Tướng Nguyễn Sỹ Hội: 'Các cuộc chiến tranh lớn chống giặc đều có hướng tấn công từ biển'

"Nếu các khu vực trọng yếu quốc phòng, an ninh đều triển khai khu kinh tế, công nghiệp hay bến cảng, vịnh được liên doanh, tư nhân hóa sẽ gây khó khăn trong việc bảo vệ tổ quốc", tướng Hội nêu.

Tướng Nguyễn Sỹ Hội: "Các cuộc chiến tranh lớn chống giặc đều có hướng tấn công từ biển"

Nêu ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch tại Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội (Phó Tư lệnh Quân khu 4, Nghệ An) cho hay, trong dự thảo luật nêu rõ, quy hoạch tổng thể quốc gia gồm: quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia.

Trong giải trình, định hướng của Ủy ban TVQH nêu rõ, không gian biển là không gian mở, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là an ninh, quốc phòng.

Nhưng quy hoạch về lĩnh vực quốc phòng an ninh chưa cụ thể, thỏa đáng. Cùng với đó, trong vấn đề quy định nhiệm vụ, quyền hạn các Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa thấy cơ quan nào chịu trách nhiệm quy hoạch không gian biển.

"Chỉ mới có quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia do Bộ GTVT lập và 2 quy hoạch do Bộ Quốc phòng lập là đất quốc phòng cùng các công trình quốc phòng, kho tàng.

Như vậy quy hoạch không gian biển, trong đó có nội dung phục vụ cho lĩnh vực an ninh - quốc phòng còn bỏ ngỏ", tướng Hội nêu.

Theo tướng Hội, với dân tộc Việt Nam chúng ta "các cuộc chiến tranh lớn chống giặc ngoại xâm đều có tình huống tấn công từ biển" và từ đầu thế kỷ thứ 10, thời Ngô Quyền cho đến kháng chiến chống Pháp, Mỹ đều có tình huống này.

"Hiện nay, trong điều kiện khoa học - kỹ thuật phát triển, phương tiện quân sự, vũ khí tác chiến trên biển ngày càng hiện đại, đa dạng.

Do vây, từ thời bình, nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ bờ biển ở các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh phải được chuẩn bị căn cơ và chu đáo mà công tác quy hoạch không gian biển theo tôi là nhiệm vụ trọng tâm", ông Hội nhấn mạnh.

Phó Tư lệnh quân khu 4 cũng chỉ rõ, hiện nay, các đơn vị quân đội chúng ta thực hiện diễn tập khu vực phòng thủ có "sử dụng vũ khí hạng nặng, bắn đạn thật trên biển hoặc tập kết các phương tiện, tàu thuyền để triển khai nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo còn gặp khó khăn cả về độ an toàn, yếu tố bí mật, lực lượng, phương tiện".

Tuy rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền các địa phương tạo điều kiện nhưng chủ yếu là hiệp thương, thương lượng, đền bù theo ông như vậy chưa công bằng.

Từ đó, ông đề nghị tại dự luật này nên có một điều hoặc khoản trong quy hoạch không gian biển có nội dung kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng an ninh.

Đồng thời, cần một khoản về cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì quy hoạch không gian biển. Cấu trúc dung lượng như thế nào thì cơ quan soạn thảo nghiên cứu.

"Đất nước chúng ta đang mở cửa, hội nhập sâu rộng, việc khai thác nguồn lực, tài nguyên giữa đất liền và biển là tất yếu, cần thiết.

Nhưng nếu hiện nay, công tác quy hoạch tổng thể quốc gia không được chuẩn bị chu đáo, tính toán căn cơ.

Nếu những khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh đều triển khai khu kinh tế, khu công nghiệp, các nhà máy hoặc các bến cảng, vùng vịnh đều được liên doanh, liên kết, tư nhân hóa thì chúng ta và con cháu sẽ gặp khó khăn trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, nhất là chiến lược phòng thủ đất nước từ hướng biển", ông nhấn mạnh.

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/tuong-nguyen-sy-hoi-cac-cuoc-chien-tranh-lon-chong-giac-deu-co-huong-tan-cong-tu-bien-20170526101318383.htm