Từ vỉa hè, cát bụi về trời...

Tác giả của Sống sót vỉa hè, Long xích lô, Cầu thang tối, Giã từ dĩ vãng… đã ra đi ở tuổi 63 làm xót lòng những người trong giới cũng như bạn đọc yêu văn chương của ông. Một đời người sóng gió, một đời văn lao đao cuối cùng đã rời cõi tạm

Sáng sớm 15-11, bạn bè làng văn đã truyền tin cho nhau biết nhà văn Võ Phi Hùng đang trong cơn hấp hối và rất khó qua khỏi vì bạo bệnh. Các y, bác sĩ đã nỗ lực duy trì sự sống của nhà văn để chờ thân nhân về nhìn mặt ông lần cuối. Nhưng rồi, hơi thở nhân tạo mong manh cuối cùng của đời người đã tắt.

Viết trong bệnh tật

Nhà văn Võ Phi Hùng mất đi, làng văn mất một cây bút luôn tìm về với những thăng trầm phận người, mãi mãi không còn một lão “văn sĩ bụi đường” với những tác phẩm đầy tràn vốn sống của những ngày dầu dãi nắng mưa trong kiếp đời lang bạt. Chỉ mới vài tháng đây thôi, ông còn ra mắt độc giả tác phẩm Chú nài giông tố - câu chuyện được đánh giá là “độc đáo, độc nhất vô nhị” về số phận của những nài ngựa tại TPHCM.

Nhà văn Võ Phi Hùng. Ảnh: C.T.V

Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM – người đã rất nhiều lần tiếp xúc với nhà văn Võ Phi Hùng, nhớ lại lần gặp gần đây nhất khi nhà văn đến NXB để giao bản thảo Chú nài giông tố, leo lên đến lầu 3 thì sắc mặt nhà văn đã bạc bệch, thở dốc. Bị căn bệnh lao phổi hành hạ nhưng nhà văn Võ Phi Hùng vẫn viết. Cả đời ông không biết gõ bàn phím máy vi tính, vẫn cặm cụi nắn nót những con chữ “đẹp như chữ con gái” cho những câu chuyện về thân phận ở những mảng khuất của cuộc sống.

“Có thể tác phẩm của nhà văn Võ Phi Hùng – ngay cả bộ truyện Sống sót vỉa hè chưa được đánh giá cao về giá trị văn chương nhưng luôn được trân trọng ở những chất liệu rất thật của đời sống. Chỉ có ông mới hiểu sâu và khắc họa được cuộc sống bụi đời chân thật và xúc động đến như vậy. Mỗi câu chuyện của ông đều mang hơi thở của cuộc sống, ông đã viết bằng tất cả nhiệt tâm và tình yêu thương dành cho cuộc đời” – nhà thơ Cao Xuân Sơn nhìn nhận.

Bạn bè trong giới vẫn quen với hình ảnh nhà văn ngồi bên những góc quán vỉa hè. Ông từng bảo rằng đó là cách ông quan sát cuộc sống. Không cần phải bàn ghế trang trọng trong không gian yên tĩnh, nhà văn Võ Phi Hùng có thể viết ở bất cứ đâu. Cũng hiếm khi nào thấy ông có mặt ở những nơi hào nhoáng, sang trọng. “Mà nếu có thì ông cũng rất khép nép, e dè. Chỉ khi nào trở về với sự đơn giản thường nhật của mình, ông mới trở lại là chính ông, tự nhiên, mộc mạc và hồn hậu” – nhà thơ Cao Xuân Sơn nói.

Khi về già, ông đã có một chốn đi về ấm áp, ổn định hơn nhưng thi thoảng người làng văn vẫn nghe ông chép miệng: “Nhớ cái vỉa hè!”. Nơi chốn ấy, dẫu cơ hàn khốn khó nhưng đã cho nhà văn một kho tư liệu sống khổng lồ để tạo nên những tác phẩm để đời. Không chỉ bộ truyện có sức sống mãnh liệt đã khắc tên ông trên văn đàn Sống sót vỉa hè, Đời có tên tụi mình, nhà văn Võ Phi Hùng còn có những kịch bản phim một thời ghi dấu ấn: Long xích lô, Cầu thang tối, Giã từ dĩ vãng…

Hạt bụi thiên di

Nhắc đến tác giả của bộ sách Sống sót vỉa hè, những ai quen biết với nhà văn đều thấy chùng lòng. Cả một kiếp đời của ông sao mà cơ khổ đến vậy. Sống lăn lóc, bơ vơ cạn cả một kiếp người, rồi ra đi… Cho đến bây giờ, trong những câu chuyện bạn bè văn nghệ nhắc về nhà văn, vẫn còn xao xác nỗi xót xa nguồn cội đã theo ông đằng đẵng cả cuộc đời.

