Tự ý hoặc bỏ qua nội dung thanh tra thì sẽ thực hiện thanh tra lại

Ngày 13/9, Phó Tổng Thanh tra Nguyên Văn Thanh đã chủ trì buổi làm việc với thanh tra các bộ, ngành cùng các địa phương về việc cho ý kiến với Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thanh tra lại.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TH

Tại buổi làm việc, các đại biểu được nghe đại diện Tổ Biên tập thuyết minh Dự thảo Thông tư hướng dẫn thanh tra lại.

Dự thảo Thông tư gồm 3 chương với 14 điều. Chương I: Quy định chung quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng gồm 2 điều; Chương II: Quy định, hướng dẫn cụ thể có một số nội dung về thanh tra lại gồm 11 điều; Chương II: Điều khoản thi hành gồm 1 điều.

Nội dung cơ bản bao gồm: Việc hướng dẫn, giải thích cụ thể một số căn cứ thanh tra lại quy định tại Điều 48 Nghị định 86/NĐ-CP.

Các trường hợp có vi phạm nghiệm trọng về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra gây ảnh hưởng nghiêm trọng nội dung của kết luận thanh tra như: Không tuân thủ các bước chuẩn bị, tiến hành và kết thúc thanh tra; tự ý mở rộng nội dung, phạm vi thanh tra hoặc bỏ qua nội dung, phạm vi thanh tra khi không có ý kiến của người ra quyết định thanh tra; ban hành quyết định thanh tra không đúng thẩm quyền; không ban hành báo cáo kết quả, kết luận thanh tra...

Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra dẫn đến làm sai lệch bản chất kết luận. Như áp dụng văn bản đã hết hiệu lực, không áp dụng đúng văn bản pháp luật; người ra quyết định, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật như việc loại bỏ chứng cứ thu thập được từ hoạt động thanh tra, giả mạo, tẩy xóa tài liệu, kiến nghị hình thức xử lý không đúng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, kết luận không đúng phạm vi, đối tượng, nội dung thanh tra.

Quy định trách nhiệm phát hiện dấu hiệu vi phạm để quyết định việc thanh tra lại: Tổng Thanh tra, Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang Bộ, Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra sở trong quá trình thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về thanh tra; kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra; nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phát hiện vụ việc thanh tra đã được cấp có thẩm quyền kết luận có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì có quyền yêu cầu hoặc đề nghị người ký kết luận thanh tra trước đó chuyển hồ sơ vụ việc để xem xét.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TH

Ngoài những quyền hạn được quy định tại Điều 48, 55 của Luật Thanh tra, Dự thảo cụ thể hóa một số quyền hạn như: Yêu cầu người ký kết luận thanh tra, Trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra trước đó giải trình bằng văn bản về nội dung đã kết luận có vi phạm pháp luật; yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu bổ sung để phục vụ cho việc thanh tra lại; người ra quyết định thanh tra lại có quyền đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc thực hiện những nội dung trong kết luận đang được thanh tra lại khi phát hiện có vi phạm pháp luật.

Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra lại có quyền yêu cầu hoặc đề nghị người ký kết luận thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viện đoàn thanh tra trước đó giải trình bằng văn bản về nội dung đã kết luận nhưng có vi phạm pháp luật; yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu bổ sung để phục vụ nhiệm vụ thanh tra lại; trong quá trình thanh tra lại, phát hiện việc thực hiện kết luận, quyết định thanh tra gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức có quyền đình chỉ hoặc yêu cầu, đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ việc thi hành kết luận thanh tra, quyết định xử lý thanh tra.

Quy định báo cáo kết quả, kết luận thanh tra lại phải đánh giá nội dung thanh tra lại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn toàn bộ; trường hợp có vi phạm pháp luật phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tiến hành thanh tra trước đó.

Người ra quyết định thanh tra lại phải ra văn bản kết luận thanh tra lại và gửi tới thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp, cơ quan thanh tra Nhà nước cấp trên, đối tượng thanh tra, cơ quan tiến hành thanh tra trước đó.

Quy định cụ thể xử lý kết luận thanh tra lại: Trường hợp kết luận thanh tra trước đó là đúng pháp luật thì yêu cầu hoặc đề nghị người ra quyết định thanh tra trước đó tổ chức thi hành kết luận và quyết định xử lý về thanh tra.

Trường hợp kết luận việc thanh tra trước đó sai một phần hoặc sai toàn bộ thì người ra kết luận thanh tra trước đó phải thực hiện theo kết luận thanh tra lại và hủy bỏ quyết định xử lý về thanh tra đã ban hành hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền trước đó đã ban hành quyết định xử lý về thanh tra hủy bỏ quyết định đã ban hành.

Tại cuộc họp, các đại biểu đều nhận thức được sự cần thiết phải ban hành Thông tư Thanh tra lại và cơ bản đồng ý với nội dung dự thảo Thông tư.

Tuy nhiên các đại biểu cho rằng, cần bổ sung, thay thế một số cụm từ để tránh trùng lặp và gây hiểu nhầm cho đối tượng thanh tra, đồng thời, quy định lại một số nội dung tại một số điều trong Dự thảo. Cần làm rõ thêm nội dung Điều 6 về việc ban hành nội dung quyết định thanh tra lại; thời hiệu, thời hạn thanh tra lại....

Phát biểu kết luận, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh ghi nhận, đánh giá cao Tổ Biên tập đã thể hiện đầy đủ các nội dung của Thông tư, đồng thời ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Đồng thời đề nghị Tổ Biên tập tiếp thu các ý kiến đề cập của các đại biểu để hoàn thiện Dự thảo; yêu cầu Vụ Pháp chế tham gia vào công tác biên tập cho hoàn chỉnh, bài bản hơn. Cố gắng ban hành hành Thông tư đúng lộ trình.

TH

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/tu-y-hoac-bo-qua-noi-dung-thanh-tra-thi-se-thuc-hien-thanh-tra-lai_t114c1059n124264