Tử vong do rượu: Hồi chuông cảnh tỉnh

Thời gian vừa qua, tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các trường hợp ngộ độc rượu bia, có cả rượu thực phẩm ethanol và rượu cồn công nghiệp methanol.

Thời gian vừa qua, tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các trường hợp ngộ độc rượu bia, có cả rượu thực phẩm ethanol và rượu cồn công nghiệp methanol. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, hôn mê sâu, người tím tái. Gần đây nhất, ngày 15/2, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã công bố kết quả kiểm nghiệm 3 mẫu rượu lấy tại vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu khiến 8 người tử vong và nhiều người nhập viện do ngộ độc rượu có chỉ số Methanol đã vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Vụ ngộ độc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo việc người dân sử dụng rượu tràn lan, nhất là rượu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hiện nay...

Ngộ độc methanol - ngày một gia tăng

ThS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Maicho biết, từ lâu rượu, bia được coi là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi... đặc biệt là lễ tết, hội hè. Và trong những ngày này, lượng tiêu thụ bia, rượu tăng lên đột biến. Tuy nhiên, tình trạng người nhập viện do say bia, rượu, thậm chí còn bị ngộ độc rượu cũng cao hơn. Nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (mật, phủ tạng…).

BS. Nguyên cho biết thêm, riêng trong đợt nghỉ tết Nguyên đán vừa rồi, Trung tâm Chống độc tiếp nhập 12 ca ngộ độc rượu, trong đó có 3 ca rất nặng (1 ca ở Vĩnh Phúc, 1 ca ở Hưng Yên, 1 ca ở Hà Nội).Trong số 3 ca ngộ độc nặng trên, có 2 ca người nhà xin về tử vong. Đáng chú ý, nhiều ca ngộ độc rượu nặng năm nay có liên quan đến rượu chứa methanol.

Một ca ngộ độc rượu điều trị ở khoa Hồi sức tích cực - BV. Bạch Mai

Những hệ quả khôn lường

Theo ThS.BS. Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, phần lớn các trường hợp tử vong do ngộ độc methanol là do tự tử hoặc sử dụng methanol làm đồ uống thay thế cho ethanol... Ở người lớn, ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc methanol với liều 0,25ml/kg đã gây mù mắt và 0,5ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%). Trước khi gây độc, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó được oxy hóa thành axít formic (formate). Nồng độ axít formic trong máu cao ức chế cytochrome oxidase của ty lạp thể trong tế bào gây thiếu oxy tế bào, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt. Ngoài ra, methanol gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp và giảm cung lượng tim.

BS. Nguyên cho hay, ngộ độc rượu có thể xảy ra đối với hai loại rượu chủ yếu là rượu thực phẩm ethanol và rượu cồn công nghiệp methanol. Tuy số ca ngộ độc do sử dụng rượu thực phẩm ethanol phổ biến hơn nhưng ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol nguy hiểm hơn, để lại nhiều di chứng và có tỉ lệ tử vong cao.

Rượu cồn công nghiệp nguy hiểm bởi khởi đầu loại này có tác dụng tương tự như rượu thông thường (sản xuất từ cồn thực phẩm ethanol) nhưng vào cơ thể, cồn này được chuyển hóa trở thành các axít gây tổn thương các tế bào đặc biệt là ở mắt, não hây hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác ở mắt nên gây mù vĩnh viễn.

Khi có biểu hiện ngộ độc: mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê) thì đã nặng. Do đó, với các bệnh nhân ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol nếu không tử vong cũng hiếm có cơ hội hồi phục hoàn toàn mà sẽ chịu di chứng rất nặng nề: mù, mất trí nhớ. Rượu cồn công nghiệp dễ gây tử vong do gây sốc tụt huyết áp, tổn thương não…

“Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống, bệnh nhân có uống cùng ethanol hay không (xuất hiện triệu chứng chậm hơn) và tình trạng folate của bệnh nhân. Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Không chỉ ngộ độc rượu do cồn công nghiệp, nhiều trường hợp cũng phải nhập viện do lạm dụng rượu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tụt đường huyết, hôn mê, nôn nhiều, kích thích la hét, vật vã. Nhiều người uống rượu nhưng không ăn gây hạ đường huyết, nếu hạ đường huyết nặng có thể gây tổn thương não do thiếu năng lượng được nuôi dưỡng”, BS. Nguyên cảnh báo.

Cách xử lý khi bị ngộ độc rượu

Khi bị ngộ độc rượu, cần có hướng xử trí thích hợp nhằm giảm bớt nguy cơ hôn mê dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng. BS. Nguyên khuyến cáo, khi phát hiện bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp, bằng cách cho bệnh nhân nằm cao đầu và nằm nghiêng sang một bên. Lúc này cần để người bị say nằm nghiêng sang bên phải. Vì cho bệnh nhân có tác dụng dẫn lưu đờm dãi ra ngoài, hạn chế nguy cơ hít vào phổi, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân bị nôn. Tư thế này cũng giúp dạ dày uốn cong, thức ăn trong dạ dày không bị kích thích, nôn ra ngoài. Trong khi để bệnh nhân nằm nghiêng, cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, tránh bị hôn mê mà không biết”- BS. Nguyên hướng dẫn.

Đối với trường hợp bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng hoặc thức ăn chứa tinh bột như: ngô, khoai, hoặc sữa, đường... nhằm tránh hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng: không nhận biết, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ điều trị. Đối với trường hợp bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... cần phải đưa tới bệnh viện khám.

Cần lưu ý, chăm sóc và theo dõi người bệnh (gọi hỏi biết), tuyệt đối không nên để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm. Khoảng vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... để tránh hạ đường huyết. Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để tránh mất nước và để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi. Có thể cho người bệnh uống nước gừng tươi, nước chè xanh, sữa nóng, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi... để giải độc rượu dạng nhẹ.

Khuyến cáo cách phòng tránh ngộ độc rượu

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc chống say rượu hay thuốc giải rượu được quảng cáo là có tác dụng làm giảm thiểu những tác hại của rượu trên cơ thể. Tuy nhiên, theo các bác sĩ thực tế là không có một loại thuốc nào có thể thay đổi hẳn tác dụng của ethanol trên cơ thể. Không có thuốc giải độc rượu ethanol nào được chứng minh có tác dụng, hiệu quả rõ ràng. Những loại thuốc được quảng cáo là giải rượu chỉ hỗ trợ một phần, bù lại vitamin và các chất muối, điện giải chứ không thực sự thay đổi trạng thái của người bị ngộ độc rượu từ hôn mê sang tỉnh trở lại. Không nên mất công cố đi tìm thuốc giải rượu vì nó không có tác dụng thực sự” BS. Nguyên cho hay.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các nguyên tắc: không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

Người dân cũng không nên uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

Đặc biệt, người dân không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

MINH CHÂU

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/tu-vong-do-ruou-hoi-chuong-canh-tinh-n128729.html