'Tù thì tù chứ một nghìn cũng không có'

Đã nhiều năm nay, đối với ông bà Nụ Tết không còn ý nghĩa gì nhiều, cũng bởi người con trai của ông bà đã ra đi mãi mãi.

Tiếng chuông điện thoại lúc nửa đêm

Những giọt nước mắt của người mẹ đã ngoài 70 tuổi khi nói về đứa con trai cứ nghèn nghẹn. Sự ra đi đột ngột của anh Quách Văn Trường, trú tại Xóm Ngài, Xuất Hóa, Lạc Sơn, Hòa Bình đã để lại nỗi đau lớn cho người thân trong gia đình, đặc biệt với đôi vợ chồng già.

Vì cuộc sống mưu sinh ở quê khó khăn mà vợ chồng anh Trường phải gửi cháu Quách Tiến Thành (SN 2007) ở lại quê cho ông bà chăm sóc, còn hai vợ chồng lên Hà Nội kiếm tiền. Anh Trường may mắn xin được vào làm bảo vệ cho Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Quang Trung với thu nhập khoảng 3,6 triệu đồng/tháng. Còn chị Giao xin vào làm công nhân cho một công ty ở Hà Nội.

Với đồng lương ít ỏi, trong khi còn đủ thứ phải chi trả từ tiền phòng, điện nước đến ăn uống hàng ngày, hai anh chị cố gắng chắt chiu và đều đặn hàng tháng gửi 2 triệu về quê cho ông bà Nụ nuôi cháu Thành ăn học.

Ảnh minh họa.

Nào ngờ tai họa ập đến nhà bà vào ngày 04/11/2011. Như mọi khi, sau bữa cơm tối, ông bà Nụ ngồi xem ti vi, còn cháu Thành vào trong phòng học bài. Ông bà đâu ngờ rằng, khoảng 23 giờ đêm cùng ngày, khi ở nhà mọi người đang ngủ thì anh Trường đi làm ca đêm về muộn không may xảy ra tai nạn và đột ngột ra đi bỏ lại bố mẹ già, vợ dại con thơ mà không một lời trăng trối.

Người gây ra vụ tai nạn với anh Trường là Nguyễn Văn Trung (SN 1991, trú tại: Mai Châu, Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) điều khiển xe môtô biển kiểm soát 30N5-7972 chở vợ sắp cưới là chị Đinh Thị Ngát (SN 1990, trú tại Nho Quan, Ninh Bình).

Cả hai đều không đội mũ bảo hiểm và đang lưu thông trên đường vành đai khu công nghiệp Thăng Long, chiều cầu vượt Kim Chung đi xã Đại Mạch. Cú va chạm quá mạnh và bất ngờ, hậu quả khiến anh Trường tử vong.

Tiếng chuông điện thoại réo lên lúc nửa đêm khiến ông bà giật mình thức giấc và một cảm giác bất an, lo lắng bắt đầu xâm chiếm trong tâm trí. Bà Nụ tay run run bắt máy, đúng như dự cảm của bà, đầu dây bên kia là giọng nói hốt hoảng của anh Quách Văn Chinh (em ruột anh Trường, cùng lên Hà Nội làm ăn với anh trai) thông báo việc anh Trường gặp nạn.

Chưa kịp định thần, điện thoại lại réo lên, vẫn giọng anh Chinh run rẩy, nói đứt quãng, giục ông bà lên ngay không thì không kịp. Điện thoại còn chưa kịp ngắt thì đã rơi khỏi tay bà đánh choang một cái, khiến ông bà như sực tỉnh, tay chân run rẩy, trái tim như vỡ vụn.

“Tù thì tù chứ một nghìn cũng không có”

Câu nói vô cảm của người gây ra tai nạn mà gia đình bà Nụ không thể nào quên được. Nhớ lại cái đêm đau thương, nhìn đứa con trai đứt ruột đẻ ra đang nằm bất động, người bê bết máu đang hấp hối mà cõi lòng bà Nụ và gia đình như tan nát. Như tiếng sét đánh ngang tai khi bác sĩ bước ra lắc đầu, mọi người ngã khuỵu, thế là hết hi vọng.

