Từ đơn vị đo chiều dài đến đơn vị đo diện tích

Nếu 10.000m là chiều dài đường kinh tuyến gốc từ một cực đến xích đạo thì hải lý (dặm biển hay dặm tự nhiên) được định nghĩa là chiều dài của một phút (đơn vị đo độ) đường kinh tuyến từ một cực đến xích đạo.

Từ xưa, những người đi biển dựa vào la bàn để đo góc đã di chuyển, ước lượng được số hải lý đi được trên biển. Lấy tâm Trái đất làm gốc, nối với một cực và một điểm trên xích đạo, ta được góc vuông (hay 90 độ). Chia mỗi độ làm 60 phần, mỗi phần gọi là 1 phút. Hải lý được tính là chiều dài của 1/5.400 của 10.000m (5.400 = 90 ´ 60). Vì Trái đất không là hình cầu nên hải lý ở những kinh tuyến khác nhau sẽ sai lệch nhau. Hiện nay, hải lý quốc tế được quy định là 1.852m. Sử dụng đơn vị hải lý sẽ thuận tiện cho việc đi biển và hàng không. Vận tốc máy bay hay tàu thủy được dùng là hải lý/giờ hay knot. Đơn vị đo dặm hiện vẫn được dùng trong hệ đo lường Anh, Mỹ. Khởi đầu, người La Mã định nghĩa dặm là khoảng cách trung bình của 1.000 bước chạy. Ngày nay, dặm quốc tế được quy định là 1.609m.

Đơn vị đo diện tích được định nghĩa dựa trên đơn vị đo chiều dài. Chẳng hạn từ mét ta có mét vuông, là diện tích hình vuông có cạnh là 1m. Cũng vậy, ta có những đơn vị đo diện tích như dặm vuông, héc ta... Người Việt cổ cũng có những đơn vị đo diện tích gần tương tự như đơn vị đo chiều dài, căn cứ trên đơn vị đo thước. Trước đây, mỗi thước ta dùng để đo chiều dài ruộng đất là 47cm, hiện vẫn được sử dụng ở miền Trung. Ngày nay, đa số ở miền

Bắc và miền Nam tính thước ta dài 40cm. Tuy khác nhau về chiều dài của thước nhưng những đơn vị đo diện tích của người Việt cổ khá thống nhất và hiện vẫn được dùng là: mẫu, sào, miếng, thước, tấc, phân, ô, khấu. Trong đó, ô là diện tích hình vuông cạnh 1 thước và mỗi ô bằng 10 khấu. Mỗi phân bằng 1,5 ô. Mỗi tấc bằng 10 phân và 10 tấc bằng một thước. Tiếp tục, mỗi miếng bằng 1,5 thước, mỗi sào gồm 10 miếng và mỗi mẫu bằng 10 sào. Đây là những đơn vị đo diện tích phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Theo đó, ở Bắc bộ, mỗi thước, mỗi miếng và mỗi sào tương ứng bằng 24, 36 và 360m2. Điều đặc biệt trong những đơn vị đo này của người Việt so với nhiều nơi là sự khác biệt không thống nhất theo cơ số 10. Như đơn vị đo khối lượng, mỗi cân ta đổi ra 16 lạng. Những đơn vị đo khối lượng liên tiếp khác đều gấp nhau 10 lần so với hai đơn vị chuẩn là cân hay lạng. Cũng vậy, hai đơn vị đo diện tích liên tiếp của người Việt lại gấp nhau 1,5 lần hoặc 10 lần. Ở miền Tây Nam bộ, một đơn vị đo diện tích đất phổ biến được sử dụng từ đầu thế kỷ XX là công. Theo đó, mỗi công bằng 1.000m2. Ngày nay, đơn vị ha (bằng 10.000m2) hay km2 (bằng 100 ha) được sử dụng phổ biến với những diện tích đất lớn như rừng hay đất đô thị.

Kết quả kỳ trước. Việc chia 1 foot thành 12 inch có một cách lý giải là số đốt ngón tay trên 4 ngón tay trừ ngón cái.

Kỳ này. Đổi 1 mẫu ra tấc. Câu trả lời gửi về chuyên mục “Toán học, học mà chơi”, Tòa soạn Báo Hànôịmới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Thieu-nhi/658915/tu-don-vi-do-chieu-dai-den-don-vi-do-dien-tich