Tuần Lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam"

(PL&XH) - Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 24/11 với nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật, thể thao đặc sắc của các vùng miền trên Tổ quốc.

Tham gia sự kiện này sẽ có 17 cộng đồng dân tộc với gần 400 người đến từ 12 tỉnh, thành đại diện cho các vùng, miền của Tổ quốc. Điểm nhấn hoạt động thể thao trong Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" là hoạt động tái hiện Hội Đua bò Bảy Núi. Đây là hoạt động thể thao độc đáo và đang ngày càng phát triển ở tỉnh An Giang. Lễ hội đua bò đã có từ lâu trong cộng đồng người dân tộc Khơme, được tổ chức vào dịp lễ Dolta (lễ cầu phước cho ông bà, tổ tiên). Mỗi năm một lần, vào lễ Dolta của người Kh'mer, những người dân lũ lượt đổ về đấu trường với tinh thần thể thao, lòng ham muốn chiến thắng chẳng hề thua kém bất cứ cuộc thi tài nào.

Lễ hội đua bò những năm gần đây đang ngày càng cuốn hút không chỉ thu hút các đội đua bò của các cư dân vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang, mà còn sự tham gia đông đảo các đội bò đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí cả người dân Tp. Hồ Chí Minh cũng chẳng quản đường sá xa xôi đến với hội đua bò. Bên cạnh đó, Hội đua bò Bảy núi còn thu hút đông đảo du khách trong nước và ngoài nước đến theo dõi cổ vũ.

Đây cũng là lần đầu tiên lễ hội đua bò Bảy Núi được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Theo ông Lâm Văn Khang - Trưởng ban tổ chức, Hội đua bò Bảy Núi sẽ diễn ra trong 2 ngày thi là ngày 21/11 và 23/11. Tham gia tranh tài tại Hội đua bò Bảy núi là gần 70 nghệ nhân đến từ tỉnh An Giang, trong đó có các “nài đua bò” (người cầm vàm). Để tái hiện Hội đua bò Bảy núi tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh An Giang đã đưa 6 đôi bò từ tỉnh An Giang đến tham gia, đây là những đôi bò đã tham gia tranh tài tại Lễ hội đua bò Bảy Núi diễn ra vào ngày 4/10/2013. Các đôi bò dũng mãnh dưới sự điều khiển khéo léo của các nghệ nhân tỉnh An Giang sẽ mang đến những pha tranh tài ngoạn mục cho du khách và khán giả Thủ đô tới tham dự Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam".

Bên cạnh các hoạt động thể thao, Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" còn nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: Trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên; các lễ hội, nghi lễ của các dân tộc; tái hiện không gian văn hóa Chợ nổi Nam Bộ và Chợ vùng cao phía Bắc; khánh thành quần thể chùa Khmer... Đại diện ban tổ chức cũng thông tin thêm, tại chuỗi hoạt động này các Hoa hậu, Á hậu của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam sẽ được huy động đến tham gia biểu diễn áo dài truyền thống.Đặc biệt, ban tổ chức cũng cam kết việc các chủ thể văn hóa sẽ được tự giới thiệu về bản sắc văn hóa địa phương.cùng các hoạt động giao lưu giữa cộng đồng các dân tộc.

Tuần lễ là hoạt động thiết thực nhằm góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, tôn vinh tinh thần đại đoàn kết trở thành một di sản Văn hóa của dân tộc Việt Nam. Các chương trình văn hóa, thể thao trong Tuần lễ cũng nhằm giữ gìn và phát triển các nét văn hóa, thể thao độc đáo của các dân tộc Việt Nam, đồng thời quảng bá, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam nói chung.

P.V

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2013102412582114p1001c1015/tuan-le-dai-doan-ket-cac-dan-toc-di-san-van-hoa-viet-nam.htm