Nhà văn Võ Phi Hùng từng chia sẻ rằng chính quãng đời lang bạt, tủi nhục đã khiến ông luôn viết về số phận của người nghèo. Người trong giới trìu mến gọi ông là “nhà văn bước ra từ vỉa hè, đường phố”. Tác phẩm của ông bao giờ cũng có hình ảnh của những phận người cùng khổ, sống tận đáy xã hội nhưng chứa đựng nhiều giá trị đẹp.

Từ một đứa trẻ bị bỏ rơi, phải lăn lộn hè phố mưu sinh bằng việc giữ xe, bán báo, hát rong, rửa bát… chịu đủ mọi đắng cay của chốn vỉa hè, nhà văn Võ Phi Hùng đã góp nhặt hết tất cả những năm tháng vất vả nhọc nhằn vắt kiệt sức mình vào chữ. Những nhân vật Ớn, Tím, Lợt, Đẹt Ma Bùn, Tí Héo… trong bộ truyện Sống sót vỉa hè như mang dáng dấp của chính cuộc sống nhà văn – chú nhóc còm nhom từ phố núi Buôn Ma Thuột xuống Sài Gòn kiếm sống và hứng chịu đủ mọi đòn thù cay nghiệt của đời.

“Tôi vẫn luôn nhớ Võ Phi Hùng với sự mộc mạc, giản dị, luôn gần gũi với mọi người và rất tận tâm đối với công việc. Lâu lắm rồi bặt tin anh, nay nghe tin anh qua đời, tôi bàng hoàng quá. Một cuộc đời khổ ải cho đến lúc ra đi…” – đạo diễn Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Hãng phim TFS, ngậm ngùi nhớ những năm tháng nhà văn Võ Phi Hùng cùng lăn lộn với anh em ở phim trường.

Nhà văn Võ Phi Hùng thiên di qua cuộc đời và để lại cho văn học một kho tàng đáng trân trọng từ cuộc sống của chính ông. Bây giờ, hè phố đã không còn bóng dáng của nhà văn cả đời sống giản đơn chỉ thích nhìn ngắm, quan sát cuộc sống để đưa vào câu chữ…

Nhà văn Võ Phi Hùng sinh năm 1948 tại Buôn Ma Thuột. Ông bắt đầu thành danh với sự nghiệp viết văn từ những năm cuối thập niên 1980. Tạo dấu ấn từ tác phẩm đầu tay Dưới cầu thang in trên Tạp chí Văn vào năm 1972, ông tiếp tục cho ra mắt các tập truyện: Kẻ lang bạt trở về, Đời có tên tụi mình, Bất trắc, Đóng đinh vào khoảng không, Trong cơn lốc… Sau khi nghỉ hưu tại Tuần báo Văn Nghệ TPHCM, ông lui về “ở ẩn” và hoàn thành bộ truyện Sống sót vỉa hè. Ngoài sáng tác văn chương, nhà văn Võ Phi Hùng còn viết kịch bản phim với những bộ phim nổi tiếng và đã được vinh danh như Long xích lô, Cầu thang tối, Chim phóng sinh, Giã từ dĩ vãng…

Năm 2009, ông chuyển sang viết truyện tranh dành cho thiếu nhi Chàng cóc siêu phàm. Tác phẩm Chú nài giông tố (NXB Kim Đồng ấn hành năm 2011) cũng là tác phẩm sau cùng của nhà văn Võ Phi Hùng.

Sau thời gian chống chọi với bệnh lao phổi, nhà văn Võ Phi Hùng đã ra đi vào lúc 16 giờ ngày 16-11-2011, tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - TPHCM.

Linh cữu nhà văn Võ Phi Hùng được quàn tại Nhà tang lễ TP (25 Lê Quý Đôn, quận 3 - TPHCM). Lễ viếng bắt đầu từ 8 giờ ngày 17-11.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20111116105711193p0c1020/tu-via-he-cat-bui-ve-troi.htm