Càng đau khổ hơn nữa, số tiền ít ỏi gần hai triệu vay nóng từ người thân đã hết sạch để lo viện phí cho con. Giờ đưa con về ông bà không còn lấy một đồng nào. Ánh mắt như cầu cứu tới anh Trung (chính là người gây ra vụ tai nạn đau thương cho anh Trường) và người thân nhà anh này mong được mọi người giúp đỡ ông bà vài triệu để đưa anh Trường về quê nhưng anh Trung và gia đình nhất định không chịu giúp.

Trước nỗi đau xót sắp mất con, không còn cách nào khác ông bà mếu máo, nói khó với người lái xe taxi, cũng may người lái xe cũng cùng quê với bà nên đã đồng ý giúp đỡ. Anh Trường trút hơi thở cuối cùng ngay khi vừa về tới quê nhà.

Sau khi lo hậu sự cho anh Trương xong, gia đình bà Nụ vì quá bức xúc trước thái độ vô tâm Trung, người đã gây ra tai nạn cho con mình nên quyết định làm đơn khởi kiện Trung.

Với tội danh vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, TAND huyện Đông Anh đã tuyên phạt Nguyễn Văn Trung 08 tháng tù giam; buộc bị cáo phải cấp dưỡng nuôi cháu Quách Tiến Thành mỗi tháng 650.000đ cho đến khi cháu thành niên.

Ông bà cũng đã già yếu, không còn khả năng lao động. Chị Giao (vợ anh Trường) sau khi chồng mất cũng xin về làm công nhân tại một xí nghiệp gần nhà với đồng lương khoảng 2,5 triệu một tháng. Chị trở thành lao động chính trong nhà, vừa nuôi con và phụng dưỡng bố mẹ chồng khiến chị không thể nào kham nổi.

Bà Nụ thật thà: “Chúng tôi quê mùa cũng nào hiểu biết gì nhiều về pháp luật, gia đình nhà anh Trung vì xót con phải đi tù nên có gọi điện xin gia đình tôi làm đơn kháng cáo xin cho anh Trung được hưởng án treo để còn về đi làm lấy tiền nuôi cháu Thành. Nghe cũng có lý nên chúng tôi cũng làm theo”.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. Một năm trời, gia đình bà Nụ mong ngóng khoản tiền hỗ trợ ít ỏi của anh Trung để cuộc sống của cháu Thành đỡ khổ, nhưng gia đình bà không hề nhận được đồng nào, gọi vào số máy ngày xưa thì thuê bao luôn trong tình trạng không liên lạc được.

Cực chẳng đã, một lần nữa, gia đình bà Nụ lại lật đật làm đơn khởi kiện mong đòi được quyền lợi chính đáng của mình. Cũng như những lần trước, gia đình bà vô cùng bức xúc vì gặp Trung lần này, Trung vẫn giữ nguyên quan điểm không chịu hợp tác với câu nói vô trách nhiệm “tù thì tù chứ một nghìn cũng không có”.

Sau nhiều lần xét xử, cuối cùng, ngày 21/7 tại TAND TP Hà Nội đã đưa ra quyết định, buộc bị cáo Nguyễn Văn Trung phải cấp dưỡng cho cháu Thành định kỳ hàng tháng số tiền 700.000 đồng đến khi cháu đủ 18 tuổi. Phải bồi thường tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho ông Quách Văn Riệc, bà Quách Thị Nụ, chị Bùi Thị Giao, cháu Quách Tiến Thành (do chị Giao đại diện theo pháp luật) tổng số tiền là 46 triệu đồng.

Trong thâm tâm ông bà lúc này, chỉ cầu mong không ốm đau, bệnh tật, có sức khỏe để có thể chăm lo cho các cháu, là ông bà đã thấy mãn nguyện lắm rồi.

Duy Khương

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/tu-thi-tu-chu-mot-nghin-cung-khong-co-d441.html