Từ nguồn Thạch Hãn tới bờ Hồ Gươm

Hai mươi năm trước, chuẩn bị bước vào tuổi xưa nay hiếm, với tình đồng hương, tôi được ông giao việc sắp xếp những gì ông đã viết cho Tuyển tập. Từ ba bao tải lớn bài báo và hàng chục đầu sách in trong gần 50 năm, tôi đã chọn và sau khi đích thân ông loại thêm, Tuyển tập Phan Quang gồm 3 tập dày dặn đã được xuất bản.

Nhà báo, nhà văn Phan Quang. Ảnh: Internet

Năm mừng thọ ông vào tuổi 85, lớp hậu sinh đã chung tay sưu tầm nên cuốn sách Phan Quang, Bạn và nghề gồm cả trăm bài báo của nhiều tác giả quen và không quen, tất nhiên tràn ngập những lời khen về người và nghề, cùng nhiều ảnh tư liệu quý về đời làm báo, viết văn của ông, nhưng rồi ông chỉ để giữ làm kỷ niệm mà không đồng ý phát hành rộng.

Ngỡ là sự nghiệp chữ nghĩa một đời đã an bài. Nào ngờ, hằng năm sau đó, năm nào ông cũng có một vài đầu sách mới. Ngoài tuổi 85, ông còn có Xuân bao nhiêu tuổi, Tầm nhìn, Chuyện rừng châu Phi, Cỏ lau Thành cổ… không tính những đầu sách tái bản… Riêng phần dịch thuật và giới thiệu, số lượng không nhiều, nhưng những tác phẩm đó làm nên một cõi riêng, không thể lẫn: Hoa lạ (tuyển truyện ngắn Những vùng đất lạ, 1957), Những ngôi sao ban ngày của Olga Bergholtz (tùy bút Nga, 1963), Trở lại với đời (tiểu thuyết Bỉ, 1985), và đặc biệt bộ ba Nghìn lẻ một đêm, Nghìn lẻ một ngày, Mười hai sử thi huyền thoại, có cuốn, số lần tái bản chính thức cho đến nay đã ngoài 30 lần!

Đọc các tác phẩm của Phan Quang, phần lớn là ký, hay khảo cứu về văn hóa, ta không khỏi cảm phục những gì ông đã trải nghiệm, những công việc ông đã kinh qua các thời kỳ, và nhất là ký ức của ông về những người ông đã gặp gỡ, tiếp xúc, cùng sống và làm việc. Đặc biệt là bạn bè văn nghệ một thời: Hải Triều, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Bùi Hiển, Thanh Tịnh, Hoàng Yến, Hoàng Trung Thông, Xuân Diệu …

Do công việc, mà cũng do nghề nghiệp, và không chỉ nghề nghiệp, hiếm nhà văn, nhà báo nào ở nước ta có một số lượng bạn bè văn báo quốc tế như Phan Quang. Không chỉ quen biết xã giao, họ còn đọc tác phẩm của nhau, cùng nhau tham gia nhiều hoạt động quốc tế để bạn hữu quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước và cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng ta: Wilfred Graham Burchett (Úc), Jacques Danois (Bỉ), Chris Mullin (Anh), Karl Hagel (Đức), Jules Roy, Jean Lacouture, Alain Decaux, Philippe Sainteny (Pháp)… Ngôn ngữ ở đây cũng chỉ là một lợi thế…

Sức đọc, sức hiểu, sự cảm thông, khả năng nắm bắt và trao đổi thẳng thắn những vấn đề học thuật và văn học nghệ thuật kim cổ cũng như những diễn biến xã hội một thời thế giới bị phân cực rối rắm, mới làm cho họ trở thành bạn bè thân thiết trong nhiều năm.

