Tự hào mảnh đất địa linh, nhân kiệt 'một ấp hai vua'

Không chỉ là ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 2006, làng cổ Đường Lâm còn nức tiếng với danh hiệu mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nơi duy nhất 'một ấp sinh hai vua': Vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Minh chứng rõ nhất là các công trình nhuốm màu thời gian: Đền thờ Phùng Hưng, đình và lăng Ngô Quyền.

Đền thờ Phùng Hưng

 Tương truyền, Phùng Hưng là thủ lĩnh nghĩa quân khởi nghĩa vào tháng 4 năm Tân Mùi (791) chống lại ách đô hộ khắc nghiệt của nhà Đường.

Tương truyền, Phùng Hưng là thủ lĩnh nghĩa quân khởi nghĩa vào tháng 4 năm Tân Mùi (791) chống lại ách đô hộ khắc nghiệt của nhà Đường.

Ông làm tổng chỉ huy, chia quân làm 5 mũi, do các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bố Bá Cần chỉ huy tiến đánh bao vây Thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay).

Tên đô hộ Cao Chính Bình cùng 4 vạn quân đã ra sức chống cự, nhưng sau 7 ngày đã bị thất bại nặng nề. Quân địch bị tổn thất, Cao Chính Bình vì lo sợ mà sinh bệnh rồi chết.

Sau khi chiếm được thành, Phùng Hưng tổ chức lại việc cai trị và xây dựng quyền tự chủ lâu dài. Ông coi chính sự được 7 năm rồi mất.

Đền thờ Phùng Hưng được lập ở nhiều nơi, trong đó ở Đường Lâm đền thờ có quy mô lớn nhất nhưng chưa rõ niên đại xây dựng.

Vì vậy đền thờ có kiến trúc đời nhà Nguyễn vào những năm đầu thế kỷ XX gồm các hạng mục công trình như: Tả – Hữu Mạc, Đại Bái, Hậu Cung.

Tuy nhiên việc đền thờ có hình dáng như ngày nay là do có một đợt trùng tu lớn vào năm 1889 (đời vua Thành Thái). Một số hoa văn, linh vật được trang trí trong đình như: bờ nóc, đầu xà, điểm nối giữa các bộ vì, kèo, cột.

Tượng Phùng Hưng được an tọa ở Hậu Cung. Trong đền thờ có tấm bia Phùng tự bi ký ở đình Đoài Giáp được tạc vào năm Hồng Đức thứ 4 (1473) đã chép lại rất nhiều thông tin liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Ngài.

Ngày 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhân dân Đường Lâm và con cháu họ Phùng, du khách thập phương lại hội tụ về đây để tỏ lòng thành kính đối với ông.

Xung quanh đền có một số cây lấy gỗ, ăn quả đã có niên đại lâu đời như: lim, nhãn, đa…

Đền và lăng Ngô Quyền

Đến làng cổ Đường Lâm, du khách sẽ được thăm đền thờ và lăng Ngô Quyền, di tích đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, nơi thờ vị vua lừng danh trong lịch sử dân tộc, người nổi tiếng với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938, đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, mở ra một thời đại mới, độc lập, tự chủ cho dân tộc Việt Nam.

Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng trên một đồi đất cao, có tên là đồi Cấm, mặt hướng về phía đông.

Đền thờ được xây ở phía trên, cách lăng khoảng 100m.

Phía trước lăng là một cánh đồng rộng nằm giữa 2 sườn đồi; một nguồn nước gọi là vũng Hùm chảy ra sông Tích; bên cạnh đó là đồi Hổ Gầm, tương truyền xưa là nơi thuở nhỏ Ngô Quyền thường cùng bạn chăn trâu, cắt cỏ và tập luyện võ nghệ. Đây có lẽ là vị trí đẹp nhất của ấp Đường Lâm xưa. lập, tự chủ cho dân tộc Việt Nam.

Đền thờ Ngô Quyền được xây dựng từ lâu đời và đã qua nhiều lần trùng tu. Lần tu sửa gần đây nhất là vào thời Vua Tự Đức (1848 – 1883). Đền có quy mô khá khiêm tốn, gồm: Nghi Môn, Tả Mạc, Hữu Mạc, Đại Bái (Tiền Đường) và Hậu Cung.

Đền được xây bằng gạch, lợp ngói mũi hài, có tường bao quanh. Đại Bái đền thờ là một nếp nhà 5 gian, bộ khung bằng gỗ, được thể hiện chủ yếu thiên về sự bền chắc, tôn nghiêm; gian giữa có treo bức hoành phi đề bốn chữ Hán “Tiền vương bất vong” (Vua Ngô Quyền sống mãi).

Hiện nay, Đại Bái còn được dùng làm phòng trưng bày về trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng và thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền. Hậu Cung là một ngôi nhà dọc 3 gian, bộ khung nhà bằng gỗ được trang trí hình rồng, hoa, lá... Gian giữa có đặt tượng thờ Ngô Quyền.

Lăng mộ Vua Ngô Quyền được xây dựng năm Tự Đức thứ 27 (1874) kiểu nhà bia có mái che, cao khoảng 1,5m. Giữa lăng là ngai, trong có bia đá ghi bốn chữ Hán “Tiền Ngô Vương Lăng” (Lăng mộ Vua Ngô Quyền).

Đặc biệt, trong quần thể đền và lăng Ngô Quyền, 18 cây duối cổ - tương truyền là nơi Ngô Quyền buộc voi, ngựa - đã được công nhận là “Cây di sản” cấp quốc gia.

Hàng năm cứ đến ngày 14 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ Vua Ngô Quyền) nhân dân trong vùng lại về đây để tưởng nhớ công ơn của ông - vị vua “đã mở nước xưng vương”, kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở đầu một thời đại mới, độc lập, tự chủ cho lịch sử dân tộc.

Bài và ảnh: Hồng Hạnh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tu-hao-manh-dat-dia-linh-nhan-kiet-mot-ap-hai-vua-282098.html