Tự hào được cống hiến ở Trường Sa

“Nếu bạn là thanh niên, hãy đừng ngần ngại đăng ký đi nghĩa vụ quân sự để hiểu thêm về cuộc sống của bộ đội như thế nào. Và nếu bạn có cơ hội thực hiện nghĩa vụ ở Trường Sa- môi trường đầy khắc nghiệt sẽ giúp bạn tôi luyện, trưởng thành hơn trong đất liền rất nhiều. Đó là niềm tự hào về một thời tuổi trẻ không phải ai cũng có được- tự hào đã góp phần chung sức gìn giữ biển đảo quê hương”. Đó là tâm sự của Thiếu úy chuyên nghiệp Trịnh Ngọc Đức (sinh năm 1990 quê ở Xuân Mai, Chương Mỹ, TP Hà Nội), hiện công tác ở đảo Sinh Tồn Đông, quần đảo Trường Sa.

Niềm tự hào của thế hệ 9x

Vừa đặt chân lên đảo Sinh Tồn Đông, tôi khá chú ý đến chàng trai trẻ Trịnh Ngọc Đức. Trong lúc đồng đội cùng trang lứa đang vui vầy dưới tán bàng vuông, reo hò, cổ vũ, cùng giao lưu văn nghệ với các bạn thanh niên trong đoàn công tác thì trên tầng 2, Đức chỉ lén nhìn xuống một chút vì còn đang vướng ca trực. Chàng trai trẻ quê Chương Mỹ cho biết: Em mới ra công tác tại đảo Sinh Tồn Đông được hơn 5 tháng. Lần đầu ra đảo, còn nhiều bỡ ngỡ, cuộc sống sinh hoạt nơi đảo xa còn không ít khó khăn, thiếu thốn nhưng chính những tháng ngày bên đồng đội, cùng chia ngọt sẻ bùi đã cho em hiểu thêm về những vất vả của lính đảo, đặc biệt là tình đồng đội đoàn kết, gắn bó, yêu thương, giúp đỡ nhau như trong một gia đình. Ngày Đức ra đảo nhận nhiệm vụ, ở nhà vợ Đức đã sinh hạ được cô con gái đầu lòng xinh xắn. Háo hức khoe về cô con gái Khánh An (tên do Đức đặt cho con gái), chàng trai trẻ Hà Nội chỉ mong hoàn thành nhiệm vụ thật tốt để sớm trở về gặp mặt cô con gái yêu.

Kíp y bác sĩ BV 105 Sơn Tây, Hà Nội nhận nhiệm vụ công tác ở Bệnh xá đảo Nam Yết.

“Em chỉ có một tâm niệm, đã bước chân vào quân ngũ, phải luôn chấp hành mệnh lệnh của đơn vị, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nếu bạn là thanh niên, hãy đừng ngần ngại đăng ký đi nghĩa vụ quân sự để hiểu thêm về cuộc sống của bộ đội như thế nào. Và nếu bạn có cơ hội thực hiện nghĩa vụ đó ở Trường Sa - môi trường đầy khắc nghiệt sẽ giúp bạn tôi luyện, trưởng thành hơn trong đất liền rất nhiều. Đó là niềm tự hào về một thời tuổi trẻ không phải ai cũng có được- tự hào đã góp phần chung sức gìn giữ biển đảo quê hương”, Đức tâm sự.

Cùng trang lứa với Thiếu úy chuyên nghiệp Trịnh Ngọc Đức, tôi gặp lại vẻ rắn rỏi, tự tin và đầy nhiệt huyết tuổi trẻ ở Thượng úy Trần Quốc Hiệp (sinh năm 1990 ở Mê Linh, Hà Nội). Hiệp hiện đảm nhiệm công tác hậu cần ở đảo Sơn Ca. Câu chuyện đến với Trường Sa của Hiệp được xem là mối lương duyên kỳ thú mà bà mối mát tay chính là Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh với “Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” vào tháng 5 hàng năm.

Cách đây 6 năm (năm 2011), Hiệp khi đó là sinh viên tiêu biểu của Học viện Hậu cần được tham gia “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” ra thăm quân dân Trường Sa. Cũng như rất nhiều thanh niên, sinh viên trên toàn quốc mơ ước được 1 lần đặt chân tới Trường Sa, Hiệp cố gắng học tập và tham gia các hoạt động Đoàn, Hội. Khi tham gia phỏng vấn tuyển chọn đại biểu tiêu biểu ra đảo, Hiệp đã đưa ra ý tưởng về mô hình cải thiện chăn nuôi, trồng trọt tại đảo và được Ban Tổ chức đánh giá cao. Ra đảo, chứng kiến cuộc sống vất vả, khó khăn của cán bộ, chiến sĩ, về đất liền, chàng trai trẻ lại càng say mê hơn với những dự định, ấp ủ được cống hiến sức trẻ, đem kiến thức được học ra đảo vận dụng, hiện thực hóa ước mơ và góp phần nhỏ bé vào việc gìn giữ biển đảo quê hương.

Và đúng là một mối lương duyên với Trường Sa, tháng 5/2015, Hiệp đã chính thức trở thành lính đảo Trường Sa - nhận nhiệm vụ công tác tại đảo Sinh Tồn. Và hiện nay, Hiệp đang đi “tăng 2” với nhiệm vụ là Trợ lý hậu cần tại đảo Sơn Ca. Với chuyên ngành hậu cần, với đam mê cống hiến của tuổi trẻ, Hiệp đã không ngừng nỗ lực cải tạo vườn rau, tăng gia sản xuất cùng đồng đội đảm bảo đủ nhu cầu rau xanh trên đảo. Câu chuyện biến ước mơ thành hiện thực, về những đam mê cống hiến của chàng trai trẻ Thủ đô Trần Quốc Hiệp nơi đảo xa đã thực sự truyền cảm hứng tốt đẹp và làm thức dậy lòng yêu nước của nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 9x trong “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2017”.

