Tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới

Ngày 9/5, tại thành phố Cần Thơ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Học viện Chính trị khu vực 4 (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm 'Thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới'.

Rất đông đại biểu là nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà báo tham dự tọa đàm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một nhà báo xuất sắc trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người là sự đúc kết chắc chắn giữa lý luận và thực tiễn, gắn bó mật thiết với những yêu cầu của cách mạng Việt Nam.

Trong đó, tư tưởng của Người về báo chí cách mạng là một nội dung rất quan trọng và đặc sắc, thể hiện tầm nhìn lớn lao và những quan điểm, triết lý sâu sắc về bản chất, đặc trưng, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng. Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng vẫn luôn là điểm tựa vững chắc nhất cho nền báo chí-truyền thông nước nhà.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong suốt quá trình cách mạng, báo chí-truyền thông Việt Nam không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Nhiều thế hệ nhà báo, phóng viên là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Đề cao trách nhiệm của mỗi đảng viên, mỗi người làm báo, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 800 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo (68 báo trung ương, 74 báo địa phương, 112 báo có phiên bản điện tử); 612 tạp chí (520 tạp chí trung ương, 92 tạp chí địa phương, 98 tạp chí có phiên bản điện tử); 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 tạp chí điện tử). Báo chí cách mạng Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, toàn diện cả về số lượng và chất lượng, luôn bám sát vào thực tiễn phát triển đất nước.

Thực tiễn chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí được coi là yếu tố quyết định để bảo đảm sự phát triển của báo chí, để nền báo chí cách mạng nước ta luôn thực hiện đúng tôn chỉ và mục đích. Coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí, chăm lo bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng cho người làm báo. Đề cao trách nhiệm đảng viên của mỗi người làm báo, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, bối cảnh mới của tình hình thế giới và khu vực đang đặt ra nhiều thách thức mới cho nền báo chí-truyền thông của Việt Nam hiện nay. Các thách thức từ những vấn đề nội tại của nền báo chí-truyền thông trong nước cũng như mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, của không gian mạng, âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong cuộc chiến thông tin…

Đây là những vấn đề rất khó, phức tạp và đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá thực trạng vận dụng và phát triển sáng tạo trong công cuộc đổi mới hiện nay một cách khách quan, toàn diện, hệ thống.

Tọa đàm đã thu hút 24 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà báo thảo luận về những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, từ đó làm rõ những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-trong-phat-trien-bao-chi-truyen-thong-viet-nam-thoi-ky-doi-moi-post808525.html