Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền và việc sửa Hiến pháp

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền được thể hiện sinh động trong “Hiến pháp 1946”. Với Hiến pháp 1946 mà Người trực tiếp làm Trưởng ban Soạn thảo đã cụ thể hóa khát vọng của dân tộc ta. Khát vọng ấy được Hồ Chí Minh nêu lên trong Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1946. Trong đó, Hồ Chí Minh khẳng định: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đất nước độc lập, người dân được hưởng hạnh phúc và tự do Ảnh: TRẦN VIÊT Đó là khát vọng cháy bỏng ngàn đời của con người, của loài người. Và đó cũng là khát vọng cháy bỏng của Hồ Chí Minh. Vì khát vọng đó, Hồ Chí Minh đã cống hiến toàn bộ cuộc đời cho tự do của con người, trước hết là người Việt Nam trên đất nước thân yêu của mình. Bởi vì, với Hồ Chí Minh, “trên đời ngàn vạn điều cay đắng, cay đắng chi bằng mất tự do” [Nhật ký trong tù] . Và để có tự do, thì trước hết phải giành lại độc lập cho Tổ quốc, giành lại quyền dân chủ cho nhân dân. Độc lập là điều kiện để giành Tự do. Và Dân chủ là tiền đề của Tự do. Phải từ cái logic ấy mới hiểu được, vì sao Hồ Chí Minh mở đầu cho Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 bằng những “lời bất hủ” [từ dùng của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, và tiếp đó là Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp. Rõ ràng là, “những quyền không ai có thể xâm phạm được” của con người mới là mục đích tối hậu mà Hồ Chí Minh hướng tới. Với Hồ Chí Minh, giành độc lập cho đất nước là điều kiện tiên quyết để tiến tới thực hiện những mục tiêu của cách mạng, mà tiên quyết là phải giành cho được độc lập. Tuy nhiên, độc lập chưa phải là cái đích cuối cùng, độc lập mới chỉ là điều kiện tuyệt đối cần thiết để thực hiện những mục tiêu cao cả của cách mạng là giải phóng con người, là đem lại tự do cho con người Việt Nam hướng theo lý tưởng vĩ đại mà Mác và Angghen đã nêu lên : “Tự do cho mỗi người là điều kiện của tự do cho tất cả mọi người”. Để đến được cái đích ấy thì việc phải thực hiện “những quyền không ai có thể xâm phạm được” mà Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp nêu lên là nội dung cụ thể phải được thể hiện trong Hiến pháp, bộ Luật tối cao của đất nước. Những vấn đề của “nhân quyền” và “dân quyền” là vấn đề chung của con người, của loài người, và “nhân quyền” cũng như “dân quyền” của Việt Nam cũng không nằm ngoài vấn đề chung đó. Cho nên, ngay khi giành được độc lập, Hồ Chí Minh nghiêm khắc chỉ ra: “Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”1. Giành độc lập đã khó, nhưng đem lại được dân chủ đích thực, tự do thật sự, hạnh phúc cụ thể cho mỗi người dân là chuyện khó hơn rất nhiều. Cho nên, việc hiểu biết những nguyên lý cơ bản của Nhà nước pháp quyền có liên quan đến việc xây dựng Nhà nước đích thực của dân, do dân và vì dân. Trên tinh thần cơ bản, Hiến pháp 1946 đã tuân theo tinh thần đó. Trong nội dung dân chủ của một thể chế cộng hòa, thì để độc lập có một ý nghĩa thiết thực trực tiếp với cuộc sống hàng ngày của người dân, quyền làm chủ của họ phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Vì thế, ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định : “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”! Kể từ đó, 65 năm đã trôi qua, ngoài những vấn đề đã được giải quyết, Hiến pháp vẫn còn không ít vấn đề đang được đặt ra. Nhìn lại tiến trình phát triển lịch sử của loài người, “Nhà nước chỉ là một dấu ngoặc đơn của lịch sử” như tên gọi của một cuốn sách. Xã hội loài người đã trải qua hàng triệu năm, song Nhà nước thì mới xuất hiện chỉ có 6.000 năm. Và như tiên đoán của C. Mác, với tiến trình lịch sử, Nhà nước rồi sẽ tiêu vong, còn xã hội loài người sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển! Học thuyết về “Nhà nước pháp quyền” ra đời từ thế kỷ XVIII, với một quá trình thăng trầm, thậm chí đã có lúc bị quên lãng trong một thời gian dài. Nền tảng được xác lập để phân biệt thật rạch ròi “Nhà nước pháp quyền” với tất cả các kiểu loại Nhà nước trước đó trong lịch sử loài người chỉ ở một điểm: với Nhà nước pháp quyền, quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước đều thuộc về dân. Đây là xuất phát điểm để xác lập sự khác biệt căn bản giữa Nhà nước pháp quyền với các kiểu loại Nhà nước không pháp quyền. Với Nhà nước không pháp quyền, mệnh lệnh được ban ra trực tiếp từ chủ thể nắm giữ quyền lực, đều là những mệnh lệnh tuyệt đối, một chiều từ trên xuống, không có sự phản hồi, càng không thể có sự phản biện xã hội dưới bất cứ hình thức nào. Sự chuyển giao quyền lực giữa các