Tử thần đến từ “bác sĩ túi xách”

PN - Chỉ là một người bán hàng rong trên xe đẩy ở Bangkok, nhưng Ratphila Chairungkit lại mơ có được vẻ mặt và ngoại hình của Jennifer Lopez. Cô gái 25 tuổi này đã tìm trên Google từ khóa “Botox rẻ tiền”. Đó là khởi đầu của chặng đường dài 5 năm Ratphila chạy theo việc thay đổi diện mạo, gồm hai lần sửa mũi, hai lần làm cho mắt to ra, xẻ cằm và môi, làm trắng da và hàng chục mũi tiêm botox vào người.

“Tôi thật may mắn khi không mất mạng vì các cuộc giải phẫu đó”. Ratphila nói sau lần phải nhập viện để bác sĩ lấy botox khỏi cằm, má, mí mắt của cô. Ratphila đang phải chấp nhận một gương mặt méo, chẳng có chút gì giống với thần tượng người Mỹ mà cô hằng ao ước.

Từ vài năm nay, Thái Lan đã trở thành thiên đường của việc sửa sắc đẹp, nhưng không như Hàn Quốc hay Nhật, công nghiệp làm đẹp nước này phần lớn dành cho người không có thu nhập cao, thậm chí những người làm công việc nặng nhọc. Giá cả của các dịch vụ này rất thấp nên nguyên liệu sử dụng cho việc làm đẹp không phải là loại có chất lượng, bác sĩ cũng không phải là những người được đào tạo chuyên ngành.

Nhiều người ở Thái đã không có được may mắn như Ratphila. Ở đất nước này, mất mạng vì giải phẫu thẩm mỹ không phải là chuyện hiếm. Trường hợp nữ sinh Siriporn Muima, thường được gọi là “Koong”, ở Chiang Mai là một ví dụ. Cô gái chết ở tuổi 17, mà theo kết luận pháp y là sốc thuốc, nhưng thực tế, Koong chết khi đang được phẫu thuật hút mỡ tại một dưỡng đường tư nhân chỉ cách nhà cô 10m.

“Bác sĩ túi xách” Thanat Natveerakul xin lỗi cha mẹ nạn nhân tại tòa - Ảnh: Bangkok Post

Vụ chết người vì giải phẫu thẩm mỹ gây xôn xao nhất tại Thái Lan gần đây là vụ cô gái 32 tuổi Athitiya Eiamyai chết sau khi được Thanat Natveerakul bơm botox vào mông. Ngày 22/10/2013, tòa án đã ra phán quyết Natveerakul phải chịu án tù một năm. Trước đó, y đã bồi thường cho mẹ của nạn nhân 150.000 baht.

Giá cả cũng là nguyên nhân dẫn đến chết người trong việc làm đẹp. Nếu đến một dưỡng đường lớn để được bơm mông, Athitiya Eiamyai sẽ phải trả 70.000 baht nhưng nhờ đến Thanat Natveerakul, cô chỉ phải trả 40.000 baht. Những dịch vụ khác cũng có giá chỉ khoảng 40-50% so với các dưỡng đường lớn, nên những người nghèo muốn đẹp đã quen với giới “bác sĩ túi xách” (bag doctor) như Thanat Natveerakul hơn. Ở Thái Lan, “bác sĩ túi xách” được dùng để gọi những người hành nghề giải phẫu thẩm mỹ lưu động, sẵn sàng phục vụ khách hàng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.

Sau cái chết của Athitiya Eiamyai, chính phủ Thái Lan tổ chức một cuộc truy quét các “bác sĩ túi xách”. Chỉ trong vòng hai tháng, đã có 40 người bị bắt nhưng theo nhiều nguồn tin, còn hơn 200 người khác vẫn tiếp tục hành nghề. Thật khó xóa vấn nạn này khi phụ nữ luôn muốn được đẹp hơn nhưng nhiều người lại không có tiền nên chấp nhận đùa với tử thần từ những “bác sĩ túi xách”.

THIỆN NGA (Theo Foxnews.com)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/the-gioi/24h-qua/tu-than-den-tu-bac-si-tui-xach-/a105605.html