Tuần tử khí

Sau bao nhiêu sự ra đi thường thấy của cuộc sống, từ tai nạn giao thông đến cháy nhà, chìm tàu… những tưởng sự sống và cái chết như là điều đương nhiên của tạo hóa. Thế nhưng, với các thông tin trong tuần vừa xảy ra, không ít người có cảm giác đan xen giữa sự ngột ngạt của thời tiết oi bức là “mùi chết chóc” cứ len lỏi đâu đây.

Cá không chỉ chết mà nhiễm độc

Cá vẫn tiếp tục chết, không chỉ ở biển miền Trung, kênh Nhiêu Lộc tại TP.HCM mà đã lan ra trung tâm Hà Nội. Chỉ trong một đêm, khoảng 6 tấn cá chết ở hồ Hoàng Cầu đã được dọn sạch, còn hồ có thơm tho hay không, nước có sạch sẽ hay không thì chưa rõ. Điều ấy chứng tỏ, nếu muốn nỗ lực dọn dẹp môi trường, người ta có thể làm trong nháy mắt, nhưng chỉ có điều nó có lợi cho ai đó hay không.

Nguồn ảnh: Tiền phong

Tuy cá đã dọn sạch, nhưng mùi “tử khí” vẫn còn đang đe dọa cuộc sống của người dân khi tại Quảng Trị, phát hiện ra 30 tấn cá nục đông lạnh có chất cực độc với hàm lượng Phenol 0,037mg/kg, chỉ dùng trong công nghiệp tẩy rửa, không được phép dùng trong thực phẩm. Vậy tại sao chúng lại có mặt trong cá nục? Câu trả lời chắc cũng nằm trong nguyên nhân cá chết nhưng… thận trọng mãi chưa được công bố. Tuy nhiên, thông tin này cũng đã đủ để các bà nội trợ tạm thời đưa cá nục ra khỏi thực đơn, bởi theo Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế) tỉnh Quảng Trị phát biểu trên báo Thanh niên cho hay, sự cố như thế này là hy hữu. “Phần lớn các lô cá mà người dân đánh bắt về trong thời gian gần đây, chúng tôi đều đã có kiểm nghiệm và kết quả cho thấy là an toàn. Nên người dân vẫn có thể yên tâm sử dụng cá nếu cá vừa được đánh bắt trong thời gian gần đây.”

Tuy nhiên, sự “an toàn” đến đâu, chẳng ai dám chắc. Bởi nhằm ngày giết sâu bọ mùng 5/5 âm lịch (9/6), 60 người ăn bánh ướt tại Quảng Trị cũng đã ngộ độc thực phẩm, ai lo? Chỉ biết ngành đánh bắt hải sản Việt vẫn tiếp tục lao đao không ít.

Cứu người hay cứu… xác

Vấn đề cứ hộ cứu nạn tại Việt Nam thực ra đã có vấn đề từ lâu, và cũngchỉ ngay đầu tuần đã mở màn bằng việc 3 phu đào vàng bị ngạt vì khí độc, nhưng mọi hình thức cứu nạn đều sơ khai, khiến người vào cứu cũng tử nạn như nạn nhân. Theo thông tin trên vietnamnet thì mặc dù lực lượng cứu nạn đã khẩn trương có mặt tại hiện trường nhưng cũng đành đứng đó vì chẳng ai được trang bị mặt nạ phòng độc để dám thò mặt xuống hang cứu người. Điều này cũng đồng nghĩa với chuyện, chờ có đầy đủ thiết bị thì cũng chỉ là để… mang xác nạn nhân ra khỏi hang.

Trong khi đó, chuyện cứu nạn cho du khách người Anh bị mất tích trên núi Hoàng Liên lại có phần rầm rộ hơn, mang tính chiến dịch hơn khi thu hút rất đông người tìm kiếm, lên đến 60 người. Trong đó, ít nhất có 3 đội cứu hộ, mỗi đội 10 người đã “tìm ngày, tìm đêm” không nghỉ. Huyện Sapa còn treo thưởng 50 triệu đồng cho người tìm thấy. Tuy nhiên, với “mọi nỗ lực” sau 6 ngày, việc tìm kiếm cũng chỉ là để… mang xác du khách người Anh về với gia đình.

Cư dân mạng trong vụ này cũng đã khá hào hứng, kêu gọi nhau tham gia, người đi vì tâm cũng có, vì tiền thì đương nhiên và có cả những hội nhóm tham gia vì không muốn bỏ lỡ cơ hội PR danh tiếng…Tuy nhiên, sau tất cả là những bút chiến của nhiều phượt thủ dày dạn kinh nghiệm phân tích cái chết của chàng trai trẻ: “Lỗi tại anh” thì cũng có khá nhiều những status thương xót Aiden.

“Một người mê rừng và khá liều lĩnh” mang tên Tien Nguyen đã chia sẻ trên facebook rằng: “Thương Aiden, cứ tưởng tượng đến những ngày cố gắng tiếp tục hy vọng sống của em ấy mà thấy đau lòng. Cậu trai trẻ ưa mạo hiểm và còn rất nhiều nhiệt huyết sống, còn cả một tương lai nhiều điều thú vị để chinh phục, trải nghiệm ở phía trước. Trong màn đêm, giữa sương lạnh căm, không đồ ăn, không áo ấm, không bật lửa, lại đau và mất máu, đói lả, lạnh run và kiệt sức, cậu trai trẻ ấy liệu có phút giây nào bật khóc hối hận, nhớ tới gia đình và người thương; có khi nào tuyệt vọng, cảm thấy thật sự thật sự rất luyến tiếc khi cuối cùng phải nói lời chia tay với cuộc sống tươi đẹp đã có. Mình không muốn một cái chết lạnh lẽo, cô quạnh và đáng thương như thế đâu...” Đâu đó trong thinh không, chàng trai trẻ không biết có lẩm nhẩm câu hát:

“Under the “mountain”….

Where are you now

So lost. I’m faded”

Sự tan biến của những người ra đi sẽ là nỗi lòng nặng trĩu cho những người ở lại, đối mặt với triệu kiểu chết tức thời hay chết từ từ vì nhiễm độc môi trường, nguồn nước, thực phẩm. Một cuộc sống đang kêu cứu nhưng cứ phải ẩn sau bộ mặt thanh bình, xanh, sạch đẹp.

Toàn Phong

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/tuan-tu-khi