chủ thể quyền lực là cơ chế nối truyền (gia đình, dòng tộc...). Dân đứng ngoài tiến trình này. Hoàn toàn ngược lại với những điều ấy, với Nhà nước pháp quyền, quyền lực là của nhân dân và chỉ ở nhân dân mà thôi. Gần đây, cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An nhận xét : “Chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi mà vẫn chưa đạt yêu cầu. Nếu tính từ năm 1946 đến 1992 là 46 năm, ta đã sửa đổi lớn 3 lần vào các năm 1959, 1980 và 1992. Đó là chưa kể nhiều lần chúng ta sửa đổi nhỏ khác... Sửa đổi như vậy là nhiều lần rồi, song dân chưa được phúc quyết lần nào... 2. Điều 70 của Hiến pháp 1946 quy định: “Sửa đổi Hiến pháp phải “do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu” và “Nghị viện bầu ra một Ban dự thảo những điều thay đổi” và đặc biệt, “những điều đã được thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”. Phải chăng trong những lần sửa đổi ấy vẫn chưa thể hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh về Hiến pháp nói riêng và về Nhà nước pháp quyền nói chung? Liệu có phải vì thế mà Quốc hội quyết định phải sửa đổi Hiến pháp và đã đưa ra hai phương án thực hiện. Chắc sẽ có nhiều vấn đề đặt ra. Hiện nay, trong thực thi Hiến pháp vẫn còn nhiều lúng túng, mà lúng túng vì nhận thức lý luận chưa thật tường minh. Về phía dân, người chịu sự quản lý của Nhà nước, thì cùng với ý thức về kỷ cương phép nước chưa trở thành một nhu cầu tự thân, là tâm lý đợi chờ từ Nhà nước, mà chưa phải là sự tích cực công dân trong một xã hội mới mà dân là người làm chủ. Rõ ràng là không phải dễ để nhận thức được “pháp quyền” chính là quyền và lợi của con người, ở đây là người công dân, được thể chế hóa và bảo đảm thực hiện bằng Nhà nước. Nhà nước pháp quyền là một bộ máy quyền lực được nhân dân bầu chọn mà quyền lực có được là quyền lực ủy thác chứ không phải là quyền lực của một Nhà nước truyền nối! Bởi vậy, Nhà nước pháp quyền cần đến một hệ thống pháp lý đặc trưng, đương nhiên cũng cần đến những con người đặc trưng, cả ở nhân sự công quyền lẫn con người công dân. Có như vậy thì mới khắc phục được tận gốc những khiếm khuyết vốn đã cắm rễ rất sâu trong kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội và trong bộ máy công quyền. Biểu hiện dễ thấy nhất là trong không ít người nắm quyền lực không thực hiện được điều mà Bác Hồ căn dặn “cán bộ là công bộc của dân”. Người ta đóng khung treo lên ở những nơi trang trọng của cơ quan hành chính lời dạy này nhưng chưa phải là đã hết cảnh “hành dân là chính”. Liệu có phải điều này có gốc gác từ tư duy lý luận của một thời coi nhẹ chức năng phục vụ? Cũng như vậy là cách hiểu Nhà nước hiển nhiên sở hữu toàn bộ quyền lực, mà không thấy đó là quyền lực được ủy nhiệm! Từ đó nảy sinh quan hệ xin - cho trong hành xử công quyền, mà lẽ ra đó phải là sự đương nhiên thực thi các nghĩa vụ quyền lực đối với những người đã ủy nhiệm cho mình. Nghị quyết của Đảng đã từng chỉ ra hết sức đúng đắn là “Đảng lãnh đạo chứ không làm thay Nhà nước” nhưng trong thực tế vẫn còn tình trạng không làm đúng điều đó. Đồng thời sự phân công các thành phần quyền lực nhà nước dù đã có nhưng việc thực thi sự phân công ấy lại chưa thực chất và hiệu quả. Khả năng, hoạt động của từng thành phần quyền lực vẫn chưa đúng và đủ tầm mức với vai trò, chức năng của nó trong Nhà nước pháp quyền. Một biểu hiện nữa là trong quan hệ tư pháp, các định chế tư pháp quyền lực giữ vị thế mặc nhận cao hơn các định chế tư pháp không quyền lực và các đối tượng tư pháp, trong khi các định chế tư pháp vẫn chưa đủ trưởng thành để thật sự tồn tại bình đẳng với nhau. Đến lượt nó, điều này lại làm cho các định chế ấy càng chậm trưởng thành. Khi chưa có được cơ chế tổ chức thật sự khoa học, các căn bệnh xuất phát từ quyền lực dễ có chiều hướng phát triển, tạo nguy cơ định hình một tầng lớp mới tự phát gắn liền với quyền lực chính trị và quyền lợi kinh tế, trái ngược với những chuẩn mực pháp quyền. Gần đây ở nước ngoài, người ta đã vạch ra 7 khuyết tật của Nhà nước, trong đó đứng đầu là xu hướng tự bành trướng của Nhà nước. Trong dịp kỷ niệm 65 năm Quốc khánh 2.9 năm nay, gợi lại những ý tưởng lớn ấy là một dịp để thấm nhuần và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về Hiến pháp trên nền tảng của tư tưởng về Nhà nước pháp quyền đích thực và cũng là những vấn đề liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp. GS Tương Lai 1. Hồ Chí Minh Toàn Tập. Tập 4. NXBCTQG. Hà Nội 1995, tr.56 2. Vietnamnet ngày 24-6-2010 Cựu Chủ tịch Quốc hội bàn việc sửa Hiến pháp

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=16815&menu=1427&style=1