Ngước nhìn đỉnh cao vời vợi của những tác phẩm ông đã hoàn thành, những chặng đường vạn dặm ông đã đi, thế giới những con người huyền thoại có thật ông đã tiếp xúc và kể lại với biết bao tình yêu thương và quý trọng, kẻ hậu sinh đồng hương Quảng Trị là tôi càng bồi hồi, xúc động và không khỏi bất ngờ khi lần đọc lại những trang ghi chép và nhật ký mà ông gọi là những mẫu sống nguyên thô của Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm được công bố khi tác giả sắp bước vào tuổi 90!

Ghi chép riêng tư của một chàng trai quê miền Trung bước vào tuổi hai mươi trở thành một nhà báo, từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, luôn bám sát các đơn vị bộ đội chiến đấu, các điểm nóng của cách mạng, vừa làm vừa tự rèn luyện để nâng cao trình độ mọi mặt, và hạnh phúc đã có mặt trong ngày hòa bình đầu tiên khi về giải phóng Thủ đô, dự buổi mít tinh trọng thể ngày 01/01/1955, nhân dân Thủ đô náo nức mừng Bác Hồ và Chính phủ ta trở về Hà Nội, rồi hưởng cái Tết cổ truyền hòa bình đầu tiên của đất nước độc lập tại Hà Thành… bỗng trở thành nhân chứng về một trang lịch sử đất nước hào hùng, đau thương mà thật đẹp.

Trong chiến tranh, không chỉ người lính, mà cả các nhà báo, nhà văn bám sát các đơn vị chiến đấu cũng thường xuyên đối diện với những rủi ro, bất trắc khó lường. Hàng trăm nhà văn, nhà báo nước ta đã trở thành liệt sĩ qua mấy cuộc kháng chiến. Do có chút vốn chữ nghĩa, năm 1945, khi 17 tuổi, Phan Quang đã tham gia công tác, năm 1948, tròn tuổi 20, đã chính thức trở thành nhà báo. Từ vùng tự do Liên khu 4, ông được phái trở lại chiến trường Bình Trị Thiên, và từ đây nhiều lần vào ra vùng địch chiếm đóng, theo các đơn vị chiến đấu để đưa tin, viết bài, làm công tác vận động quần chúng.

Nhiều hiểm nguy rình rập không chỉ những năm tháng theo sát bộ đội trong các chiến dịch Phan Đình Phùng 1950, Thượng Lào 1953, mà những ngày trở lại quê nhà đang hồi chiến tranh quyết liệt và vùng địch hậu không an toàn, những năm làm báo ở vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh, nhưng cũng là mục tiêu tự do bắn phá của máy bay địch. Nhưng may mắn là hòn tên mũi đạn luôn tránh xa nhà báo trẻ xông xáo. Và may mắn hơn là công việc và cuộc sống cho ông có dịp gần gũi, tiếp xúc, cùng làm việc với nhiều, rất nhiều những con người thuộc nhiều vị trí, nhiều nghề nghiệp, ở nhiều địa phương suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Thói quen nghiệp vụ của một nhà báo ghi chép tài liệu rất cẩn trọng và chuyên cần, ngay tại trận địa, không chỉ giúp cho các bài báo kịp thời, có chi tiết chân thực, nhiều năm sau còn làm nên chất liệu cho những trang viết mang tính hồi ức đầy xúc động về các chính khách, các văn nghệ sĩ tên tuổi.

Riêng những trang Nhật ký, vốn chỉ viết cho riêng mình, mà cũng thật may mắn, là trải bao biến động, vẫn còn lưu giữ được, như chuyến tàu siêu tốc đưa người đọc ngược thời gian, trở về những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở miền Trung, gặp lại thời tuổi trẻ của cả một thế hệ nhiều những con người mà tài năng sáng tạo nhiều năm sau có dịp tỏa sáng. Bằng tập Nhật ký này, ông là người hiếm

