Từ truyền hình thực tế tới showbiz: Càng nhanh, càng nguy hiểm

“Giọng hát Việt nhí 2014” vừa kết thúc hôm 4.10. Câu hỏi là, liệu con đường âm nhạc của những thí sinh nhí này sẽ tiếp tục thế nào sau gameshow? Bởi đã có quá nhiều những trường hợp, ở những gameshow khác, khi bước quá nhanh từ truyền hình sang đời sống showbiz đã gây cho khán giả thất vọng nhiều hơn là kỳ vọng.

Quá nguy hiểm

Một cách hài hước, có người đã nhận xét rằng, không ít ca sĩ từ sân chơi Ai-đồ (Idol) đã bước ngay sang lĩnh vực…”cởi đồ” để nhanh chóng tạo sóng và nổi tiếng hơn.

Hương Tràm là một cô gái được nhiều người yêu mến từ “Giọng hát Việt 2012”. Sự yêu mến ấy không chỉ từ giọng ca có năng lực thật sự mà còn là cái vẻ “ngơ ngác” của một con chim mới ra ràng.

Bỗng nhiên, ngay sau đó, Hương Tràm không còn “e ấp một cách nhẹ nhàng, thoang thoảng” như cái tên của cô, mà đã bắt đầu…ám khói với những scandal vô lễ với HLV Thu Minh (tới mức ca sĩ đàn chị tuyên bố từ mặt), nghi án thẩm mĩ, tình cảm với một nam ca sĩ. Cho đến khi Hương Tràm “biểu diễn” thời trang xuyên thấu màu đen và lộ cả nội y khi biểu diễn ở quán bar, thì đúng là “hương tràm” đã khiến người ta…ngột thở.

Thiện Nhân và HLV Cẩm Ly.

Mới nhất là chuyện Hương Tràm “chia sẻ” về những chuyện thầm kín, đại ý như “tự tin làm chuyện ấy”, “thích làm “chuyện ấy” trên bãi biển hoặc trong một căn phòng có rèm trắng và có thể nhìn ra bãi biển”.

Tất nhiên có người chê trách, nhưng cũng có ý kiến phản bác rằng, Hương Tràm đâu còn là trẻ con, cô ấy đã 19- 20 tuổi và có thể làm, có thể nói về những điều mình muốn. Thậm chí yêu ai, yêu thế nào và cách nào thì là việc của Hương Tràm, đâu ảnh hưởng tới ai?

Ở góc độ xã hội, cũng không đơn giản như thế, Hương Tràm là một dạng Idol của lớp trẻ, cô có nhiều fan và có lợi thế trong việc tạo những xu thế của lớp trẻ. Nguy hiểm chính là ở chỗ, những việc Hương Tràm làm và nghĩ có thể không quá ảnh hưởng tới cô (tự do mà!), nhưng có thể tạo ra một nếp nghĩ, một xu thế không tốt cho lớp trẻ.

Trường hợp khác, Idol Yasuy - Idol năm 2012 “bỗng nhiên lại nổi tiếng” bởi một scandal mang tên “con rơi”. Yasuy từng được cho là hiện thân của sự hồn nhiên, trong sáng. Chàng ca sĩ từng tuyên bố dành giải thưởng để…nuôi lợn khiến fan tức giận không chỉ vì chuyện anh có “con rơi” mà chính là thái độ khinh miệt phụ nữ khi viết trên facebook cá nhân rằng: “Tôi chỉ là phàm trần nên không chịu được cảnh cô ta cởi đồ trước mặt tôi, cắn tôi thôi. Nói thật tôi không man rợ đến mức vào nhà cô ta hiếp dâm cô ta…Tôi mà không có tiền, không có nickname Idol thì cô ta cũng không bám víu vào tôi đâu…”.

Cũng lại là câu hỏi giống như trường hợp Hương Tràm: Chuyện riêng của Yasuy, ảnh hưởng đến ai? Ở đây, dễ hiểu và dễ thấy nhất là chuyện về lòng tin. Khi ấn nút “ok” để soạn tin nhắn bầu chọn để chàng trai này chiến thắng, thì đó là là lòng tin. Giờ đây thì phần đông (đặc biệt là giới nữ) sẽ thấy tiếc những tin nhắn ấy, không phải là giá trị đồng tiền hao hụt trong tài khoản, mà là giá trị lòng tin hao hụt “lầm lỡ chọn…Idol”.

Không được vội

Khán giả thích thú với những show truyền hình thực tế, thậm chí họ cũng dần thích nghi với chiêu trò của những gameshow này bởi tính giải trí, trò chơi (game) của nó.

Thế nhưng, sau mỗi mùa gameshow thì chuyện lại khác. Thế giới showbiz hào nhoáng, nhưng đầy cạm bẫy. Trong khi những người thắng cuộc ở gameshow, có khi chỉ là một chàng nông dân (như Yasuy), một cô bé nhà nghèo (như Phương Mỹ Chi) bỗng nhiên “một bước lên thiên đường”. Họ chưa đủ bản lĩnh, phông văn hóa để trở thành một thần tượng.

Về cơ bản, những gì mà khán giả yêu cầu phía sau thành công của mỗi chương trình truyền hình thực tế, là họ được hưởng thụ những sản phẩm âm nhạc đích thực và có giá trị, chứ không phải tiếp thu những lối sống, cách hành xử đôi lúc chưa chuẩn của những người từ truyền hình thực tế bước sang showbiz.

Với những Hương Tràm, Yasuy hay nhiều hiện tượng khác, thì chỉ có chính họ mới điều chỉnh hình ảnh của mình để không bị gắn mác “gái hư” hay “từ Idol đến tội đồ”.

Thiện Nhân - quán quân “Giọng hát việt nhí 2014”.

Nhưng với những ca sĩ nhí lại là chuyện khác. Có một hy vọng, đó là những ca sĩ nhí dự những gameshow hiện nay đều xuất thân từ một “lò luyện” thanh nhạc nào đó mà ở đó, các em không chỉ được dạy thanh nhạc, vũ điệu, mà còn được chính những thầy của mình truyền đạt cho kinh nghiệm, ứng xử trong mới quan hệ giữa người nổi tiếng và công chúng.

Khi “Giọng hát Việt nhí 2014” kết thúc, khán giả rất nhớ lời chia sẻ quá đỗi thật thà của cô bé Thiện Nhân về khoản thưởng 300 triệu đồng: “Số tiền này quá lớn đối với con, nên con cũng chưa biết làm gì nữa”. Còn HLV của Thiện Nhân - ca sĩ Cẩm Ly - cũng đã đưa ra quan điểm được nhiều người đồng tình về việc định hướng con đường ca hát của Thiện Nhân trong tương lai: “Tuổi các cháu còn nhỏ thì nên tập trung việc học văn hóa trước đã, còn ca hát thì chỉ nên xem như một sự yêu thích và cứ nuôi dưỡng theo thời gian. Khi lớn lên, học văn hóa xong rồi, các bé vẫn có thể tiếp tục đi hát và phát triển sự nghiệp của mình”.

Đó là suy nghĩ đúng, để tránh những cảm bẫy, bởi việc đốt cháy giai đoạn chỉ khiến những những thí sinh rơi vào trạng thái “quá nhanh - quá nguy hiểm” không kiểm soát được bản thân…

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/tu-truyen-hinh-thuc-te-toi-showbiz-cang-nhanh-cang-nguy-hiem-253426.bld