Từ vụ vô cớ đánh người, đốt xe ôtô: Đừng khiến mình vi phạm pháp luật!

Trước những thông tin gây hoang mang dư luận, người dân cần chủ động xử lý để không biến mình thành người vi phạm pháp luật.

Thời gian qua, xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt liên quan đến bắt cóc trẻ em dẫn đến những vụ đánh oan.

Hội chứng bắt cóc

Sáng 22/7, chị Lê Thị Bảy (40 tuổi) và chị Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi) đón xe buýt tới thôn Thái Phù (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để bán tăm. Đến đầu thôn, chi Bảy định vào một gia đình có con nhỏ mời chào mua tăm thì bị người dân cho là có hành tung lạ. Sau đó, người bán tăm đã rời đi nhưng vẫn bị đuổi theo, vây đánh bấm tím khắp người.

Hai phụ nữ bán tăm bị đánh hội đồng vì nghi bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn.

Chị Phúc nói, trong lúc đám đông vây đánh, có người nói “trong túi bà chắc hẳn có chai thuốc mê, bảng giá bán nội tạng và lá bùa” nhưng không đúng.

Điều tra sự việc, Công an huyện Sóc Sơn cho hay người dân nghi ngờ chị Bảy và chị Phúc đi bắt cóc trẻ em là không có căn cứ. Trong túi của hai người này chỉ có 50 túi tăm. Hiện, một số người tham gia hành hung đã bị triệu tập để làm rõ.

Trước đó, tối 20/7, dân làng thôn Đồng Hởi (Thanh Hà, Hải Dương) nghi ngờ một nhóm người đi ôtô vào làng có ý đồ thôi miên, bắt cóc trẻ em nên bao vây, đốt chiếc xe Fortuner tiền tỷ.

Tuy nhiên, quá trình điều tra ban đầu, công an xác định hai người đàn ông dừng xe trước tiệm bán đồ gỗ có nhân thân tốt, công việc, nơi cư trú ổn định, không có dấu hiệu bắt cóc trẻ em như tin đồn.

Trước hành động quá khích của đám đông, lực lượng chức năng đã nhanh chóng lập hàng rào bảo vệ nạn nhân, giải thích, giải tỏa đám đông để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Không lâu trước đó, trưa 13/7, một phụ nữ trung niên mang giỏ nhựa đi tới phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) cũng bị một số người dân địa phương chặn đường tra hỏi vì cho rằng có hành tung bất minh, tăm tia bắt cóc trẻ em. Đám đông không chịu nghe phân bua trắng đen mà lao vào đánh người phụ nữ 62 tuổi (trú tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam).

Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng địa phương đã tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vụ việc. Kết quả xác minh ban đầu, trước đó, xuất hiện một số tài khoản mạng xã hội đăng tin người phụ nữ 62 đã bắt cóc một cháu bé bỏ vào bao tải là không có cơ sở. Cơ quan điều tra sẽ xử lý những người thêu dệt nội dung câu chuyện này.

Xử lý nghiêm đối tượng vi phạm pháp luật

Chuyên gia tâm lý cho rằng, thời gian qua sự việc bắt cóc trẻ em bị đưa lên mạng nhiều dẫn đến nhiễu thông tin khiến người dân cảm thấy bất an. Đó có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ đánh đập người lạ vô cớ. Qua những vụ việc trên đây, chính quyền địa phương nên có biện pháp tuyên truyền đúng đến người dân để không xảy ra những vụ việc tương tự, đồng thời xử lý nghiêm những thành phần chủ mưu gây hoang mang dư luận. Bên cạnh đó, người dân cũng cần tỉnh táo để không bị kẻ xấu lợi dụng.

Liên quan đến vụ người dân đánh hội đồng hai người phụ nữ bán tăm nghi bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn, Hà Nội, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng đoàn Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn LS TP. Hà Nội) chia sẻ, dưới góc độ pháp lý, không ai có quyền xâm phạm, tước đoạt tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác, kể cả họ có vi phạm pháp luật hay không vi phạm, trừ những trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc trong tình thế cấp thiết.

Trong trường hợp này do thiếu kiềm chế, thiếu hiểu biết nên người dân đã đánh hội đồng hai phụ nữ bán tăm do nghi họ bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn. Hành động của những người trong vụ việc này đã gây tổn hại sức khỏe cho người khác, có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999.

Theo đó, đối tượng gây thương tích cho người khác, tỷ lệ thương tật từ 11- 30% hoặc dưới 11% có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu tỷ lệ thương tật cao hơn sẽ có những khung hình phạt nặng hơn.

“Trong trường hợp này, nếu bị hại có đơn yêu cầu xử lý những người tham gia hành hung sẽ được cơ quan pháp luật xem xét xử lý theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Tuy nhiên, luật sư Thơm cho hay, hành vi của người dân xuất phát từ việc thiếu hiểu biết, hành xử theo cảm xúc, không phải do mâu thuẫn, thù hằn, nên khi xác định được các đối tượng hành hung hai phụ nữ bán tăm, nếu họ có thái độ ăn năn, hối lỗi, bồi thường thiệt hại cho nạn thân thì đây cũng là cơ sở để người bị hại không làm đơn xử lý theo quy định của pháp luật. Còn những người gây ra việc đốt xe ở Hải Dương có thể bị xử lý về tội Hủy hoại tài sản.

Trung tá Lê Minh Hoàn, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Hà (Hải Dương) nhấn mạnh, cơ quan chức năng luôn khuyến khích người dân chủ động phòng ngừa, cảnh giác với tội phạm. Tuy nhiên, mỗi người dân cần hành xử theo đúng quy định pháp luật.

Đặc biệt với trường hợp thông tin trên mạng xã hội, người dân luôn phải cảnh giác, chủ động trong cách tiếp cận nguồn tin để không bị kẻ xấu “dắt mũi”. Với những đối tượng có dấu hiệu lạ người dân cần báo với lực lượng chức năng để có biện pháp theo dõi, xử lý kịp thời.

Người dân không nên chỉ vì nghi ngờ, chưa có chứng cứ mà xông vào đánh người, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, biến mình thành người vi phạm pháp luật. Thời gian qua, lực lượng công an huyện đã tích cực truyên truyền pháp luật để người dân hiểu rõ về pháp luật, đảm bảo tình hình khu dân cư./.

CTV Lê Tùng/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/tu-vu-vo-co-danh-nguoi-dot-xe-oto-dung-khien-minh-vi-pham-phap-luat-651595.vov