Tủ sách văn hóa Việt xuất bản sang tiếng Trung

Ngày 20.5, Công ty Cổ phần văn hóa Chi (Chibooks) tổ chức lễ ký kết bản quyền Tủ sách Văn hóa Việt do Chibooks xuất bản cùng Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây.

Trong khuôn khổ dự án, hai tựa sách đã hoàn tất phần dịch tiếng Hoa là Vắt qua những ngàn mây (tác giả Ðỗ Quang Tuấn Hoàng), và cuốn Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời (tác giả Vũ Thế Long), dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc Trung Quốc trong năm 2024-2025.

Lễ ký kết bản quyền Tủ sách văn hóa Việt. Ảnh: CTV

Lễ ký kết bản quyền Tủ sách văn hóa Việt. Ảnh: CTV

Vắt qua những ngàn mây tập hợp những bài viết trong hành trình đi xuyên dải đất hình chữ S của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng. Ở mỗi vùng đất, từ miền phía Bắc tổ quốc, băng qua dải đất miền Trung nắng gió, tới miền Nam sông nước, tác giả đều ghi lại những câu chuyện cuộc sống sinh động, nơi mỗi vùng đất đều có những đặc sản tạo nên nét đẹp riêng của mình, nơi con người hòa mình trong thiên nhiên, yêu mến và khao khát gìn giữ vẻ đẹp vốn có của quê hương đất nước. Cuốn sách bày tỏ lòng khao khát muốn bảo tồn vẻ đẹp và yêu tha thiết mảnh đất của quê hương Việt Nam.

Bước vào những trang sách của Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời, tựa như ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỷ 20, để hồi tưởng, để khám phá một thời, người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao, đã “đối xử” thế nào (cự tuyệt, đón nhận, hay thậm chí “đồng hóa”) với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng “di cư”, giao lưu Đông - Tây, Nam - Bắc...

Sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân của một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội với sự tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng của một nhà nghiên cứu từ những văn bản, hiện vật khảo cổ học đến tư liệu “sống” - là các cụ ông, cụ bà thế hệ trước đã đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn sống động, vẫn rất “đời”, để chúng ta cảm nhận được “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội, của bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động. Sách đã được Đề cử giải Bùi Xuân Phái năm 2023 hạng mục Tác phẩm.

Sau hai tác phẩm kể trên, lần lượt các tựa sách văn hóa Việt khác cũng được xuất bản sang tiếng Trung, giới thiệu cho độc giả Trung Quốc trong vòng 3 năm liên tiếp. Theo dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks, thông qua các tác phẩm thuộc Tủ sách Văn hóa Việt, Chibooks mong muốn độc giả quốc tế có cơ hội được tiếp cận những nét đặc sắc về văn hóa bản địa, cảnh đẹp, phong tục tập quán, đất nước, con người Việt Nam ở nhiều vùng miền.

Bà Chi cũng cho rằng mặc dù hành trình đưa sách Việt Nam ra thế giới đã và đang còn nhiều thử thách nhưng nếu quyết tâm sẽ từng bước đạt được kết quả. Trong đó, việc thường xuyên tham gia triển lãm sách Việt tại các hội sách quốc tế sẽ giúp bạn bè xuất bản quốc tế, độc giả quốc tế thêm hiểu về sách Việt Nam; từ đó, nảy sinh ấn tượng và khái niệm về sách Việt Nam nói chung. Mặt khác, các hoạt động giao lưu với tác giả Việt, trao đổi trò chuyện cùng các độc giả, biểu diễn văn hóa văn nghệ đậm màu sắc Việt Nam cũng là một cách làm hiệu quả nhằm giúp sách Việt Nam xích lại gần độc giả quốc tế.

"Mục tiêu của Chibooks là nỗ lực đưa sách Việt ra với thị trường thế giới", bà Chi chia sẻ.

Xuất khẩu sách Việt Nam ra nước ngoài

Xuất khẩu sách Việt Nam ra nước ngoài (bao gồm cả xuất khẩu, triển lãm, bán bản quyền, giới thiệu tác giả...) là dự án mà Chibooks ấp ủ suốt 16 năm thành lập và hoạt động. Trong đó xuất khẩu sách Việt Nam vào thị trường Trung Quốc cũng là một chiến lược quan trọng thuộc Dự án này. Tới nay, Chibooks đã thực hiện được coi như là đầy đủ các phần trên của Dự án Xuất khẩu sách Việt.

Hơn 16 năm qua, Chibooks cũng rất nỗ lực đưa sách Việt Nam xích lại gần độc giả quốc tế bằng nhiều hình thức như: tổ chức các gian hàng sách Việt tại các hội sách quốc tế như Hội sách quốc tế Frankfurt (Ðức, 2 lần), Hội sách quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia, 1 lần), Hội sách quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc, 2 lần), Hội sách Quảng Tây (Trung Quốc, 1 lần), Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO, Trung Quốc, 1 lần), Hội sách quốc tế Bangkok (Thái Lan, 1 lần)... Chưa tính các lần đi tham dự các hội sách quốc tế nhưng không tổ chức gian hàng trưng bày.

