Từ hy vọng đến hiện thực

Tình hình bán đảo Triều Tiên trong những ngày đầu năm mới 2010 đã hé ra tia sáng hy vọng khi hai miền Bắc – Nam truyền đi những thông điệp lạc quan

Lần đầu tiên trong nhiều năm, nhân dịp năm mới, những tờ báo lớn ở Bình Nhưỡng đã đăng bài xã luận của hãng Thông tấn Trung ương KCNA nêu rõ: “Nhiệm vụ cơ bản để bảo đảm hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên là chấm dứt quan hệ thù địch giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ, xây dựng một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân”. Bước chuyển biến lớn nhất cải thiện tình hình bán đảo Triều Tiên đã diễn ra sau chuyến thăm Bình Nhưỡng đầu tháng 12-2009 của đặc phái viên Stephan Bosworth của Tổng thống (TT) Mỹ Barack Obama. Đây là cuộc đàm phán song phương đầu tiên giữa Mỹ và Bình Nhưỡng kể từ khi TT Obama nhậm chức. Theo giới quan sát Mỹ, sau chuyến thăm này, quan hệ Mỹ - Triều Tiên đã xuất hiện một loạt tín hiệu rất đáng chú ý. Sau khi trở về Washington, ông Bosworth hé lộ trong 3 ngày ở Bình Nhưỡng, ông đã thảo luận cơ chế hòa bình mà Triều Tiên hết sức quan tâm. Vấn đề này đã được đề cập trong “Văn kiện chung Mỹ - Triều Tiên” ký ngày 19-9-2005, trong đó có hiệp định hòa bình thay thế hiệp định đình chiến kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Quan trọng hơn cả là ông Bosworth đã chuyển một bức thư riêng của TT Mỹ Barack Obama gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Trước đây các vị TT tiền nhiệm Bill Clinton và George W. Bush đều đã gửi thư riêng cho ông Kim Jong-il vào thời điểm quan hệ Mỹ - Triều Tiên “nóng lên”. Vì vậy, bức thư của TT Obama càng được dư luận Mỹ quan tâm. Nguồn thạo tin ở Washington cho biết trong thư, TT Mỹ đã kêu gọi Bình Nhưỡng thực hiện biện pháp phi hạt nhân hóa và sớm trở lại bàn đàm phán 6 bên. Nếu Bình Nhưỡng thực hiện yêu cầu này, Mỹ sẽ xem xét vấn đề bình thường hóa quan hệ hai nước và cung cấp viện trợ cho Triều Tiên. Giới phân tích cho rằng sở dĩ TT Obama không muốn công khai nội dung bức thư, có thể là trong thư đề cập khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên nếu tiến trình phi hạt nhân hóa tiến triển thuận lợi. Không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tin rằng chuyến thăm của ông Bosworth có khả năng “mở ra một chương mới” trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên. Bà nhận định: “Xét trên góc độ cuộc gặp gỡ sơ bộ, chuyến thăm của đặc phái viên Mỹ có ý nghĩa rất tích cực”. Bản thân ông Bosworth cũng thừa nhận cuộc đối thoại tại Bình Nhưỡng “thật sự rất hữu ích cho cả hai bên hiểu biết nhau hơn” và sẽ là sự khởi đầu tích cực cuộc đối thoại. Về phía Bình Nhưỡng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhận xét: “Hai bên đã rút ngắn những khác biệt trong lập trường của mỗi bên và nhất trí về tầm quan trọng của việc thi hành “Văn kiện chung Mỹ - Triều Tiên” 19-9-2005 cũng như nối lại cuộc đàm phán 6 bên”. Cuộc đối thoại Mỹ - Triều Tiên tuy mới chỉ bắt đầu đã được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc. Hãng tin Interfax dẫn nguồn tin của Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Bình Nhưỡng “đang đi đúng hướng”, Nga ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng cũng như “sẵn sàng hỗ trợ các cuộc đàm phán bằng bất cứ cách nào có thể”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cũng khẳng định Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ Mỹ và Triều Tiên đối thoại để bình thường hóa quan hệ. Từ những tín hiệu lạc quan bước đầu trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên, một câu hỏi được đặt ra là hy vọng cải thiện quan hệ này đến bao giờ trở thành hiện thực? Nhà phân tích Vương Phàn thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh cho rằng Mỹ cần phải điều chỉnh cách tiếp cận trước tiên thì quan hệ với Bình Nhưỡng mới có thể có những bước đột phá. Theo ông Vương, Mỹ nên tạo niềm tin cho Bình Nhưỡng thông qua việc bình thường hóa quan hệ và ký hiệp định hòa bình để bảo đảm an ninh cho Triều Tiên. Với Triều Tiên, một sự tiếp cận bảo đảm an ninh và kích thích kinh tế sẽ có hiệu quả hơn kỳ thị và cấm vận. Hàn Quốc có thái độ rất thực tế đối với quan hệ Mỹ-Triều Tiên. Giáo sư Yu Ho-yeol, khoa Triều Tiên của Trường Đại học Seoul, nhận định: “Chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Bosworth là chiếc chìa khóa mở lại cuộc đối thoại Triều Tiên-Mỹ, nhưng chưa thể giải quyết hoàn toàn mọi bất đồng. Cần có thêm những cuộc đối thoại nữa trong năm 2010 trước khi Bình Nhưỡng trở lại cuộc đàm phán 6 bên”.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100110122521737p0c1006/tu-hy-vong-den-hien-thuc.htm