Từ dinh thự khủng đến bản kê khai tài sản khổng lồ

(PLO)- Những ngày vừa qua, một số tờ báo đã đăng tải nhiều thông tin liên quan đến khối tài sản của hai vị quan chức cao cấp - một đương chức, một đã về hưu - của Thanh tra chính phủ, cơ quan chuyên trách về thanh tra, theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước.

Chỉ là công chức, sao giàu thế?

Nếu như trong vụ cựu Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền , dư luận phát sốt với tòa dinh thự khang trang, lộng lẫy của ông ở một xã miền Tây thì việc một phó Tổng thanh tra còn đang đương chức với bản kê khai tài sản gồm nhiều bất động sản và cổ phần, cổ phiếu trong nhiều doanh nghiệp, ngân hàng (trị giá ước tính hàng chục tỉ đồng) càng khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Chỉ là công chức thôi nhưng sao những người này lại có thể giàu đến thế?

Trả lời câu hỏi về khối tài sản quá lớn của ông phó tổng thanh tra chính phủ đương chức trên NLĐ ngày 5-3, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Cục IV) - Thanh tra Chính phủ cho biết: “Người ta có kê khai, công khai theo pháp luật. Người ta tự kê khai và không có cơ sở, dấu hiệu nào để người thẩm quyền phải xác minh cả”.

Khi phóng viên truy tiếp rằng với tài sản rất lớn gồm hai ngôi nhà ở thủ đô và nhiều cổ phiếu tại các ngân hàng, cũng đã đủ gây ra dư luận. Tại sao thời điểm đó, cơ quan quản lý lại không thấy có vấn đề cần xác minh khối tài sản này, ông Đạt lý giải: “Kê khai theo nguyên tắc tự giác và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn dấu hiệu thế nào thì đều có tiêu chí cụ thể cả. Tiêu chí này thuộc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền và ra quyết định chứ không phải ai cũng ra quyết định xác minh được đâu”.

Với pháp luật hiện hành, khó biết vì sao quan chức giàu

Ông Đạt trả lời không sai. Lần giở Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2005, được sửa đổi năm 2012 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành liên quan đến vấn đề công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của quan chức cho thấy: Với hệ thống pháp luật hiện hành thì không có đủ cơ chế để biết được nguồn gốc của khối tài sản của quan chức thuộc diện kê khai. Nghĩa là, không thể trả lời được câu hỏi: Vì sao chỉ là công chức mà sao họ giàu thế?

Cụ thể, Luật PCTN 2005 chỉ đặt ra yêu cầu kê khai tài sản đối với một số đối tượng quan chức mà không đặt ra yêu cầu giải trình nguồn gốc của khối tài sản ấy. Sau nhiều năm làm quen, tập dượt với vấn đề tương đối nhạy cảm này, đến năm 2012, khi Luật PCTN được sửa đổi, yêu cầu về giải trình nguồn gốc tài sản cũng chỉ được đặt ra đối với khối tài sản tăng thêm có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên mà thôi. Nghĩa là, với khối tài sản mà quan chức đã đưa vào bản kê khai từ trước khi có quy định này thì không đặt lại vấn đề nguồn gốc. Nói cách khác, khối tài sản ấy nghiễm nhiên được “hợp thức hóa”. Chỉ bắt đầu từ kỳ kê khai 2014, quan chức mới phải giải thích rõ nguồn gốc của khối tài sản tăng thêm là do đâu.

Cho nên, chiếu vào trường hợp của vị phó tổng thanh tra đương chức nọ, do bản kê khai, theo phản ánh của một tờ báo, là từ năm 2011, nên ông này không có nghĩa vụ phải giải trình nguồn gốc khối tài sản, không phải trả lời câu hỏi khối tài sản ấy từ đâu mà có. Chỉ cần ông kê khai đầy đủ, trung thực khối tài sản mà ông đang sở hữu thì theo quy định của pháp luật, ông không có vi phạm gì.

Dư luận bức xúc cũng chịu thua

Rõ ràng, luật pháp hiện hành không buộc quan chức phải nói rõ nguồn gốc hình thành khối tài sản do mình sở hữu, cũng không thể suy diễn cứ giàu có, nhà to là bất minh, tham nhũng. Thế nhưng, sự bức xúc của dư luận là có thể hiểu được. Dư luận đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc để xác minh nguồn gốc, mối tương quan giữa đồng lương, thu nhập của quan chức và những khối tài sản khổng lồ mà họ sở hữu.

Vậy theo quy định hiện hành, sự bức xúc, đòi hỏi ấy có phải là căn cứ để cơ quan chức năng vào cuộc?

Rất tiếc là không!

Theo Điều 47 Luật PCTN sửa đổi, căn cứ để xác minh tài sản bao gồm: Khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai; Khi xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản; Khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; Khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Cần lưu ý, ngay cả khi có quyết định xác minh thì nội dung xác minh bản kê khai tài sản của quan chức cũng chỉ là xác minh tính trung thực khi kê khai tài sản và khi giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Hoàn toàn không có chuyện xác minh nguồn gốc của toàn bộ khối tài sản như mong muốn của dư luận. Cụ thể, theo Điều 19, Nghị định 78/2013, nội dung xác minh tài sản, thu nhập là tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn của những thông tin về số lượng, giá trị các loại tài sản, các khoản thu nhập, mô tả về tài sản, thu nhập, biến động tài sản, việc giải trình về biến động tài sản, nguồn gốc tài sản tăng thêm và những nội dung khác có liên quan trong Bản kê khai của người được xác minh.

***

Minh bạch tài sản, thu nhập là vấn đề khá nhạy cảm, liên quan đến bí mật đời tư của mỗi thành viên trong xã hội. Nếu làm không cẩn trọng sẽ dẫn đến những bất ổn, xáo trộn lớn. Nhưng không thể phủ nhận rằng với những người là cán bộ, quan chức, đòi hỏi của công chúng đối với họ luôn ở mức cao hơn người bình thường. Làm sao để đáp ứng đòi hỏi chính đáng này là một vấn đề mà các nhà làm luật phải giải quyết trong quá trình hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, trong đó có việc kiểm soát, minh bạch tài sản thu nhập của những người có chức quyền.

THANH HOA

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/tu-dinh-thu-khung-den-ban-ke-khai-tai-san-khong-lo-452106.html