Từ trò đùa của Google, Pokemon Go thành trò chơi toàn cầu như thế nào?

Khi ra mắt tuần trước, Pokemon Go đã trở thành trò chơi tạo nên cơn sốt trên toàn cầu. Tuy nhiên ít người biết rằng quá trình phát triển trò chơi này đã phải trải qua không ít gian nan.

Pokemon Go bắt đầu từ trò đùa năm 2014 của Google

“Trò chơi phải là nền tảng để phát triển cuộc sống thực tế” là trả lời của CEO Niantic, nhà phát triển trò chơi Pokemon Go trên Business Insider hồi đầu tuần về trò chơi họ mới ra mắt.

Kể từ tuần trước, câu chuyện được người dùng nhắc đến nhiều nhất đó chính là việc bạn bè hoặc bản thân họ bỏ việc họ đang làm để ra ngoài bắt Pokemon. Cảm giác của những người chơi này chính là được tham gia vào một cuộc phiêu lưu thật sự.

Theo CEO John Hanke: “trò chơi này khuyến khích người dùng ra ngoài, tương tác với thực tế, phần thưởng của người chơi chính là những trải nghiệm thật chứ không chỉ là nhận phần thưởng sau khi đạt được mục tiêu nào đó”.

Ngoài ra trò chơi cũng là công cụ để mọi người cùng phối hợp với nhau, tăng sự giao tiếp giữa mọi người.

Sau khi ra mắt, cổ phiếu của Nintendo cũng đã tăng trưởng ngoạn mục. Theo BusinessInsider: điều này cho thấy những trò chơi theo hướng thực tế sẽ trở thành xu hướng phù hợp cho việc phát triển ứng dụng di động.

Trước đây, khi Nintendo ra mắt trò chơi Pokemon trên hệ máy GameBoy năm 1996, trò chơi này cũng mang lại cho hãng thành công vang dội trên thị trường.

Từ đùa thành thật

Pokemon Go trên thực tế đã được game thủ thế giới biết đến từ cách đây 2 năm. Khi đó Google đã hợp tác với Pokémon Company tạo ra một trò đùa nhân ngày “cá tháng Tư”: một đoạn phim về việc người dùng sử dụng bản đồ Google Maps trên di động để đi tìm các Pokemon cho chính mình.

Nhận ra đây là sự kết hợp hoàn hảo, cả Nintendo và Pokémon Company quyết định đầu tư cho Niantic để hiện thực hóa ý tưởng này.

Lúc này, Niantic cũng có một trò chơi khác sử dụng những vị trí thực tế để người chơi tương tác với nhau là Ingress. Nhiều game thủ tại Việt Nam cũng tham gia trò chơi này với những địa điểm ở Hà Nội.

Trò chơi Ingress trước đây của Niantic đã khá nổi tiếng với game thủ thế giới

Nhưng đến đầu năm 2015, Google bắt đầu lên kế hoạch chuyển đổi thành Alphabet. Những mảng không liên quan đến mục tiêu kinh doanh chính của Google sẽ bị ảnh hưởng. Bản đồ Maps khi đó được xây dựng như một nền tảng cơ bản mức độ thấp cho mọi đối tác khác sử dụng. Niantic cũng không được ưu tiên nào như mọi đối tác khác do vậy nhà phát triển này buộc phải tìm phương án thay thế.

Tới đây, Niantic lại có cơ hội làm việc với những đối tác nhỏ hơn khi mà họ ngại phải cùng phát triển với “ông lớn” như Google.

Đến cuối 2015, Niantic chính thức nhận khoảng đầu tư trị giá hơn 20 triệu USD từ Pokémon Company, Nintendo và Google để thực hiện hoàn thành sản phẩm.

Đưa trải nghiệm cũ lên thực tế ảo

Hanke chia sẻ rằng “bản thân Pokémon Company rất thích cách chơi của Ingress trong khi đó nhân vật Pokemon cũng hấp dẫn Niantic nên 2 bên đã cùng học hỏi lẫn nhau trong quá trình phát triển”.

Do đó những địa điểm và cách chơi của Ingress sẽ có nhân vật Pokemon. Niantic đã giữ được hầu hết “chất của Pokemon” trong phiên bản game này với hình ảnh các Pokemon được xây dựng chính xác trên 3D. Âm nhạc của game Pokemon gốc được giữ lại. Động tác ném quả cầu để bắt Pokemon cũng được tinh chỉnh chính xác như thật.

Mục tiêu của Niantic là giữ cho những người chơi yêu thích game Pokemon trước đây nhận ra đặc trưng của Pokemon trong phiên bản này. Vẫn có thể bắt Pokemon mới và chiến đấu.

Thực tế ảo của Pokemon Go hoạt động khá tốt

Tuy nhiên vẫn có những điểm phức tạp gây khó khăn cho người dùng. Để hạn chế, nhà phát triển đã chọn giải pháp bỏ bớt một số yếu tố phức tạp với người chơi mới như cách tiến hóa Pokemon để phù hợp nhưng Hanke cho biết vẫn sẽ xuất hiện để giống với phiên bản gốc.

Pokemon Go lần này cũng có rất nhiều điểm được mang từ Ingress lên. Những điểm người chơi gặp nhau trong Ingress chính là những điểm Poke Stop trong trò chơi mới. Bên cạnh đó những kinh nghiệm bảo đảm an toàn cho người chơi cũng được học tập.

Thực tế ảo vẫn là một điều gì đó khá mới mẻ, cả với nhà phát triển lẫn người chơi. Vì vậy phải có những việc cần làm để trò chơi mang đến nhiều điều hơn cho người dùng. Những vấn đề được ưu tiên thực hiện gồm có:

Ưu tiên cho người dùng tập thể thao: Hiện nay có rất nhiều ứng dụng tập thể thao được phát triển, tuy nhiên những ứng dụng này chỉ có tác dụng khuyến khích người dùng tập luyện và giúp giám sát theo chế độ luyện tập của vận động viên. Với một trò chơi như Pokemon Go, người chơi sẽ vận động vì bản thân họ muốn có phần thưởng là những Pokemon mới. Điều này tốt hơn đặt một áp lực lên lưng người dùng.

Bên cạnh đó là giúp người chơi quan sát thế giới theo một cách khác. Hanke cho biết: “sẽ rất khác biệt khi người chơi đến một di tích lịch sử để luyện tập cho Pokemon của mình”. Người chơi có thể di chuyển trong khu phố của mình hoặc tới thăm các địa danh lịch sử. Đây là một cách để khuyến khích người chơi tới thăm nhiều địa điểm xung quanh mình.

Tuy nhiên điểm khác biệt nhất chính là mọi người chơi phải phối hợp với nhau để hoàn thành các nhiệm vụ trong trò chơi. Thay vì mỗi người chỉ tập trung nhìn vào màn hình của mình, trò chơi chỉ là công cụ giúp họ kết nối và buộc người chơi phải kết hợp với nhau thật sự.

Sau tất cả, những gì mà Pokemon Go làm được tới lúc này là thay đổi cách chơi của người dùng trong khi vẫn giữ được những gì nguyên bản của Pokemon từ đầu. Đối với Nintendo, báo chí quốc tế đã gọi đây là sản phẩm cứu họ khỏi bờ vực. Pokemon tiếp tục được mọi người yêu quý và Niantic đã thật sự tạo ra trò chơi cho tất cả mọi người.

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/noi-dung-so/tu-tro-dua-cua-google-pokemon-go-thanh-tro-choi-toan-cau-nhu-the-nao-1771050.html