Từ vụ cháy lớn ở Cần Thơ: Một năm, 55 vụ cháy khu công nghiệp

Vụ cháy lớn sáng 23/3 tại Công ty may mặc Kwong Lung Meko thuộc khu công nghiệp Trà Nóc 1 (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) thiêu rụi hơn 1000 m2 nhà xưởng chứa nhiều vật liệu như bông, sợi… một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn cháy nổ tại các khu công nghiệp.

Vụ cháy lớn tại Công ty may mặc Kwong Lung Meko thuộc khu công nghiệp Trà Nóc 1. Ảnh: Hòa Hội - Nhật Huy.

Vụ cháy lớn tại Công ty may mặc Kwong Lung Meko thuộc khu công nghiệp Trà Nóc 1. Ảnh: Hòa Hội - Nhật Huy.

Số vụ cháy tại các khu công nghiệp tăng mạnh

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, trong năm 2016 vừa qua, cả nước xảy ra 3.006 vụ cháy làm chết 98 người, bị thương 180 người, tiêu hủy về tài sản trị giá hơn 1.200 tỷ đồng. Trong khi đó, số vụ cháy xảy ra tại các khu công nghiệp lại tăng mạnh (55/42 vụ) so với năm 2015.

Thống kê cho thấy, những vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố hệ thống điện và thiết bị điện ở mức cao, chiếm 46,7% và nguyên nhân dẫn đến cháy chủ yếu là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện, sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, xăng dầu, khí đốt...

"Một số người đứng đầu cơ sở, chính quyền địa phương, chủ hộ gia đình chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình trong công tác PCCC nên chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, thiếu quan tâm đến việc tổ chức công tác PCCC nên vẫn còn nhiều vi phạm, thiếu sót, dẫn đến nguy cơ cháy nổ tại cơ sở, khu dân cư. Nhiều đơn vị tự ý thay đổi công năng sử dụng của công trình nhưng không báo cho cơ quan PCCC làm nguy cơ cháy tăng cao dẫn đến cháy lớn, thiêu hủy nhiều hàng hóa, tài sản...” – lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH nhận định.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến các vụ cháy còn do ý thức, kiến thức PCCC của cán bộ, công nhân viên, người lao động, người dân và lực lượng PCCC tại chỗ còn nhiều hạn chế, nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng là do lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng hoạt động không hiệu quả, không biết cách vận hành, sử dụng hệ thống chữa cháy và phương tiện chữa cháy tại chỗ.

Không chỉ những khu công nghiệp có diện tích lớn mà ngay cả những tòa nhà cao tầng cũng nguy cơ rình rập xảy ra cháy. Theo thống kê, trên cả nước có gần 3.000 tòa nhà cao tầng tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng,…

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh – Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, các tòa nhà cao tầng có đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ rất phức tạp, cháy có thể xảy ra bất cứ khi nào. Hơn nữa nếu xảy ra sự cố cháy, nổ tại các tòa nhà cao tầng thì có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

“Do vậy, ngoài các yêu cầu về kiến trúc, công năng sử dụng, giải pháp thoát nạn, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan,… và các giải pháp phòng cháy bị động khác thì yêu cầu trang bị hệ thống kỹ thuật, phương tiện về phòng cháy, chữa cháy, an ninh an toàn đóng vai trò không thể thiếu, đặc biệt là các giải pháp trang bị kỹ thuật để phòng ngừa, phát hiện, cảnh báo cháy sớm” – thiếu tướng Mạnh cho biết.

Có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trách nhiệm của các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh đối với vấn đề phòng cháy chữa cháy được quy định rất rõ trong Luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi 2013 tại các khoản 3, Điều 5; khoản 3, Điều 16 và cụ thể đối với cơ sở kinh doanh tại Điều 20 có quy định chi tiết trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy.

“Nếu cơ sở nào vi phạm thì theo quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, trong việc để xảy ra cháy nổ, tùy theo mức độ thiệt hại về tài sản, các mức xử phạt tiền sẽ tăng dần phù hợp với mức độ thiệt hại, mức thấp nhất là 300.000 đồng cho tới tối đa 50.000.000 đồng.

Trong trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” – luật sư Tuấn Anh cho biết.

Cũng theo luật sư Tuấn Anh, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (trong trường hợp để xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng) thì người vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra (nếu có) đối với những người bị thiệt hại. Trong trường hợp này, sẽ áp dụng theo quy định của việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để giải quyết.

Thanh Hà

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/tu-vu-chay-lon-o-can-tho-mot-nam-55-vu-chay-khu-cong-nghiep-1133579.tpo