Tưng bừng lễ hội Nghinh Ông Đông Hải

Ngày 18/4, tại Lăng Ông Nam Hải (ấp 2, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải lần thứ 21 - năm 2024 đã diễn ra. Đây là một trong những Lễ hội Nghinh Ông lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải lần thứ 21 năm 2024 diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18/4 (tức mùng 8 đến 10/3 âm lịch), với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như: Trưng bày các sản phẩm OCOP và một số sản phẩm đặc sản của huyện; trưng bày sách thư viện sách; trưng bày dụng cụ nghề làm muối, mô hình cánh đồng muối; trưng bày ngư, lưới cụ, nghề vá lưới; trưng bày mô hình, hình ảnh tuyên truyền biển đảo, Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và trưng bày quảng bá hình ảnh du lịch của huyện; tổ chức Hội chợ Thương mại; Chương trình văn nghệ phục vụ nhân dân; tổ chức đoàn tàu ra biển nghinh ông, thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản….đặc biệt là đoàn rước Nghinh Ông diễn ra vào ngày 29/4 thu hút rất đông du khách đến giao lưu, tham quan Lễ hội.

Phần lễ nghinh Ông được bắt đầu với nghi thức diễu hành, rước Ông từ biển về,

Hàng ngàn người có mặt tại lăng tham gia diễu hành đón Ông từ biển vào để cúng tế.

Bà Nguyễn Hồng Cẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, Trưởng Ban tổ chức - cho biết, Đông Hải là vùng đất được hình thành và phát triển cùng với quá trình mở đất của ông cha ta về phía Nam của đất nước. Tiềm năng, thế mạnh của Đông Hải là khai thác và nuôi trồng thủy sản do huyện có bờ biển dài hơn 23 km với 2 cửa sông lớn thông ra biển là Gành Hào và Cái Cùng, có đoàn tàu 430 chiếc ra khơi đánh bắt tôm, cá và các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Nghinh Ông là lễ hội văn hóa, tín ngưỡng của ngư dân vùng biển Bạc Liêu nói riêng, các tỉnh ven biển ĐBSCL nói chung.

Chuẩn bị nghi lễ cúng tế.

Theo tín ngưỡng lâu đời, tục thờ Cá Ông – Lễ hội Nghinh Ông là một nét văn hóa đặc sắc, là hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của cư dân miền biển, cầu mong được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ngư dân vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai khi hành nghề trên biển.

Theo tín ngưỡng lâu đời, tục thờ Cá Ông – Lễ hội Nghinh Ông là một nét văn hóa đặc sắc, là hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của cư dân miền biển, cầu mong được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ngư dân vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai khi hành nghề trên biển để đánh bắt được nhiều tôm, cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đoàn tàu ra biển Nghinh Ông.

Để đảm bảo an toàn trong thời gian diễn ra lễ hội, Ban Tổ chức kiểm soát chặt số lượng tàu thuyền tham dự. Đồng thời, qui định mỗi tàu chở không quá 20 người, trang bị đủ dụng cụ nổi, giữ khoảng cách giữa mỗi tàu trong quá trình di chuyển là từ 30 - 40m.

Năm 2010, ngư dân Thị trấn Gành Hào đã phát hiện và đưa vào bờ một “Ông Nhám” dài 9,7m, nặng khoảng 13 tấn, đã được Viện Hải dương học Nha Trang ướp hóa chất bảo quản, xử lý xác lấy da nhồi bông. Hiện, xác Cá Ông được đặt trang trọng tại Lăng Ông Nam Hải để phục vụ ngư dân, du khách hành hương, chiêm bái.

Ban tổ chức thả 4,7 triệu con tôm giống để tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Đặng Văn Chứa - Trưởng Ban Trị sự Lăng Ông Nam Hải cho hay, Ban Trị sự đã có sự chuẩn bị chu đáo tổ chức Lễ hội Nghinh Ông ở tất cả các khâu như: Bố trí tàu thuyền và xe rước Ông, lựa chọn các thành viên tham dự lễ hội, đội ngũ tình nguyện viên... đảm bảo đúng phong tục, an toàn, tiết kiệm.

Nguyên Du

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tung-bung-le-hoi-nghinh-ong-dong-hai-10277906.html