Từ vụ nữ lao công bị hành hung: Báo động về ý thức bảo vệ môi trường

Trong mấy ngày qua, vụ việc nữ công nhân môi trường đô thị bị đánh đến ngất xỉu khi nhắc nhở hộ kinh doanh vứt rác bừa bãi trở nên “nóng” dư luận. Và thực tế, đã từng có án mạng xảy ra cũng chỉ vì… túi rác vứt không đúng chỗ. Có lẽ, vấn đề ý thức bảo vệ môi trường hiện nay đang trở nên báo động.

Bị đánh ngất, mất mạng vì… rác

Vụ hành hung chị Trần Thị Thanh (SN 1985, công nhân Xí nghiệp môi trường đô thị số 2 - Urenco 2, Chi nhánh Hoàn Kiếm – Hà Nội) hiện vẫn đang được cơ quan chức năng tích cực làm rõ. Tuy nhiên, sau sự vụ, chị Thanh vẫn chưa hết bàng hoàng. Tại khoa Ngoại thần kinh - bệnh viện Thanh Nhàn, chị Thanh kể lại: Vào khoảng 18 giờ 30 phút, tối ngày 15/6, chị Thanh được công ty giao nhiệm vụ tuyên truyền vận động người dân đổ rác đúng nơi quy định tại các thùng rác đặt trong khu phố cổ. Trong lúc làm việc chị thấy một người phụ nữ vứt rác bừa bãi dù bên cạnh đã có thùng rác nên chạy đến nhắc nhở. Tuy nhiên, thay vì hợp tác, người phụ nữ này liên tục chửi bới xúc phạm chị Thanh.

“Thấy người phụ nữ vứt rác không đúng quy định tôi chỉ có ý định nhắc nhở để chị ấy lần sau không làm như vậy nữa nhưng thay vì lắng nghe chị ta chửi bới xúc phạm tôi. Chị ấy lớn tiếng bảo tôi là người rác rưởi, nói chị ấy vứt như vậy là tạo công ăn việc làm cho những người như chúng tôi…” – Chị Thanh chia sẻ. Thời điểm đó, chị Thanh vẫn giữ bình tĩnh để khuyên người phụ nữ kia và phân tích cho người này hiểu hành vi của mình là không đúng. Sau đó, nhận thấy người phụ nữ này có vẻ không hợp tác nên chị bỏ qua tiếp tục công việc của mình.

Chị Nguyễn Thị Thanh (công nhân môi trường đô thị) bị đánh ngất khi nhắc nhở việc để rác sai quy định.

Cũng theo chị Thanh, sự việc không dừng lại ở đó, đến 19 giờ 15 phút (ngày 15/6), khi đang dọn vệ sinh trên phố Nguyễn Hữu Huân, chị bất ngờ nhìn thấy người phụ nữ chửi bới mình lúc nãy đi cùng một người đàn ông cao lớn tiến về phía mình. Đến nơi, người phụ nữ liền văng tục, chửi bới chị. Dù chị Thanh cố giữ bình tĩnh để nói chuyện đàng hoàng với chị kia, nhưng chị ta lao vào đánh, đấm vào mặt. “Người đàn ông kia giữ chặt tay tôi lại cho chị kia đánh. Đến lúc tôi ngất đi, và khi tỉnh dậy trong bệnh viện…”. – Chị Thanh kể lại.

Được biết, chị Thanh làm công nhân môi trường đô thị đến nay đã được 7 năm. Kíp làm của chị bắt đầu từ 18 giờ - 2 giờ sáng hôm sau, chủ yếu dọn rác ở khu vực phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm). Dù công việc vất vả nhưng chị rất tự hào bởi đã góp một phần công sức làm sạch - đẹp cho Thủ đô. Chị Thanh cho rằng: “Nhiều người coi thường công việc của công nhân vệ sinh nhưng tôi quan niệm, dù làm bất cứ nghề gì chỉ cần làm ăn chân chính, bằng sức lao động của mình thì đều cao quý cả, không nên so sánh hay phân biệt”.

