Từng bước đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông đô thị

Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020” đã được triển khai quyết liệt, có hiệu quả ngay từ năm đầu tiên thực hiện. Trong đó nổi bật là việc thi công các công trình giao thông, có vai trò quan trọng cải thiện điều kiện hạ tầng, giảm những bức xúc về đi lại của người dân Thủ đô.

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, công tác lập quy hoạch, xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện Chương trình số 06 của Thành ủy về phát triển hạ tầng đô thị được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ngay trong năm 2016 - năm đầu tiên của kế hoạch, thành phố đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung giao thông được đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Công tác vận tải hành khách công cộng được quan tâm đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đẩy mạnh.

Thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng và UBND các địa phương tích cực phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án do Bộ Giao thông vận tải đầu tư trên địa bàn, gồm các dự án: Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 mới; đường vành đai 3 trên cao (đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long); cầu Việt Trì - Ba Vì nối quốc lộ 32 với quốc lộ 32C; tuyến đường vành đai 4 (đoạn nối từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng). Bên cạnh đó, thành phố còn đề nghị đầu tư bổ sung một số hạng mục phụ trợ để phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến vành đai 3 (đoạn từ cầu Thanh Trì đến Mai Dịch), gồm: các hầm chui giữa đường Lê Văn Lương và đường vành đai 3; xây dựng nối thông đoạn tuyến vành đai 3 dưới thấp qua hồ Linh Đàm bằng cầu và bổ sung nhánh kết nối từ đường vành đai 3 trên cao với đường dưới thấp tại khu vực này. Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ban Quản lý dự án (Bộ Giao thông vận tải) tổ chức phân luồng, ổn định trật tự, an toàn giao thông và tạo điều kiện thi công, hoàn thiện dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong năm nay.

Về phía thành phố, trong năm 2016, dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc giải tỏa ùn tắc giao thông; đồng thời là công trình kiểu mẫu, được đánh giá cao về chất lượng, tiến độ là tuyến đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ Tôn Thất Tùng đến sông Lừ). Tuyến đường được mở rộng gấp ba lần, kết hợp chỉnh trang đô thị và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo nên bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại, không chỉ tăng cường năng lực giao thông, giải tỏa ùn tắc, mà còn cải thiện chất lượng sống của người dân ở khu vực, được người dân rất ủng hộ. Các dự án, công trình cầu vượt Ô Đông Mác- Nguyễn Khoái, đường vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy), tuyến buýt nhanh BRT (Kim Mã - Yên Nghĩa) và cải tạo, xây dựng lại 12 cầu yếu, quan trọng trên địa bàn các quận, huyện cũng đã được hoàn thành, đưa vào khai thác. Thành phố đã hoàn thành hai công trình cấp bách, chống ùn tắc giao thông: cầu vượt nút giao Cổ Linh và cầu vượt nút giao Trần Khát Chân - Lò Đúc.

Bên cạnh những dự án được triển khai cấp bách, thành phố tiếp tục đôn đốc đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, nhằm sớm hoàn thành đưa vào khai thác, vừa để tăng cường năng lực giao thông, vừa giải tỏa những khó khăn ảnh hưởng tới việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Đó là các công trình tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; tuyến đường vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; đường vành đai 2,5 - đoạn từ Đầm Hồng đến quốc lộ 1A; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn qua thị trấn Chúc Sơn; đường trục phát triển phía nam tỉnh Hà Tây cũ; tuyến đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (huyện Thanh Trì)…Thành phố cũng đã ký hợp đồng BT dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở; đồng thời thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án này, có bổ sung dự án vành đai 2 dưới thấp.

Thành phố còn rất quan tâm tới giao thông tĩnh, bởi chỗ đỗ xe, nơi trông giữ phương tiện cho người dân cũng “nóng” không kém. Thành phố đã hướng dẫn các nhà đầu tư tổ chức triển khai nghiên cứu thực hiện năm bãi đỗ xe ngầm tại khu vực số 295 phố Lê Duẩn (quận Đống Đa); Công viên Thống Nhất; Công viên Tuổi Trẻ; Quảng trường 19-8 và Sân vận động Quần Ngựa. Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, thành phố yêu cầu các quận, huyện rà soát toàn bộ hoạt động trông giữ xe trên địa bàn, nhằm kiên quyết chấn chỉnh và xử lý nghiêm những điểm sai phép, trái phép, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Thành phố cũng yêu cầu các địa phương thông qua đó, không chỉ thắt chặt công tác quản lý, mà còn nắm bắt nhu cầu của người dân và đề xuất phương án sắp xếp các điểm đỗ xe hợp lý. Trong tháng 5, thành phố giao Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội triển khai thí điểm mô hình trông giữ xe qua ứng dụng trên điện thoại di động thông minh (IPARKING) tại hai tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm).

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng khối lượng công việc phải thực hiện trong những năm tiếp theo vẫn còn khá lớn. Mong rằng thành phố tiếp tục chỉ đạo sát sao, các sở, ngành, địa phương nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án nhằm hoàn thành tốt kế hoạch đã đặt ra, sớm hoàn thiện, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/quy-hoach-dau-tu/item/32695802-tung-buoc-dong-bo-ket-cau-ha-tang-giao-thong-do-thi.html