Tự do hóa kinh tế

Các nhà đầu tư thế giới đang trông đợi xem tân Tổng thống Nga, Medvedev sẽ thực hiện chính sách kinh tế như thế nào để nước Nga vừa ổn định vừa phát triển mạnh mẽ nền sản xuất hàng hóa nội địa và XK.

cs27 Các nhà kinh doanh và những chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng sự chuyển giao quyền lực tại Nga đã diễn ra một cách vững chắc với những dấu hiệu cho thấy sự bảo đảm việc thực thi chính sách kinh tế có từ thời Tổng thống Putin được thực hiện lâu dài. Tấn công vào những lĩnh vực khó khăn Giới đầu tư xem việc ông Medvedev lên thay Tổng thống Putin là một sự kiện đáng mừng vì nước Nga sẽ có được sự kết hợp hài hòa giữa Tổng thống Putin chú trọng sự ổn định đất nước và hi vọng tân Tổng thống Medvedev chú trọng tự do kinh tế. Nhiều người tin rằng ông Medvedev sẽ tấn công vào lĩnh vực khó khăn là cải cách tiền lương hưu để mang lại nhiều niềm tin vào cuộc sống thịnh vượng hơn cho công dân Nga. Tân tổng thống Nga Medvedev, 42 tuổi được xem là một nhà kỹ trị, thiên về kinh tế và ủng hộ xu hướng tự do hóa. Mối quan tâm hàng đầu của ông Medvedev sẽ là tự do hóa kinh tế, củng cố hệ thống luật pháp, chống tham nhũng và đa dạng hóa nền kinh tế. Tổng thống Medvedev nhấn mạnh sự độc lập của hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp sẽ là điều kiện thiết yếu đảm bảo cho sự thành công về kinh tế cho nước Nga trong bốn năm tới. Ông Medvedev cũng khẳng định tự do hóa kinh tế, cả lĩnh vực tư nhân, nhà nước là hòn đá tảng trong chính sách kinh tế của nhiệm kỳ tới. Nếu so sánh kỹ có thể thấy chính sách tự do hóa kinh tế của tân tổng thống Medvedev mở rộng hơn thời Putin, có lẽ bắt nguồn từ việc ông Medvedev từng đứng đầu hãng năng lượng khổng lồ Gazprom mỗi năm mang lại hơn 20 tỷ USD cho nước Nga. Làm trong sạch nền kinh tế Giới phân tích cho rằng việc chuyển đổi lãnh đạo quan trọng ở nước Nga sẽ là cơ hội tốt để tân Tổng thống Medvedev làm trong sạch nền kinh tế và thúc đẩy tự do hóa kinh tế. Các nhà quan sát nhận xét ông Medvedev làm tổng thống, nước Nga sẽ mạnh mẽ hơn trong việc giảm số lượng quan chức chính phủ trong các tập đoàn nhà nước do Chính phủ kiểm soát. Tân Tổng thống Medvedev khẳng định trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế như hiện nay, nhân viên chính phủ không nên tham gia quá nhiều vào ban lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Thay vào đó, cần phải thuê các giám đốc độc lập mà nhà nước có thể chỉ đạo họ thực hiện các kế hoạch quan trọng phát triển kinh tế Nga, nhất là lĩnh vực công nghệ cao và các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị thặng dư cao. Vấn đề con người cũng được ông Medvedev chú ý quan tâm với mong muốn cải cách giáo dục, y tế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho công dân Nga. Tất nhiên, di sản nước Nga mà ông Medvedev kế thừa từ tổng thống Putin không hoàn toàn một màu hồng vì động lực phát triển trong vài năm qua đang bị đơn điệu hóa với động cơ duy nhất là năng lượng xuất khẩu. Các vấn đề rắc rối mà ông Medvedev phải giải quyết là lạm phát cao (năm 2007 là 11,9%), nạn tham nhũng, sự kém năng lực của đội ngũ công chức, dân nhập cư, sự thiếu hụt lao động có trình độ, mối quan hệ không tốt giữa nhà nước và các DN. Trong khi đó, thách thức là khá lớn về cả nhân lực, vật lực và điều kiện kinh doanh, ví dụ ở các thành phố nhỏ người dân đang phải đối mặt với các điều kiện khó khăn về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với những thành công đã đạt được trong hơn 8 năm qua của Tổng thống Putin, tân Tổng thống Medvedev tràn trề hi vọng sẽ giành được những thành tựu mới về kinh tế vì sát cánh cùng ông sẽ có người đồng hành tin cậy Putin trong vị trí Thủ tướng và động lực quan trọng khác là giá dầu thế giới ở mức cao kỷ lục.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29682-tu-do-hoa-kinh-te