“Em cảm thấy tự hào khi được góp một phần tuổi trẻ của mình nơi đầu sóng ngọn gió”, hạ sĩ Nguyễn Văn Trung (sinh năm 1996), chàng trai người Hà Nội duy nhất tại điểm B đảo Đá Lớn đã tâm sự với tôi như vậy khi nhận nhiệm vụ tại đảo được 8 tháng nay. Từ chàng trai thư sinh mới rời ghế nhà trường, qua những tháng ngày miệt mài rèn luyện trên thao trường và thử thách của nắng gió Trường Sa đã khiến Trung rắn rỏi và bản lĩnh hơn rất nhiều. “Qua báo Lao động Thủ đô, em xin gửi lời chúc sức khỏe tới những người thân trong gia đình nói riêng và nhân dân Thủ đô nói chung. Hậu phương hãy yên tâm, lớp trẻ chúng em sẽ cố gắng rèn luyện, sẵn sàng hy sinh để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Trung bày tỏ.

Hạ sỹ Nguyễn Văn Trung (Sóc Sơn, Hà Nội) công tác tại đảo Đá Lớn B trò chuyện với PV Báo Lao động Thủ đô

Đến Trường Sa để trưởng thành hơn

Tháng 5, hòa theo nhịp hát “Bồi hồi xốn xang, tàu lướt sóng đưa tôi thăm Trường Sa. Đảo nhỏ yêu thương một thời tuổi trẻ tôi đã qua. Nắng cháy thiêu thịt da những ngày khát mưa muối đắng môi cười...”, đoàn công tác của tôi đặt chân đến đảo Nam Yết... Đón chúng tôi, Thượng úy Nguyễn Đức Dũng (sinh năm 1984 ở phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội)- hiện là trợ lý tham mưu đảo Nam Yết- tâm sự: Nhớ về Thủ đô, bên cạnh nỗi nhớ về gia đình, người thân, em rất nhớ hương vị bát canh chua dầm sấu và món quà ô mai. Biết tôi từ Thủ đô ra công tác Trường Sa, Dũng gọi thêm mấy anh em đồng hương đến góp vui. Bên chén trà, đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Hưởng (sinh năm 1976 quê ở Cụm 3 thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) kể: Mình lấy vợ 10 năm, cứ về rồi lại đi, tính ra đến nay xa vợ cũng 6 năm. Bà xã mình công tác ở Ban Tuyên giáo huyện ủy Phúc Thọ, công việc cũng khá bận rộn, nhưng lần nào gọi điện cũng động viên mình an tâm công tác. Cùng nỗi niềm về hậu phương- nơi tiếp thêm sức mạnh và vững tin yên tâm công tác nơi đảo xa- Trung úy Nguyễn Văn Tuấn (Phú Kim, Thạch Thất, Hà Nội) khá háo hức vì vợ anh chuẩn bị sinh con thứ hai. Đã quen với nắng gió Trường Sa vì đã qua 5 “tăng” công tác ở đảo, cũng như đồng đội khác, Trường Sa đã trở thành một phần máu thịt và hơi thở cuộc sống của những người con đến từ Thủ đô Hà Nội.

Tại đảo Sinh Tồn Đông, tôi có cơ duyên được gặp và trò chuyện với kíp y bác sĩ Bệnh viện 105 (Sơn Tây, Hà Nội) nhận nhiệm vụ tăng cường cho đảo từ tháng 5/2016. Đó là Đại úy Đào Văn Thủy- Bệnh xá trưởng đảo; Trung úy Lương Văn Trung và Nguyễn Duy Cương đều là y sĩ đảo. Chia sẻ về công việc của mình, các anh tâm sự: Công việc ngoài đảo khác rất nhiều với ở đất liền, tuy không đông bệnh nhân, nhưng phải sẵn sàng tham gia xử lý bất kỳ tình huống nào, từ những ca bệnh đơn giản đến phức tạp, trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác khám, chữa bệnh không được đầy đủ như trong đất liền… “Sau mỗi ca điều trị, từ bác sĩ đến y sĩ đều có thêm những kinh nghiệm và trưởng thành hơn trong nghề nghiệp”- Trung úy Lương Văn Trung chia sẻ.

Chia tay những người con của Thủ đô Hà Nội, tôi đem theo những câu chuyện, nỗi niềm, tâm sự thương nhớ Thủ đô - nơi có gia đình, người thân, bạn bè của các anh. Với các anh, nỗi nhớ về Hà Nội đôi khi chỉ đơn giản là hương vị đậm đà, chua chua, mằn mặn của ô mai; vị thơm mát của bát canh chua dầm sấu; hay đơn giản chỉ là món quà quê mộc mạc, dân giã- bánh tẻ Sơn Tây... Nhưng gác lại những nỗi niềm riêng tư ấy, mỗi người một nhiệm vụ, những người con của Thủ đô đã và đang kiên trung, khắc phục khó khăn, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, “vì sự vẹn toàn từng tấc đất, tấc hải của Tổ quốc”!

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tu-hao-duoc-cong-hien-o-truong-sa-55087.html