Từ 'thần tốc', 'kỳ ảo' đến 'qui trình cong mềm mại'…!

Những cuộc bổ nhiệm “thần tốc”, “kỳ ảo” sẽ còn tiếp tục nếu như qui trình bị “bẻ cong” một cách “mềm mại”. Chỉ khi nào qui trình là cái khuôn, ai vừa vào, ai thiếu bỏ thì khi đó mới không còn sự khuất tất trong bổ nhiệm cán bộ.

Ảnh minh họa

Đó là những cụm từ chỉ không ít cuộc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo gần đây.

Về cụm từ “thần tốc”, xin dành cho “hot girl” Trần Vũ Quỳnh Anh của Thanh Hóa, “cậu giời” Vũ Minh Hoàng ở miền Tây Nam bộ, “thái tử” Vũ Quang Hải”.

Từ một nhân viên hợp đồng với tấm bằng Cao đẳng, chỉ 3 năm sau, Trần Vũ Quỳnh Anh đã “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” ở chức Trưởng phòng của Sở Xây dựng Thanh Hóa, một tỉnh đông dân nhất nhì cả nước.

Tất nhiên, cùng với đó là khối tài sản không lồ gồm xe sang, biệt thự và đất đai.

Đối với “cậu giời” Vũ Minh Hoàng sinh năm 1990, được thăng chức Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban này khi mới 26 tuổi (2016).

Về “thái tử” Vũ Quang Hải, con trai ông Vũ Huy Hoàng, chỉ hơn 1 năm ở Bộ Công Thương, Vũ Quang Hải có tới 4 chức danh: Kiểm soát viên của một tập đoàn kinh tế lớn là Vinataba, Phó Vụ trưởng, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco - Đây là một kỷ lục về tốc độ thăng chức.

Về sự “kỳ ảo”, có lẽ khó có ai qua mặt được Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy.

Song, có những cuộc bổ nhiệm theo một qui trình “cong mềm mại” và điều đặc biệt, nó nằm cùng một Cục. Đó là trường hợp ông Nguyễn Xuân Sang và ông Nguyễn Đình Việt, Cục trưởng và Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Theo phản ánh từ báo Thanh niên ngày 17/12/2016, bài “Tốt nghiệp “đại học ngắn hạn” vẫn được bổ nhiệm Cục phó” thì ông Nguyễn Đình Việt khi được bổ nhiệm chưa có bằng đại học. Cụ thể, tại điều 13 của Quyết định 590 ngày 8.10.1993 của Trường đại học Hàng hải Việt Nam ghi: Ông Nguyễn Đình Việt tốt nghiệp ngành điều khiển tàu biển hệ cao đẳng khóa 1988 - 1991.

Trong khi tại Công văn số 2480/ĐH hướng dẫn cấp phát văn bằng tốt nghiệp cho hệ “đại học ngắn hạn” của Bộ GD&ĐT ghi rõ bằng “đại học ngắn hạn” và bằng tốt nghiệp cao đẳng do Bộ GD-ĐT phát hành từ năm 1991 trở đi có giá trị hoàn toàn như nhau.

Được biết, thời gian ông Việt học tại Đại học Hàng hải là 3,5 năm, trong khi đó hệ đại học của Trường đại học Hàng hải có thời gian đào tạo là 5 năm.

Cũng cần nói thêm, ngày 15.11.2013, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 3688/QĐ-BGTVT quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT. Tại điều 5 của văn bản này viết: Phó vụ trưởng và tương đương phải có bằng đại học phù hợp với lĩnh vực công tác.

Tóm lại, ông Nguyễn Đình Việt đã được bổ nhiệm khi chưa có bằng đại học như qui định của chính bộ GTVT.

Trường hợp thứ hai được các báo Nông nghiệp Việt Nam (bài Nhiều vấn đề nóng tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 13/6 và bài Bổ nhiệm Cục trưởng Hàng hải Việt Nam có gì khuất tất?), báo Thanh tra (bài Trượt chuyên viên chính vẫn được bổ nhiệm Cục trưởng Hàng hải? ngày 31/7)… phản ánh là ông Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang.