hoi, qua những mẩu chuyện cụ thể, có thể nói với người hôm nay sự thật về cuộc sống và chiến đấu của thời ban sơ, khi chế độ mới, với những hình thức
tổ chức và sinh hoạt mới, vừa đi vừa xếp hàng. Có bao nhiêu ước vọng đẹp lẫn vào những ngây ngô, ấu trĩ, khi xác định quan hệ giữa cái ta và cái tôi, có sự không bằng lòng thường trực về bản thân và những công việc đã làm được, cả trong cuộc sống thực tại, trong công việc làm báo, viết báo và mộng ước sáng tác văn chương. Nhưng sau tất cả, như ông từng nhớ lại: Ngày xưa, ngày xưa, cái thời các văn nghệ sĩ – mà chắc không chỉ họ – ai cũng nhiều khó khăn, day dứt; cái thời cô bác, anh chị chúng ta chẳng mấy ai thật sự nhởn nhơ cơm áo đời thường, sao tình đời tình người đẹp vậy!

Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm là bức tranh sống động về cuộc đời trong sáng của cả một thế hệ,từ bà mẹ Việt Nam, anh bộ đội Cụ Hồ, chàng trai bị coi là tiểu tư sản, cô gái dịu dàng dù hơi kiêu ngạo, mấy anh cán bộ luôn nghiêm trọng hóa vấn đề…, mọi người đều vì nghĩa cả mà hết mình trong công việc. Thấp thoáng tâm tư của chàng trai với mối tình đầu trong đẹp như pha lê. Hai người thân thiết đến mức người trong cơ quan, ai cũng nghĩ họ yêu nhau và vun vào. Nhưng chỉ hai người mới biết điều đó là không thể, vì gia đình cô gái đã hẹn ước với gia đình một chàng trai, dù cô chưa yêu, nhưng lúc này anh ấy đang ở ngoài mặt trận…

Và cứ như thế, chàng trai quê bên dòng Thạch Hãn, giã từ làng quê từ thuở niên thiếu, trưởng thành dần trong công việc trên những nẻo đường kháng chiến, cho đến một mùa Thu đẹp, theo chân các đoàn quân, lần đầu tới Thủ đô trong ngày đầu giải phóng.

Tập sách còn có bài mới viết gần đây về một ngày thu lịch sử, lần đầu tiên trong đời, ông bỗng gặp trời thu Hà Nội. Một thoáng ký ức mà bộc lộ bao nhiêu phẩm chất quý báu của người dân miền đất nghèo kiên cường và quyết liệt. Những bài viết làm tròn đầy hơn hoài niệm của một “Ông già đầu bạc” đáng kính, chuẩn bị bước vào tuổi 90, về tuổi hai mươi tươi đẹp của mình.

Nguyện ước lớn của một thời tuổi trẻ là có những tác phẩm trung thực để hậu thế biết về thời chúng ta đã sống. Tôi nghĩ nhà văn – nhà báo Phan Quang (tên thật là Phan Quang Diêu, còn có các bút danh Hoàng Tùng, Phan Hoàng Tùng, Vị Hoàng, Yên Thanh, Hoàng Xá…) đã có thể yên lòng. Hình thức văn chương dẫu tân kỳ đến đâu cũng không có nghĩa gì nếu nó không vận chuyển trong bản thân tác phẩm hình ảnh của cuộc sống. Trong dạng thức nguyên thô, thêm tập tư liệu, văn liệu, sử liệu về một mảng cuộc sống những năm kháng chiến chống Pháp, được ghi nhận chân thực qua cách cảm và nhận của một chàng trai trẻ giàu mơ mộng, giàu tình cảm yêu thương này hẳn mách bảo với người đọc hôm nay nhiều điều không hoàn toàn đã thuộc về quá khứ.

Nhà báo, nhà văn Phan Quang có tên tuổi trong nhiều bảng tra cứu: một chính khách, một phóng viên, một quan chức hàng đầu của nghề báo, một nhà văn hóa lịch lãm, một dịch giả tài năng, một nhà văn, một đại biểu Quốc hội qua nhiều khóa, một người bạn thân thiết của nhiều nhà báo, nhà văn lớn trong nước và quốc tế.

Ngô Thảo

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tu-nguon-thach-han-toi-bo-ho-guom/