Xuất khẩu sách Việt Nam ra nước ngoài là dự án mà Chibooks ấp ủ suốt 16 năm qua. Ảnh: CTV

Xuất khẩu sách Việt Nam ra nước ngoài là dự án mà Chibooks ấp ủ suốt 16 năm qua. Ảnh: CTV

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi, là người tiên phong tổ chức gian hàng sách Việt Nam tại Trung Quốc và làm liên tục tới nay. Đặc biệt, cả 4 lần sách Việt Nam được triển lãm tại Trung Quốc đều do nỗ lực của dịch giả Nguyễn Lệ Chi và thương hiệu sách Chibooks "tự thân vận động" như các năm 2006 (Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO), năm 2016 (Hội sách quốc tế Bắc Kinh BIBF), năm 2019 (Triển lãm sách Quảng Tây), năm 2023 (Hội sách quốc tế Bắc Kinh BIBF).

Tại các gian hàng sách quốc tế này, Chibooks đã đưa nhiều tựa sách về văn học, văn hóa Việt Nam, sách thiếu nhi... trưng bày, giới thiệu với bạn bè xuất bản quốc tế. Trong số các tác phẩm mang đi trưng bày triển lãm, có tác phẩm đã được dịch hoàn tất ra tiếng Trung, cũng có một số mới dịch tóm tắt mục lục, chương 1, chương 2... Tất cả nhằm góp phần cung cấp cho các đơn vị xuất bản nước ngoài một cái nhìn toàn diện hơn về sách Việt Nam.

Từ 16.3.2012, Chibooks từng tổ chức lễ ký hợp đồng đại diện cho 11 nhà văn Việt Nam với 41 tác phẩm để chào bán bản quyền ra nước ngoài trong các Hội sách quốc tế. Đó là các nhà văn: Hồ Anh Thái, Bùi Anh Tấn, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Đình Tú, Dương Bình Nguyên, Phong Điệp, Cấn Văn Khánh, Trần Thu Trang. Tất cả tài liệu về tác phẩm và tác giả đều được dịch ra 2 thứ tiếng là tiếng Trung và tiếng Anh.

Từ sau Triển lãm sách Quảng Tây tháng 10.2019, sách Chibooks tiếp tục được trưng bày và bán tại nhà sách Tân Hoa (số 69 đường Dân tộc, thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Tân Hoa là hệ thống nhà sách lớn nhất Trung Quốc, thành lập từ năm 1937, có hàng trăm chuỗi nhà sách khắp các tỉnh thành Trung Quốc.

Tại nhiều hội chợ như thế, Chibooks đã đạt được một số thỏa thuận về hợp tác xuất bản với một số đơn vị xuất bản quốc tế, từng bước trao đổi về việc cùng xuất bản sách và xuất bản sách Việt Nam. Chibooks cũng đồng thời tham gia nhiều hoạt động chuyên ngành xuất bản như, trình bày các tham luận nhằm đóng góp các xu hướng hợp tác khả thi cho xuất bản trong khu vực…

Tại Hội sách quốc tế Bắc Kinh lần thứ 29 (diễn ra từ ngày 16 đến 24.6.2023), gian hàng Chibooks đã trưng bày loạt tác phẩm thuộc Tủ sách Văn hóa Việt và Tủ sách Văn học Fantasy Việt. Trải qua quá trình nỗ lực quảng bá sách Việt Nam ra thế giới, tủ sách Văn hóa Việt ấn bản tiếng Việt của Chibooks đã được đưa lên sàn thương mại điện tử của Công ty Xuất nhập khẩu sách Trung Quốc, mở bán rộng rãi với độc giả Trung Quốc và các nước. Những đơn hàng đầu tiên đã được đặt ngay trong tháng 6.2023 sau khi kết thúc hội chợ, mở ra nhiều tín hiệu khả quan.

Và sau nhiều nỗ lực tìm kiếm các NXB nước ngoài, Chibooks cũng đã tìm được bà đỡ cho các ấn phẩm sách của mình xuất bản sang tiếng Trung. Từ ngày 16-18.4.2024 vừa qua, đại diện Chibooks đã sang TP. Sùng Tả (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) tham dự hoạt động đọc sách tại đây và quảng bá cuốn sách Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” (tác giả Vũ Thế Long). Đài truyền hình Sùng Tả cũng sang Hà Nội ghi hình, phỏng vấn tác giả Vũ Thế Long về cuốn sách này và phát sóng rộng rãi...

Trà My

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tu-sach-van-hoa-viet-xuat-ban-sang-tieng-trung-43769.html