Liên quan đến vụ việc ngay trong chiều ngày 16/6, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, người có hành vi hành hung chị Thanh (công nhân Urenco 2), đến bất tỉnh được xác định là Phạm Thị Bích Diệp (32 tuổi, trú quận Hoàn Kiếm). Sau khi xảy ra sự việc bà Diệp bỏ trốn, chiều 16/6, Diệp ra cơ quan công an trình diện. Diệp khai nhận, tối 15/6 khi đang bán nước mía thì bị chị Thanh đến nhắc nhở chuyện làm vương vãi rác ra đường. Thấy tức tối vì bị nhắc nhở nên Diệp đã gọi chồng đến đi tìm chị Thanh. Khi tìm thấy chị Thanh ở số 7 phố Nguyễn Hữu Huân, Diệp đã lao vào hành hung làm chị Thanh bất tỉnh, sau đó được người dân và đưa vào bệnh viện cấp cứu…

Còn nhớ, trước đó ở Hà Nội từng xảy ra xảy ra án mạng đau lòng liên quan đến việc đổ rác: Thấy vợ cãi nhau với hàng xóm về việc đổ rác bừa bãi, đối tượng Nguyễn Văn May (54 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) người chồng 54 tuổi về nhà lấy dao nhọn sang đâm hàng xóm khiến nạn nhân tử vong trong bệnh viện. Vụ án xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 15/4/2016, khi bà Phạm Thị Loan, 53 tuổi (là vợ của May) mang rác đổ trước cửa nhà 40/44 Võ Thị Sáu, là nhà anh Đặng Bảo Ngọc (33 tuổi) và bị anh Ngọc phát hiện dẫn đến 2 người lời qua tiếng lại. May từ trong nhà thủ sẵn dao nhọn chạy đến bênh vợ, đồng thời dùng dao đâm vào người anh Ngọc làm cho nạn nhân bị trọng thương và được đi cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Tuy nhiên anh Ngọc đã tử vong sau đó. Gây án xong Ngọc bỏ trốn. Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã phối hợp với công an quận Hai Bà Trưng truy bắt đối tượng về hành vi Giết người.

Hiện trường vụ án mạng trên phố Võ Thị Sáu nguyên nhân từ chuyện đổ rác.

Một vụ việc tương tự cũng mâu thuẫn về việc đổ rác mà một ông già đã đâm chết người. Cụ thể, do thường xuyên bị tiểu thương chợ tạm khu Liên Cơ, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đổ rác trước cửa nhà nên Phạm Văn Nhân (60 tuổi, ở ngách 4 ngõ 54 đường Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt) bức xúc, than vãn với hàng xóm. Biết được việc này, chiều 16/11/2015, Nguyễn Văn Dũng (45 tuổi, ở khu Tứ Kỳ, phường Hoàng Liệt) quản lý khu chợ đã gọi Phạm Văn Nhân sang nhà điều hành chợ nói chuyện. Tại đây, Dũng đã đánh dằn mặt Nhân. Đến 20 giờ cùng ngày, sau khi đi uống rượu về, Dũng tiếp tục gọi Nhân sang nhà điều hành chợ để nói chuyện. Đề phòng bị đánh như lúc trước, Nhân thủ sẵn con dao trong người. Đúng như dự đoán, khi vừa đến nhà điều hành chợ, khi Dũng lao đến đánh, Nhân rút ngay con dao thủ sẵn trong người đâm Dũng một nhát. Hoảng sợ, Dũng bỏ chạy nhưng bị Nhân đuổi theo đâm thêm nhiều nhát khiến nạn nhân gục ngã. Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên Dũng đã tử vong sau đó. Sau khi gây án, Phạm Văn Nhân đã đến Công an phường Hoàng Liệt đầu thú và khai nhận hành vi của mình.

Ý thức - vấn đề cốt lõi giải “bài toán” môi trường

Trên đây là những sự vụ rất đáng tiếc và đau xót, xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt, nhưng xảy ra hậu quả lớn… Hà Nội là một trong những đô thị lớn, các cấp chính quyền, ban ngành chức năng và Nhân dân Thủ đô đã và đang chung tay nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vấn đề làm sạch môi trường, bảo vệ môi trường vẫn còn đang là một bài toán nan giải.

Nhìn nhận trên thực tế, Hà Nội còn thực trạng trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm. Nhiều tuyến phố vẫn ngập sâu sau những đợt mưa lớn… Theo đánh giá của một số chuyên gia về môi trường, bên cạnh nguyên nhân do sự yếu kém trong công tác quản lý bảo vệ môi trường thì nguyên nhân chính của tình trạng này là ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống còn quá kém. Chính từ ý thức kém nên việc tùy tiện vứt rác thải ra đường phố. Các công ty hoạt động sản xuất, cửa hàng kinh doanh, vẫn tùy tiện xả thải các chất thải công nghiệp độc hại chưa được xử lý ra môi trường tự nhiên. Rác thải, nước thải vẫn “đẩy” ra lòng đường, vỉa hè, cống rãnh của các con phố. Rồi đến các loại khói bụi từ xe cộ, từ các cơ sở sản xuất vẫn từng ngày, từng giờ thải vào môi trường.

