Tuổi già vất vả

Đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng các cụ vẫn tự bươn chải tìm lấy miếng cơm manh áo và chăm lo con bệnh tật

Bà Lìn, 79 tuổi, sống trong mái nhà “tam đại đồng đường” tại phường 9, quận 3 - TPHCM cùng người chị và các con cháu. Đó là căn nhà chung của chị em bà Lìn, con cháu hùn tiền sửa lại để sống đỡ chật chội.

Lụm cụm bươn chải

Hồi bà Lìn còn trẻ, do chồng chết sớm, một nách 2 con nhỏ, lại không nghề nghiệp nên hằng ngày, từ tờ mờ sáng, bà đã lục đục dậy nấu hàng ăn để bán, hôm thì hủ tíu, bữa thì bún bò… Mấy năm gần đây, bà hay bệnh và yếu sức hẳn, không thể đứng bán hàng ăn nữa. Bà chuyển sang nghề bán vé số dạo, nhường chỗ bán lại cho con gái. Bà thường đi từ quận 3 vào Chợ Lớn rồi đi bộ trở về mong bán được hết xấp vé số. Họa hoằn lắm, khi thấy mệt quá, bà mới đi xe buýt lượt về.

Bà Lương Thị Hoa bên xe thu mua ve chai

Khi xuống trạm trên đường Kỳ Đồng, nếu gặp người quen, bà xin quá giang xe, nếu không thì tiếp tục lầm lũi về nhà. Không muốn làm phiền và trở thành gánh nặng cho con cháu, bà tự lo mọi chuyện, ngay cả ăn sáng ở hàng của con gái bà vẫn trả tiền. Bà Lìn tâm sự: “Mình không có tài sản tiền bạc để lại cho con. Đứa nào cũng nghèo, nặng gánh chồng con, giờ phải lo cho mình nữa, làm sao tụi nó xoay nổi”.

Cùng cảnh ngộ với bà Lìn, ngày ngày, bà Lương Thị Hoa (sống tại một hẻm nhỏ ở quận 3) vẫn đẩy chiếc xe thu gom ve chai dọc theo đường Trần Văn Đang. Chồng chết sớm, không con cái nên dù đã 75 tuổi, mình mẩy đau nhức phải đắp đỡ lá thuốc, bà vẫn tự lo miếng ăn. Sáng sáng, bà dậy sớm nấu cơm ăn rồi mang theo đi thu mua ve chai. Bà thành thật: “Nhiều người thương tôi già nên cho không những gì họ không xài, nhờ vậy tuy không đi được xa nhưng tôi cũng đủ sống”.

Bà Hoa sống hiu quạnh trong căn nhà 15 m2. Khi hỏi sao bà không tìm ai sống chung hoặc cho người thuê ở chung để phòng khi hữu sự, bệnh hoạn…, bà cười bảo: “Hàng xóm ở đây tốt lắm, thường xuyên qua lại thăm hỏi. Tôi không dám cho thuê nhà, không có nhiều chữ nghĩa, lỡ gặp kẻ tham sang đoạt nhà thì khổ. Có mấy bà nghèo khổ, mua bán ve chai, không biết chữ như tôi bị người ta lừa chiếm nhà rồi…”.

Khổ cực cả đời

Dường như hạnh phúc hơn hai bà cụ kể trên, bà Nguyễn Thị Hoa, 76 tuổi, ở trong hẻm 79 đường Trần Văn Đang, quận 3 sống trong một “tổ ấm” có bốn thế hệ, có 2 cháu cố. Bà có 2 con gái và một con trai. Con gái và con trai lớn có gia đình riêng nhưng nghèo khó phải về tá túc với bà. Người con gái út nay đã 40 tuổi, có tên là bé Xù, nhưng không biết tự chăm sóc, khờ khạo, chỉ ú ớ khi có ai hỏi tới. Mỗi ngày, khi trời vừa tờ mờ sáng, bà đi lãnh bánh mì, bánh bông lan để bán dạo. Đến trưa, bà về nhà lo cơm nước cho con gái, từ đút ăn, tắm rửa, giặt giũ… Khi mọi việc xong xuôi, bà không nghỉ ngơi mà tranh thủ đi thu gom ve chai…

Bà Nguyễn Thị Hoa và bé Xù

Ba năm nay, bà Hoa bị rối loạn tiền đình, thường xuyên nhức đầu, lại thêm nhiều cơn ho kéo dài mệt rũ người. Bà không lo cho mình, chỉ sợ khi bà mất đi không ai chăm sóc con gái khù khờ. Bà tâm sự: “Con mình rứt ruột đẻ ra, mình phải lo. Lúc nó còn nhỏ, tôi còn khỏe, có thể chăm lo được nên không nỡ gửi vào viện mồ côi. Giờ tuổi nó đã quá lớn, không nhà mở hay cô nhi viện nào nhận!”.

Lớn tuổi, cực khổ nhiều, lại phải chăm con bệnh, bà nói năng lẫn lộn, vậy mà với bé Xù, bà vẫn nhỏ nhẹ và rất âu yếm. Bé Xù chỉ biết ngồi cười. Bà kể, mỗi khi chị thừ người ra là “có vấn đề”, phải đưa ngay vào toa lét. Khi rửa ráy sạch sẽ đâu đó, bà dìu con gái có thân hình lớn gấp đôi mình ra khỏi toa lét. Nhìn bà chăm sóc bé Xù, ai cũng hiểu chỉ khi nhắm mắt xuôi tay, gánh nặng trên vai bà cụ này mới dứt!

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20111116100032732p0c1030/tuoi-gia-vat-va.htm