Tủ thuốc gia đình

-Nhà em sắp thành cái hiệu thuốc Tây kèm thêm cả hiệu thuốc Đông y. Người già thì thuốc trị đau xương khớp, thuốc đại tràng, thuốc giảm mỡ máu, thuốc đau dạ dày. Bọn trẻ thì thuốc trị trứng cá, thuốc nhỏ mắt. Nhìn chỗ nào cũng thấy lọ thuốc, vỉ thuốc đang uống dở.

- Không ổn rồi, thuốc men không thể tùy tiện, chẳng may người nọ uống nhầm thuốc của người kia thì nguy lắm.

- Em cũng biết vậy, nhưng sức khỏe là vấn đề bất cứ lúc nào cũng gặp, có phải lúc nào cũng sẵn hiệu thuốc để mua, sẵn bác sĩ để kê đơn đâu.

- Tất nhiên, thuốc phòng lúc nào cũng sẵn sàng là tốt, nhất là người đang điều trị thuốc thay thế ví như tiểu đường. Vấn đề là phải biết rõ sự cần thiết phải lưu giữ, bảo quản và sử dụng thuốc cẩn thận cho riêng từng người và cho cả gia đình. Có thể nói nước ta là thuốc men dễ dàng tùy tiện nhất. Cô cứ thử hỏi một thứ thuốc nào đó nhờ người bên Thụy Điển mua hộ xem có được không?

- Bác cứ nói chuyện bên Tây, Việt Nam mình anh hùng, sức đề kháng giỏi, được rèn luyện thích nghi với hoàn cảnh.

- Vậy nói chuyện bên ta, hiện thời cả nước đang cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão, bên cạnh gạo, mì gói, chẳng phải là có các cơ số thuốc chữa bệnh thiết yếu. Nhà nước bao giờ cũng có những cơ số thuốc dự phòng. Trong khi gia đình và cá nhân còn hiếm thấy sự hiểu biết và chuẩn bị cho một cơ số thuốc thông thường tại nhà. Nhớ lại mấy mươi năm trước, Hội Chữ thập đỏ đã truyền thông và tổ chức tốt “Tủ thuốc gia đình”, còn bây giờ lại không có nền nếp y tế tốt như xưa thật đáng tiếc.

- Ý bác muốn nói là lại lập “Tủ thuốc gia đình”?

- Chính xác và miễn bàn về lợi ích. Chỉ bàn về cách làm sao cho tốt nhất với điều kiện hiện tại.
Trước hết là mọi người thông hiểu để tự giác từng người đều làm tốt và có ý thức với sức khỏe gia đình và cộng đồng. Một mình cô lo lập tủ thuốc nhưng chú ấy lại giữ riêng thuốc của mình trong ngăn kéo bàn làm việc thì tủ thuốc không thành.

Nguyên tắc cơ bản là: Bảo quản tập trung một chỗ dễ nhìn, dễ tìm những thuốc men thiết yếu, thuốc cấp cứu thông dụng, bông băng gạc thuốc sát trùng cầm máu, dụng cụ y tế gia dụng (nhiệt kế, máy đo huyết áp, khay quả đậu, panh kéo…) và phân ô cho thuốc của từng người.

Tủ thuốc phải kín không cho gián, kiến lọt vào, để nơi khô, nhiệt độ ổn định không bị nóng quá, không để ánh nắng mặt trời trực tiếp. Cũng cần dành một ngăn sạch ở cửa tủ lạnh để giữ những thuốc có yêu cầu nhiệt độ thấp.

Bên cạnh tủ thuốc nên để luôn một ngăn đựng tất cả giấy tờ y tế để tra cứu đơn thuốc kèm một quyển sách thuốc thông dụng.

Tủ thuốc cần coi trọng phần ô thuốc cá nhân. Phải đề tên từng người rõ ràng tránh nhầm thuốc. Hình thành thói quen tốt là sau khi khám bệnh về cất thuốc vào ô của mình kèm theo đơn thuốc sổ khám bệnh để dùng thuốc đúng chỉ định. Định kỳ 6 tháng kiểm tra loại bỏ thuốc quá hạn và mua thuốc thay thế.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tu-thuoc-gia-dinh/144651.bld