Nếu mỗi người dân thiếu ý thức vẫn giữ thói quen xả rác bừa bãi thì những hậu quả sau này là rất lớn. Trước tiên là gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Rác bị xả bừa bãi liên tục, ngày càng nhiều nếu không được thu dọn sẽ bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường không khí. Nguồn nước bị ô nhiễm nặng, cống rãnh ùn tắc gây ngập úng. Các loại nước thải, chất thải sinh hoạt xả xuống hồ, ao, sông… khiến cho môi trường sinh thái bị ô nhiễm, cá tôm chết nhiều hoặc bị bệnh, trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng, kinh tế đối người nuôi. Hơn nữa lại tốn kém nhiều tiền bạc để đầu tư vào việc cải tạo môi trường.

Giải quyết vấn đề rác thải ở Hà Nội hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Hậu quả do môi trường ô nhiễm là hết sức lớn, do đó, bảo vệ môi trường phải xuất phát từ xây dựng ý thức của mỗi người. Để từng người dân, từng doanh nghiệp có ý thức và thực sự có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường thì không chỉ đơn giản bằng biện pháp tuyên truyền, giáo dục. Cần có những chế tài thật nghiêm khắc xử lý kiên quyết đối với hành vi thiếu ý thức gây ô nhiễm môi trường.

Có thể lấy ví dụ: Nổi tiếng nghiêm khắc về mặt thi hành pháp luật, Singapore đã áp dụng một cách cứng rắn các hình phạt để giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước. Đặc biệt, vấn đề về môi trường được đặt lên hàng đầu với các hình phạt nặng nề đối với việc xả rác bừa bãi. Người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 - 5.000 đôla và phải lao động công ích. Trong khoảng vài giờ, người bị phạt trong bộ quần áo sáng màu đặc trưng sẽ phải làm sạch nơi công cộng, họ phải nhặt rác tại công viên, đôi khi phương tiện truyền thông địa phương được mời đến để ghi lại sự kiện. Các nhà chức trách muốn thông qua cảm giác bị xấu hổ trước công chúng để nhắc nhở mọi người dân không xả rác bừa bãi…

Việc gìn giữ môi trường của Thủ đô sạch - đẹp là trách nhiệm của mỗi người và cả xã hội. Rất cần thiết ngăn chặn và lên án hành vi thiếu văn minh, xâm hại tới môi trường. Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắng rằng, đối với mỗi người dân, việc đổ rác đúng nơi quy định không phải là việc quá khó để thực hiện. Tuy nhiên, từ lâu nay do tập quán sinh hoạt, thói quen bỏ rác bừa bãi đã hình thành, nên việc thay đổi nhận thức của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Và cũng chính vì sự thiếu ý thức, thậm chí có còn một số người “cố tình” không thay đổi nhận thức để bảo vệ môi trường.

Về vấn đề xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay: Luật Bảo vệ môi trường 2005 và văn bản dưới luật đã có quy định xử phạt những hành vi vi phạm môi trường, nhưng do làm chưa nghiêm, việc cưỡng chế tuân thủ kém dẫn đến thực trạng có một bộ phận người dân vẫn xả rác ra đường phố, nhất là vệ sinh cá nhân ở ngay nơi công cộng, đây được coi là hành vi xấu, thô tục. Bởi vậy, để hạn chế vấn đề trên điều quan trọng đầu tiên, các thành phố lớn cần phải trang bị cơ sở hạ tầng bảo đảm cho người dân thực hiện việc bảo vệ môi trường. Đó là các tuyến phố cần phải trang bị các thùng rác, các nhà vệ sinh công cộng...

Trước thực tế trên, người dân cần nhận thức được mối nguy hại của việc vứt rác bừa bãi mà rác thải là thủ phạm gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe đời sống của con người. Mỗi người phải tự trang bị cho mình vốn kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, phải thay đổi thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu để bảo vệ cộng đồng và hơn hết là những người thân xung quanh và chính bản thân mình. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn để người dân có những nhận thức đúng đắn về công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần làm xanh - sạch - đẹp Thủ đô.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2017, mức phạt với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng như sau: Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng; phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng; phạt tiền từ 5.000.000 - 7.000.000 đồng với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị...

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tu-vu-nu-lao-cong-bi-hanh-hung-bao-dong-ve-y-thuc-bao-ve-moi-truong-290811.html