rất nhiều sản phẩm Việt Nam khác trong thời gian vừa qua đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng Việt như Từ điển Lạc Việt, Phần mềm diệt vius BKAV, máy tính CMS, Elead… Rõ ràng, phải có sản phẩm thì mới đo lường được lòng tin của người tiêu dùng. Những thành công của Lạc Việt, BKAV, hay CMS, Elead… ngày nay đã là sự trả công xứng đáng cho sự kiên trì, bền bỉ và quyết tâm của những người làm ra các sản phẩm đó và là lời động viên, cam kết cho các sản phẩm Việt sau này.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/Home/binh-luan/Tu-co-den-co/2010/03/2VCMS7425214/View.htm