Tục cấp sắc của người Dao

Đồng bào người Dao quan niệm, một người đàn ông nếu như chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn là trẻ con. Ngược lại, người đã qua cấp sắc thì dù ít tuổi vẫn được coi là trưởng thành và có thể tham gia nhiều việc hệ trọng trong buôn, làng. Xuất phát từ ý nghĩa ấy, tục cấp sắc được người đồng bào Dao di truyền từ đời này qua đời khác.

Một dịp về thôn 3, xã Cư Suê (H. Cư Mgar, Đắc Lắc), chúng tôi tìm hiểu nhiều phong tục độc đáo của người đồng bào Dao. Trong đó, lễ cấp sắc được xem là bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành của mỗi người đàn ông trong buôn làng. Theo đó, người đồng bào Dao quan niệm, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn coi là trẻ con vì chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm. Ngược lại, người đàn ông đã qua cấp sắc thì dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng, được giúp việc cho thầy cúng. Bởi có trải qua lễ cấp sắc mới biết đạo nghĩa phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Không chỉ lựa chọn kỹ lưỡng ngày, giờ tốt mà người đàn ông Dao phải đủ 18 tuổi trở lên mới được người trong dòng họ tổ chức lễ cấp sắc. Trước khi cấp sắc, người đàn ông Dao buộc phải kiêng ngủ gần vợ, không được đánh chó, giết mổ gà, vịt, chặt phá cây cối, hoặc làm những điều xúc phạm đến thần linh... Người cấp sắc phải ăn chay trong vòng 2 ngày trước khi làm lễ, không được nói tục, chửi bậy. Đồng thời, phải chuẩn bị đầy đủ đồ lễ trước một tháng. Nghi lễ cấp sắc của người Dao thường diễn ra từ 3 đến 5 ngày, tùy thuộc mức độ cấp sắc. Ngoài ra, gia chủ còn phải chuẩn bị trang phục truyền thống, tranh, gậy tầm xích, thẻ âm dương, các nhạc cụ đi kèm như tù và, trống, chiêng, khèn... Nghi lễ được thực hiện tuần tự trong dòng họ, tuân thủ từ trên xuống dưới, từ cha đến con, từ anh đến em.

Trang phục trong lễ cấp sắc của người Dao.

Bà Bàn Thị Lan (thôn 3) cho hay: "Lễ cấp sắc được thực hiện gồm một người chính, một người phụ. Trước đây, lễ cấp sắc được thực hiện 3 ngày 3 đêm, nhưng nay đã rút ngắn lại thành 1 ngày, 1 đêm để đảm bảo cho việc sản xuất. Trước khi tổ chức lễ, gia đình người thụ lễ phải chuẩn bị 3 con heo, 20 con gà, rượu, hoa, trái cây, gạo nếp, bánh chưng... Đặc biệt, trong mâm cúng của lễ cấp sắc không thể thiếu bánh dày. Bởi bánh dày tượng trưng cho trời đất và sẽ chứng giám cho người thụ lễ đã thực sự trưởng thành". Trong lễ cấp sắc, thầy cúng sẽ là người điều khiển các nghi lễ nhằm tái hiện lại các hoạt động văn hóa của dân tộc. Do vậy, việc lựa chọn thầy cúng cũng góp phần thành công cho nghi lễ cấp sắc của người Dao. Thầy cúng thực hiện lễ cấp sắc phải là người học rộng, tài cao, thông thạo chữ Nho... Đồng thời, thầy cúng được chọn lựa phải là người đã có vợ. Ông Triệu Văn Quý (thầy cúng) chia sẻ: "Người thụ lễ cấp sắc phải trải qua 2 lần làm lễ mới được công nhận trưởng thành, được làm người lớn. Thông thường, mỗi lễ cấp sắc phải có 7 thầy cúng hành lễ. Khi nghi lễ diễn ra, người thụ hưởng lễ cấp sắc chính có nhiệm vụ cầm 7 cây đèn và người phụ cầm 3 cây đèn. Người đàn ông có vợ thường được chọn để làm lễ cấp sắc trước".

Để bắt đầu nghi lễ, thầy cúng gọi tên bố đẻ, tên ông nội của các thầy về để chứng giám cho công việc của mình. Sau đó, thầy cúng sẽ làm lễ tẩy uế, lập đàn trong nhà rồi thả tranh các vị thần linh. Trước bàn thờ nơi treo các bộ tranh, thầy cúng bắt đầu gọi thần núi, thần đất, thần rừng... và làm lễ khai đàn mời tổ tiên về dự quá trình cấp sắc cho người thụ lễ. Theo ông Quý, điều quan trọng nhất trong buổi lễ là cấp pháp danh cho người thụ lễ.

Người Dao cũng tuyệt đối kiêng kị phụ nữ ra vào nơi làm lễ. Sau khi tất cả nghi lễ kết thúc, người thụ lễ được tổ tiên, thần linh và mọi người công nhận đã là người trưởng thành, người lớn trong gia đình. Những người đã được cấp sắc có thể học để trở thành thầy cúng và cấp sắc cho những người còn lại trong dòng họ, gia đình.

Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết: "Trên địa bàn xã hiện có gần 400 hộ người Dao. Theo thời gian, nhiều phong tục của người Dao dần bị mai một. Tuy nhiên, lễ cấp sắc là một nét văn hóa truyền thống được người Dao gìn giữ hàng ngàn đời nay. Ngoài ý nghĩa đánh dấu sự trưởng thành, lễ cấp sắc cũng là dịp để người đàn ông Dao cảm tạ trời đất vì đã mang đến những điều tốt lành trong cuộc đời của họ".

Thơ Trịnh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_160199_tu-c-ca-p-sa-c-cu-a-nguo-i-dao.aspx