Tự truyện Alex Ferguson (Chương 2): Barcelona – Nhỏ mới là đẹp

Barcelona là đối thủ vĩ đại nhất mà đội Manchester United của tôi từng phải đối đầu. Đơn giản là vĩ đại nhất. Ở Premier League, mẫu cầu thủ phổ biến là những người to khỏe, mạnh mẽ như Roy Keane, như Patrick Vieira, như Bryan Robson. Ở Barca họ có những chú lùn cao khoảng 5,6 feet (khoảng 170cm) nhưng dũng cảm như sư tử, những người sẵn sàng giữ bóng trong toàn bộ thời gian và không bao giờ cho đối thủ cơ hội giành lại. Thành tựu của những Messi, Xavi, Iniesta trong mắt tôi là không thể tin nổi.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

Barca vĩ đại

Đội Barcelona đã đánh bại chúng tôi ở Wembley trong trận chung kết Champions League năm 2011 mạnh hơn rất nhiều so với phiên bản năm 2009 ở Rome. Năm 2011, Barca đang ở đỉnh cao của họ và chơi bóng với một sự điềm tĩnh đáng kinh ngạc. Tôi không thể chịu đựng nổi ý nghĩ rằng mình đang sở hữu một đội bóng xuất sắc, nhưng lại phải gặp một đối thủ còn mạnh mẽ hơn.

Tôi ước gì mình có thể đá lại trận đấu ở Rome ngay ngày hôm sau, bởi bầu không khí trên sân Olimpico năm đó thực sự là rất tuyệt vời, và bởi đó là lần đầu tiên tôi thất bại trong một trận chung kết cúp châu Âu, sau 5 lần góp mặt. Phải nhận huy chương dành cho người về nhì là một trải nghiệm rất đau đớn, nhất là khi bạn biết rằng mình có thể làm tốt hơn.

Alex Ferguson

Dũng cảm là một điều tối cần thiết để chống lại đội Barca ấy. Họ là đội bóng xuất sắc nhất trong thế hệ này, giống như Real Madrid trong những năm 1950-60 hay AC Milan trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Đúng là tôi có tiếc nuối khi để thua họ, nhưng ghen tị thì không.

Hai trận thua

Nếu chơi thiên về phòng ngự hơn thì chúng tôi đều đã có thể gây nhiều khó dễ hơn cho Barca, nhưng tôi đã bước vào một giai đoạn mà những thắng lợi xấu xí chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Ở vòng bán kết năm 2008, tôi từng bố trí phòng ngự rất sâu và khiến bản thân mình cũng như các CĐV trải qua những phút giây cực kỳ căng thẳng. Tôi muốn xây dựng một hình ảnh tích cực hơn trong các cuộc đối đầu với Barca, và chúng tôi thua một phần cũng vì thế.

Nhưng lẽ ra chúng tôi đã không thua trận đó. Không phải là không có cách để ngăn chặn các cầu thủ Barca, kể cả Messi. 12 tháng trước, trong trận lượt đi vòng bán kết, chúng tôi đã xếp Tevez đá tiền đạo lùi và Ronaldo đá trung phong để nâng cao khả năng giữ bóng. Lần này tôi cũng làm điều tương tự, và kế hoạch của tôi là ngay khi M.U có bóng thì Tevez sẽ lùi xuống nhận bóng còn Ronaldo di chuyển để tìm khoảng trống bứt phá. Đáng tiếc là họ còn bận làm khán giả và tôi đã nói rõ với họ trong giờ nghỉ giải lao: “Các cậu đang đứng xem trận đấu. Chúng ta chẳng tổ chức được đợt phản công nào cả”.

Ronaldo (áo trắng) thời còn ở MU

Một lý do quan trọng khác, bây giờ tôi sẽ tiết lộ, là khách sạn ở Rome. Phòng của chúng tôi không có ánh sáng tự nhiên và thức ăn được đưa lên rất muộn, khi chúng đã nguội ngắt. Người ta phớt lờ đầu bếp mà tôi mang theo, và đến buổi sáng trước khi diễn ra trận đấu thì 2 hoặc 3 cầu thủ của tôi cảm thấy khó chịu, trong đó có Ryan Giggs.

Barca có 4 cầu thủ đẳng cấp thế giới: Pique, hai tiền vệ trung tâm và Messi. Người ta thường xuyên đánh giá Pique thấp hơn khả năng thực tế của cậu ấy, nhưng Guardiola đã bảo tôi rằng Pique là chữ ký tốt nhất mà ông ấy từng thực hiện. Pique có thể giữ nhịp trận đấu, truyền sự tự tin cho các đồng đội, đồng thời có thể chuyền bóng rất chính xác và phát động tấn công từ tuyến dưới. Giống như cái cách mà một người thợ câu thả mồi vào dòng nước, Xavi cũng chuyền bóng cho Iniesta ở một tốc độ vừa phải và gieo vào đầu đối thủ một hy vọng rằng họ có thể cắt được bóng. Nhưng ngay khi các cầu thủ của tôi lao vào, họ sẽ nhận ra đó là một cái bẫy: tốc độ và hướng đi của quả bóng khiến cho việc chạm vào bóng trở nên bất khả thi. Barca quá giỏi trong việc tạo ra những ảo tưởng kiểu như vậy.

