'Từ khi buýt nhanh chạy chưa xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng'

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội đánh giá, từ khi tuyến buýt nhanh BRT vận hành chưa có hiện tượng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài xuất hiện. Trật tự giao thông trên tuyến được cải thiện, hình ảnh giao thông mới với các thành phần tham gia đi lại trật tự, đi theo làn.

Từ khi vận hành tuyến buýt nhanh chưa có hiện tượng ùn tắc nghiêm trọng giao thông - Ảnh: Q.V

Từ khi vận hành tuyến buýt nhanh chưa có hiện tượng ùn tắc nghiêm trọng giao thông - Ảnh: Q.V

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị vừa thống kê, sau 08 tháng triển khai loại hình buýt nhanh BRT, tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã đã thực hiện trên 82.400 lượt xe; Lượt xe thực hiện đạt 99,99% so với kế hoạch; Lượt xe xuất bến đúng giờ đạt tỷ lệ cao (98,9%); Và đã vận chuyển trên 3,2 triệu lượt khách

Lượng hành khách bình quân gần 13,000 HK/ngày, vào các cung giờ cao điểm đã bước đầu có dấu hiệu quá tải: bình quân 70HK/lượt xe, nhiều lượt xe vận chuyển từ 105-115HK. Sản lượng hành khách trên tuyến BRT luôn thuộc nhóm các tuyến có sản lượng hành khách vận chuyển cao trong toàn mạng.

Ngoài ra, số lượng hành khách sử dụng vé tháng một tuyến của tuyến BRT liên tục tăng, đến nay sản lượng hành khách sử dụng vé tháng 1 tuyến của tuyến BRT đang dẫn đầu so với các tuyến buýt khác.

Đặc biệt, về hiệu quả hoạt động của tuyến BRT Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết, trật tự giao thông trên tuyến được cải thiện, hình ảnh giao thông mới với các thành phần tham gia đi lại trật tự, đi theo làn, tôn trọng làn xe dành riêng đã cơ bản hình thành. Từ khi tuyến BRT vận hành chưa có hiện tượng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài xuất hiện.

Tuyến BRT đi vào hoạt động, một bộ phận không nhỏ người dân đã chủ động chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng. Kết quả khảo sát cho thấy 23% hành khách sử dụng BRT hiện nay chuyển từ phương tiện cá nhân sang.

“Như vậy tuyến BRT đã thực hiện vai trò để kiểm định tính đúng đắn của việc tập trung phát triển VTHKCC, cho thấy khi chất lượng dịch vụ VTHKCC được nâng cao, người dân sẵn sàng từ bỏ phương tiện cá nhân để chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng”- Báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội nêu rõ.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, tình trạng các phương tiện đi lấn vào làn đường BRT có xu hướng tăng gây nhiều khó khăn cho hoạt động của tuyến BRT; Hiện tại, việc trung chuyển giữa tuyến BRT 01 và mạng lưới xe buýt tại một số nhà chờ chưa phù hợp do khoảng cách đi bộ của hành khách khá xa.

Minh Quang

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/tu-khi-buyt-nhanh-chay-chua-xay-ra-un-tac-giao-thong-nghiem-trong-137907.html