Tư tưởng Các Mác soi sáng sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta

QĐND - Ngày 5-5-1818, ở thành phố Tơ-ri-ơ (Đức) trong gia đình luật sư Hen-rích Mác (Heinrich Marx), Các Mác đã được sinh ra, để rồi 30 năm sau-năm 1848-một học thuyết khoa học giải phóng con người, giải phóng xã hội hoàn toàn mới, chính thức được ra đời và C.Mác trở thành lãnh tụ vĩ đại và thiên tài của giai cấp công nhân thế giới. C.Mác đã phát hiện và sáng tạo, đã luận chứng và làm sáng tỏ đầy sức thuyết phục những vấn đề cơ bản, nền tảng của học thuyết đó: Chủ nghĩa duy vật lịch sử-“thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học"(1); học thuyết giá trị thặng dư, “hòn đá tảng”-“chiếu một ánh sáng rực rỡ vào lĩnh vực kinh tế”(2); và trên cơ sở đó, xác lập sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân- phạm trù trung tâm của chủ nghĩa xã hội khoa học. Điều đó đã làm cho lý luận mang tên Mác trở nên hoàn bị với ba bộ phận hợp thành: Triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó là công lao to lớn, là cống hiến vĩ đại của C.Mác.

Cùng với Ph.Ăng-ghen, C.Mác là người đã đặt nền móng cho học thuyết của giai cấp vô sản về chiến tranh và quân đội. Một cống hiến quan trọng về khoa học của C.Mác là đã luận giải thực sự khoa học những vấn đề về bản chất của chiến tranh và quân đội trên cơ sở những quy luật phát triển xã hội. C.Mác đã phê phán kịch liệt lý luận của các nhà tư tưởng của giai cấp bóc lột về chiến tranh, quân đội, coi chiến tranh là quy luật tự nhiên, vĩnh cửu, là bản năng cố hữu của con người; cho rằng, mục đích thực sự của những 1ý luận ấy là bào chữa cho chiến tranh xâm lược và cướp bóc của giai cấp bóc lột.

Các Mác (ảnh tư liệu)

Theo C.Mác, chiến tranh là một hiện tượng xã hội lịch sử, xuất hiện cùng với sự ra đời của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, sự phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng. Bản chất giai cấp của chiến tranh, quân đội xuất phát từ điều kiện cụ thể của đời sống xã hội, từ cơ cấu kinh tế và chính trị của xã hội. Sau khi các giai cấp đã bị thủ tiêu, chế độ bóc lột không còn nữa thì cũng không còn chiến tranh và quân đội.

C.Mác đã sớm thấy rõ mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển của vũ khí trang bị với tổ chức quân đội, vũ khí trang bị có sự thay đổi thì tổ chức, biên chế, quan hệ và hoạt động của quân đội cũng có sự thay đổi theo cho phù hợp. Tổng kết Công xã Pa-ri năm 1871, C.Mác chỉ rõ, sau khi giành được chính quyền, giai cấp vô sản không thể mải mê xây dựng xã hội mới mà “quên mất” kẻ thù đang rình mò ở cửa ngõ, trái lại nhất thiết phải sử dụng bạo lực để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của mình.

Những tư tưởng cơ bản của C.Mác, Ph.Ăng-ghen về bạo lực, về chiến tranh và quân đội, về giai cấp công nhân phải “bảo vệ thành quả cách mạng” đã trở thành những luận điểm kinh điển mà sau này V.I.Lê-nin đã phát triển sáng tạo trong điều kiện lịch sử mới, hình thành, hoàn chỉnh học thuyết Mác - Lê-nin về chiến tranh và quân đội, học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và lịch sử phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới đã chứng minh tính khoa học và cách mạng của những luận điểm kinh điển của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về chiến tranh và quân đội; về tính tất yếu giai cấp công nhân phải bảo vệ thành quả cách mạng; tính khoa học và cách mạng của học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Điều đó nhắc nhở những người cộng sản, các nước xã hội chủ nghĩa phải luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận thức sâu sắc bài học bảo vệ thành quả cách mạng, có ý thức và biết chăm lo củng cố quốc phòng, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, để có đủ sức đương đầu với mọi thử thách của tình hình.

Trong tình hình mới, tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăng-ghen về bạo lực, về chiến tranh và quân đội, về bảo vệ thành quả cách mạng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vẫn giữ nguyên giá trị và nóng hổi tính thời sự, nhất là đối với chúng ta hiện nay. Nó tạo cơ sở cho chúng ta hiểu rõ hơn, nhận thức sâu sắc hơn Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Đồng thời, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trước những diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó lường của tình hình, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch.

Hơn lúc nào hết, những người đảng viên cộng sản, nhất là đảng viên cấp cao phải thực sự “hơn bộ phận còn lại"-như C.Mác đã dạy trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản-cả về lý luận và thực tiễn, cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phải thực sự gương mẫu trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, trên mọi lĩnh vực hoạt động. Có như thế, mới có thể thúc đẩy được sự nghiệp cách mạng tiến lên, thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội.

PGS, TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự-Bộ Quốc phòng

(1) V.I.Lê-nin Toàn tập, tập 23, Nxb Tiến Bộ, M.1980, tr. 53.

(2) Ph.Ăng-ghen, Chống Đuy-rinh, Nxb ST, H. 1984, tr. 44.

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/chinh-tri/tu-tuong-cac-mac-soi-sang-su-nghiep-bao-ve-to-quoc-cua-nhan-dan-ta/300007.html