Ngày 9/7/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có Quyết định số 2468/QĐ- BGTVT bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Tại Quyết định số 3688/QĐ-BGTVT ngày 15/11/2013 của Bộ GTVT nêu rõ: “Trình độ đạt chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên”.

Tuy nhiên, vào năm 2014, tại kỳ thi nâng ngạch công chức do Hội đồng Thi nâng ngạch công chức của Bộ Nội vụ tổ chức thì ông Sang đã thi trượt, không “đạt chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính”. Kết quả trên đã được Hội đồng Thi nâng ngạch công chức năm 2014 của Bộ Nội vụ gửi trong Thông báo số 12/TB-HĐTNN ngày 25/5/2015 tới Bộ GTVT.

Đến năm 2016, ông Nguyễn Xuân Sang mới thi lại chuyên viên chính và theo Thông báo số 105 ngày 29/12/2016 của Bộ Nội vụ thì ông Sang được công nhận chuyên viên chính từ tháng 4/2017.

Như vậy, việc bổ nhiệm ông Sang làm Cục trưởng vào thời điểm 7/2015 là trái với Quyết định số 3688/QĐ-BGTVT của chính Bộ GTVT?

Trả lời báo Dân trí về vấn đề này trong bài “Thứ trưởng GTVT lý giải vì sao Cục trưởng Cục Hàng hải không "trúng" chuyên viên chính”, ông Nguyễn Ngọc Đông giải thích văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ có một tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ là người được bổ nhiệm phải đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên nhưng không quy định bắt buộc là người này phải đang là chuyên viên chính trở lên.

Ông Đông còn cho biết ông Sang cũng tham gia thi nâng ngạch chuyên viên chính năm 2014 và kết quả là đạt nhưng do số lượng chỉ tiêu năm đó quá hạn chế nên không trúng.

Về cách hiểu hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Đông nói thế là “bắt bẻ câu chữ” thôi chứ chưa là chuyên viên chính thì làm sao biết có đạt chuẩn chuyên viên chính hay không? Lấy gì để làm “thước” đo cho việc này? Giống như người đi thi lấy bằng lái xe ô tô chẳng hạn, dù có lái giỏi mấy thì cũng phải thi đỗ, có bằng, công an mới… không phạt. Không có chuyện cãi cùn “tôi chưa có bằng lái xe nhưng tôi… lái giỏi”!

Còn về lý do “số lượng chỉ tiêu năm đó quá hạn chế nên không trúng” thì quả là nực cười bởi chả có cuộc thi nào “đạt” mà lại… “không trúng” cả. Ví như thi đại học năm nay, 29,5 điểm không đỗ vẫn là không đỗ, trượt tức là trượt chứ không có chuyên không trượt nhưng… không đỗ vì ít chỉ tiêu.

Tóm lại, những cuộc bổ nhiệm “thần tốc”, “kỳ ảo” sẽ còn tiếp tục nếu như qui trình bị “bẻ cong” một cách “mềm mại” như thé này.

Do đó, chỉ khi nào qui trình là cái khuôn, ai vừa vào, ai thiếu bỏ thì khi đó mới không còn sự khuất tất trong bổ nhiệm cán bộ.

Song, điều kỳ lạ là ở chỗ, cái “qui trình cong mềm mại” này lại rơi đúng vào hai vị Cục trưởng và Cục phó của cùng một cục rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước – Cục Hàng hải Việt Nam.

Phải chằng điều này lý giải một phần vì sao những “đứa con” Vinashin, Vinalines vẫn là nỗi ám ảnh không nguôi?

BÙI HOÀNG TÁM

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tu-than-toc-ky-ao-den-qui-trinh-cong-mem-mai-post200599.html