Hai năm sau, chúng tôi gặp lại Barca và tôi chưa bao giờ thấy quá trình chuẩn bị diễn ra tốt đến như thế. Chúng tôi đã rèn luyện các phương án đối phó trong suốt 10 ngày liền, nhưng không hiểu vì sao mà Antonio Valencia lại bị đông cứng vào đêm hôm đó và không gây được khó khăn gì cho Abidal. Cả Michael Carrick cũng đã chơi không đúng với kỳ vọng.

Barcelona là đối thủ vĩ đại nhất mà đội Manchester United của tôi từng phải đối đầu.

Đó là trận đấu mà Dimitar Berbatov không có tên trong danh sách. Nếu phải chọn một “siêu dự bị”, người có thể làm bàn trong những phút cuối thì tôi thà tin vào Michael Owen còn hơn. Sự lựa chọn này chưa chắc đã công bằng với Berbatov, nhưng tôi buộc phải làm như vậy. Cậu ta, một cách khá ngạc nhiên, rất thiếu niềm tin vào bản thân và thậm chí còn kém tự tin hơn Hernandez. Thực ra thì Berbatov có khả năng, và tôi đã quyết định không bán cậu ta trong mùa hè 2011 dù nhận được không ít lời đề nghị (chúng tôi vừa bỏ ra 30 triệu bảng cho Berbatov và tôi không muốn cắt lỗ chỉ sau vài trận đấu không như ý muốn), nhưng cậu ta gần như chỉ đi bộ mỗi khi mất bóng và đó là điều không thể chấp nhận được ở đây.

Sau khi thua Barca lần thứ hai, tôi đã tự hỏi rằng vấn đề của M.U là gì? Tất nhiên là một số cầu thủ đã thi đấu dưới khả năng, một phần vì họ quen với việc chúng tôi luôn kiểm soát được nhiều bóng. Ngoài ra tôi cũng mắc một sai lầm ở giờ nghỉ. Tôi chỉ nghĩ đến việc giành chiến thắng và yêu cầu Rooney khai thác các khoảng trống ở hai biên, nhưng tôi đã quên mất rằng đây là Barcelona, đội bóng thường xuyên ra đòn quyết định vào khoảng thời giân 15 phút đầu hiệp hai. Lẽ ra tôi nên bảo Park theo kèm Messi còn Rooney dịch sang biên trái. Khi đó chúng tôi vẫn có thể phản công, dù Busquets sẽ được tự do và chúng tôi có thể bị dồn về sát vòng cấm địa.

Chuẩn bị cho tương lai

Những ngày sau đó tôi đã trao đổi rất kỹ với Paul Scholes và Gary Neville về chất lượng đào tạo ở học viện của M.U. Kết quả là chúng tôi vẫn đủ sức sản sinh ra những cầu thủ xuất sắc, không thua kém thì lứa cầu thủ trẻ của Barca. Thiago ở cùng đẳng cấp với Welbeck và Cleverley, nhưng phần còn lại ở La Masia thì không có gì đáng ngại. Với Scholes và Neville, tôi để họ nghiên cứu CLB một cách tổng thể và sau đó ba chúng tôi sẽ cùng ngồi lại để đánh giá sức mạnh thực sự của M.U. Tôi đặt một trọng trách khá lớn lên họ, bởi Scholes và Neville biết rõ hơn ai hết về những phẩm chất cần có để trở thành một “Quỷ đỏ”. Đưa những cầu thủ xuất sắc nhất của mình lên các vị trí cao hơn cũng là điều tôi luôn luôn muốn làm.

Lúc đó, ở trong BHL của M.U có Brian McClair, Mick Phelan, Paul McGuinness, Jim Ryan và Tony Whelan. Tất cả đều là người cũ của M.U. Và Scholes cũng luôn đưa ra những ý kiến rất tuyệt vời, không bao giờ do dự: khi chúng tôi có vấn đề với Ruud Van Nistelrooy, Paul đã xác định rất rõ rằng chúng tôi không thể để Ruud gây rắc rối thêm nữa. Gary hỏi: “Chắc không, Scholesy?” – chỉ càng làm tăng thêm quyết tâm của cậu ta mà thôi.

Nguồn YTT: http://www.bongda.com.vn/Nhan-vat-Su-kien/300736_Tu_truyen_Alex_Ferguson_Chuong_2_Barcelona_%E2%80%93_Nho_moi_la_dep.aspx