Tuổi thọ trung bình của người Mỹ giảm mạnh nhất kể từ Thế chiến II

Theo báo cáo của các quan chức y tế, tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ đã giảm một năm trong nửa đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 gây ra làn sóng tử vong đầu tiên.

Theo báo cáo sơ bộ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 17/2, các cộng đồng thiểu số chịu ảnh hưởng lớn nhất. Trong đó, người gốc Phi giảm trung bình gần ba năm tuổi thọ và người gốc Tây Ban Nha giảm gần hai năm, AP cho hay.

"Đây là sự sụt giảm lớn", Robert Anderson, người theo dõi thống kê này tại CDC, cho biết. "Bạn phải quay trở lại Thế chiến thứ hai, những năm 1940, mới thấy sự sụt giảm như thế này".

 Nhân viên vận chuyển quan tài tại một nhà tang lễ ở New York hồi tháng 3/2020. Ảnh: AP.

Nhân viên vận chuyển quan tài tại một nhà tang lễ ở New York hồi tháng 3/2020. Ảnh: AP.

Các chuyên gia y tế khác nói sự sụt giảm tuổi thọ trung bình cho thấy tác động sâu sắc của Covid-19, không chỉ đối với các ca tử vong trực tiếp do nhiễm virus corona, mà còn do bệnh tim, ung thư và các căn bệnh khác.

"Điều thực sự đáng chú ý về những con số này là chúng chỉ phản ánh nửa đầu năm… Tôi cho rằng những con số này sẽ chỉ càng tệ hơn", Kirsten Bibbins-Domingo, nhà nghiên cứu về bình đẳng y tế tại Đại học California, San Francisco, nói.

Đây là lần đầu tiên CDC đưa ra báo cáo về tuổi thọ dựa trên thống kê chưa hoàn chỉnh, nhiều cái chết trong nửa đầu năm 2020 có thể chưa có giấy chứng tử. Năm 2020 là năm có nhiều người chết nhất trong lịch sử Mỹ, lần đầu tiên lên đến 3 triệu người.

Tuổi thọ trung bình là số năm trên đời mà một đứa trẻ sinh ra ngày nay ước tính có thể sống được. Trong nửa đầu năm ngoái, con số này là 77,8 đối với người Mỹ nói chung, giảm một năm so với mức 78,8 năm 2019. Đối với nam giới là 75,1 tuổi và đối với nữ giới là 80,5 tuổi.

Xét theo nhóm sắc tộc, người gốc Tây Ban Nha ở Mỹ có tuổi thọ cao nhất và hiện tại vẫn vậy. Người gốc Phi hiện thua người da trắng 6 năm tuổi thọ, đảo ngược xu hướng đã đưa tuổi thọ trung bình ở hai nhóm này xích lại gần nhau kể từ năm 1993.

Từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2020, tuổi thọ của người gốc Phi giảm 2,7 năm xuống còn 72. Tuổi thọ của người gốc Tây Ban Nha giảm 1,9 năm, xuống còn 79,9 và 0,8 năm ở người da trắng, xuống còn 78. Báo cáo sơ bộ không phân tích xu hướng ở người châu Á hoặc người Mỹ bản địa.

Các cộng đồng người gốc Phi và gốc Tây Ban Nha tại Mỹ nhiều khả năng làm việc ở tuyến đầu chống dịch, công việc lương thấp và sống trong môi trường đông đúc, nơi virus dễ lây lan hơn, theo các nhà nghiên cứu.

Đông Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuoi-tho-trung-binh-cua-nguoi-my-giam-manh-nhat-ke-tu-the-chien-ii-post1184915.html