Tư vấn hút vốn hấp dẫn Ngân hàng ngoại

Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng cho các định chế tài chính quốc tế tư vấn cho các DN huy động vốn trong vài năm trở lại đây.

Các NH đầu tư quốc tế như: Deutsche Bank, Goldman Sachs, Morgan Stanley… thường là những trung gian chuyên nghiệp trong việc thực hiện các dịch vụ liên quan đến phát hành chứng khoán, mua bán sáp nhập hoặc tăng vốn cho cả phía DN và các nhà đầu tư.

Đưa DN lên sàn

Cách đây không lâu (tháng 3/2017), trong đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ của CTCP Hàng không Vietjet, DN này đã cùng một lúc thuê 3 NH đầu tư là NH Deutsche Bank (Đức), NH JP Morgan (Mỹ) và NH BNP Paribas (Pháp) và CTCK Bản Việt cùng tham gia tư vấn để phát hành cổ phiếu. Kết quả của hợp tác này đã giúp Vietjet Air huy động thành công 1.900 tỷ đồng từ thị trường chứng khoán. Cổ phiếu Vietjet “cháy hàng” ngay sau khi mở bán trong quý I/2017.

Không chỉ Vietjet Air tìm đến các NH đầu tư nước ngoài để tư vấn phát hành cổ phiếu, thời gian vừa qua hàng loạt các DN lớn trong nước khác cũng đã nhận thấy việc hợp tác với các định chế tài chính trung gian là các NH đầu tư quốc tế làm cho khả năng thu hút cổ đông khối ngoại trở nên cạnh tranh hơn.

Hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam đã nhờ tư vấn ngoại phát hành thành công cổ phiếu

Chẳng hạn, vào tháng 4/2017 vừa qua, với kỳ vọng tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài nhằm chuyển nhượng 45% cổ phiếu trong đợt IPO vào quý IV/2017, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) đã cùng lúc hợp tác với các NH lớn như: BNP Paribas, Standard Chartered Bank, Quỹ Vinacapital… để các đơn vị này tư vấn chọn đối tác. Chưa chắc ăn, PV Power còn phối hợp với JP Morgan tổ chức hội nghị giới thiệu về cổ phần hóa PV Power với hàng chục nhà đầu tư và các quỹ tài chính nước ngoài để thúc đẩy cơ hội hút vốn.

Trong khi đó, ở cấp độ Chính phủ, NH BPN Paribas của Pháp mới đây thậm chí còn tiến thêm một bước xa hơn, chính thức đặt vấn đề hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong hoạt động hỗ trợ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các DNNN. Tại cuộc gặp với đại diện lãnh đạo Chính phủ vào giữa tháng 4/2016, NH này, đã tham vấn hàng loạt các giải pháp cho phía Việt Nam trong việc định giá DNNN, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và phân loại cổ phiếu. Những tham vấn của BPN Paribas được Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao, mở ra cơ hội hợp tác lớn cho định chế tài chính này trong việc tham gia tư vấn cổ phần hóa đối với các DN đầu ngành như: PV Oil, PV Power, Vietnam Airline, Vinamilk… trong những tháng tới.

Ở góc độ kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Chính phủ sẽ chỉ đạo cổ phần hóa ít nhất 137 DNNN. Trong đó có những cái tên lớn như: PV Oil, PV Power, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) hoặc Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn (SJC). Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đã “đánh tiếng” sẽ thoái vốn thêm tại Tập đoàn FPT, Bảo hiểm Bảo Minh và Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Trong khi đó, vào giữa tháng 7 vừa qua, Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính công khai danh sách 730 DN cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký trên UPCoM và yêu cầu các bộ, ngành có liên quan khẩn trương thực hiện việc này. Ngoài ra, trong 6 tháng cuối năm 2017, các DN chây ì lên sàn sẽ bị xử phạt nặng theo quy định tại Thông tư 36/2017 của Bộ Tài chính (hiệu lực từ ngày 15/6/2017).

Do vậy, có thể nhận thấy rằng, với những sức ép buộc phải cổ phần hóa, niêm yết và thoái vốn Nhà nước theo tiến độ, trong những tháng tới hoạt động “bắt tay” giữa các DN lớn trong nước với các NH đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ trở nên phổ biến. Điều này cũng đồng nghĩa rằng thị trường dịch vụ trung gian tư vấn hút vốn sẽ trở thành một trong những thị trường màu mỡ mà các định chế tài chính - đầu tư nước ngoài gia tăng lợi nhuận.

Đầu tư tài chính

Không chỉ khối DN, trong lĩnh vực tài chính NH, nhiều TCTD cũng đã từng thuê các đối tác nước ngoài tham gia tư vấn tài chính hoặc kêu gọi mua cổ phần. Theo đó, các NH Nhật trong những năm qua đã tham gia vào các NHTM như Vietcombank, VietinBank, Eximbank, HDBank… Có thể khẳng định rằng những nhà đầu tư Nhật đã gặt hái được rất nhiều hiệu quả trong việc bỏ vốn đầu tư vào các NH này, ngoại trừ Eximbank hiện đang có những khó khăn nhất định. Theo một chuyên gia tài chính, các NH ngoại mua cổ phần của các NH trong nước giúp các NHTM có thêm sức mạnh về thay đổi quản trị NH và mô hình bán lẻ tốt hơn, thì họ còn có một môi trường tốt để cung ứng các công nghệ hiện đại vào các NH Việt Nam.

Theo một nguồn tin của phóng viên TBNH, nhiều NH ngoại hiện đang có ý định mua 3 “NH không đồng”, nhưng yêu cầu của phía NH ngoại lại đặt ra sở hữu 100% cổ phần nếu khi mua các NH này, điều này có thể không thành hiện thực. Bởi Luật DN giới hạn tỷ lệ sở hữu một nhóm nhà đầu tư ngoại vào một công ty đại chúng không quá 35% vốn cổ phần. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành nhà đầu tư tổ chức hiện tham gia phần vốn cổ phần vào các TCTD không được quá 15%, nhà đầu tư cá nhân không được quá 5%.

Đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và những người liên quan tham gia vào một TCTD không quá 20% nhưng phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nhưng tổng cộng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào một TCTD bao gồm cá nhân và tổ chức không được quá 30% vốn cổ phần. Mới đây NHNN cho biết, trong 10 NHTM thí điểm thực hiện áp dụng các tiêu chuẩn Basel II sẽ chính thức hoàn thành vào cuối năm 2018. Theo đó, các TCTD này cũng có sự tham gia tư vấn của các định chế tài chính quốc tế từ vẽ lại nhận diện thương hiệu, đến tham gia góp vốn, bán công nghệ NH hiện đại…

Phải khẳng định các định chế NH đầu tư quốc tế có kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn tài chính cho các DN đã được chứng minh qua thời gian. Tuy nhiên trong quá trình đó mỗi tổ chức kinh tế Việt Nam phải tự thân vận động để hai bên cùng thắng trong quá trình hội nhập với các tổ chức tài chính quốc tế. Theo đó, nâng cao năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, công nghệ để một ngày không xa có thể tự đứng vững trên chính thị trường.

Theo TBNH

Nguồn ANTT: http://antt.vn/tu-van-hut-von-hap-dan-ngan-hang-ngoai-203960.htm