Tùy từng người mà mứt Tết để vừa ngon, vừa lợi cho sức khỏe

Xét về giá trị dinh dưỡng thì mứt Tết không phải tốt cho tất cả mọi người. Vì vậy tùy từng đối tượng, cần thưởng thức món này sao cho lượng hợp lý.

Mứt là món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình vào những ngày tết. Tuy nhiên hiện nay nhiều cơ sở làm mứt chạy theo lợi nhuận, bỏ qua các quy trình nghiêm ngặt chế biến, họ cẩu thả từ khâu chọn nguyên liệu đến các bước chế biến: làm nhanh, làm ẩu, vô tư ngâm tẩm hóa chất, mất vệ sinh mà không quan tâm đến sức khỏe người dùng… Đấy là tất cả những lý do người dân “sợ” mua mứt Tết.

Hiện nay, nhiều bà nội trợ đã tự tay làm mứt, giải pháp đó vừa giúp duy trì hương vị ngày Tết, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho cả gia đình.

Xét về giá trị dinh dưỡng thì mứt Tết không phải tốt cho tất cả mọi người. Vì vậy tùy từng đối tượng nên thưởng thức món mứt Tết sao cho lượng hợp lý. Dưới đây là một số lời khuyên cần thiết để sử mứt an toàn trong dịp Tết:

Ảnh Internet.

Không ăn quá nhiều

Chỉ nên ăn mứt như một loại gia vị cho cuộc sống, nghĩa là ăn rất ít để hương vị Tết thêm ngọt ngào. Bên cạnh đó, nên thay thế bằng cách ăn các loại trái cây tươi trong những ngày Tết như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, hồng, dâu, táo… Hoặc thay thế mứt tết bằng các loại hạt ngũ cốc hoặc hạt bí, đậu phộng, hạt điều, đậu hòa lan, riêng với hạt dưa thì chú ý vì nếu được nhuộm bằng phẩm màu không tốt cũng có hại cho sức khỏe.

Không ăn khi bị tiểu đường

Người đái tháo đường cần tránh ăn mứt, nếu rất thèm thì có thể ăn chút ít nhưng ăn sau bữa chính và phải bớt chất bột đường trong bữa chính.

Không tốt với người cao tuổi

Với người trung niên và cao tuổi, ăn nhiều thực phẩm giàu cholesterol dễ có nguy cơ bệnh tim mạch, người đã có bệnh thì tăng nguy cơ tai biến. Để hạn chế hấp thu cholesterol từ món ăn này, cần ăn kèm nhiều rau. Chất xơ từ rau sẽ giúp hạn chế hấp thu chất béo, cholesterol và tăng đào thải ra ngoài.

Không tốt với mang thai

Mứt tuy được làm từ trái cây hoặc củ nhưng đã mất hết vitamin và thành phần chủ yếu của mứt chỉ là đường ngọt, không hoàn toàn có lợi cho thai phụ. Do vậy, phụ nữ mang thai cần chọn lựa thực phẩm có dinh dưỡng cân đối, giàu vitamin và khoáng chất hơn là chỉ giàu năng lượng.

Công dụng tuyệt vời của mứt Tết

Mứt gừng: Làm ấm người, kích thích tiêu hóa, giải độc, chống nôn mửa, bụng đầy trướng, đau bụng do ăn uống không điều độ; dùng phòng bệnh viêm đường hô hấp (viêm họng, ho mất tiếng)…

Mứt quất: Tiêu đờm, chống nôn mửa, giải độc rượu, thuốc lá, chữa ho do phong hàn, các bệnh đường tiêu hóa…

Mứt sen: Giúp an thần, giảm stress do mất ngủ hoặc do sử dụng nhiều các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia,…

Mứt hồng: Giúp chữa suy nhược cơ thể, giúp chữa ho và bệnh đi tiểu đêm.

Mứt dừa: Giúp nhuận tràng, chống táo bón trong những ngày Tết do ăn nhiều chất đạm.

Mứt bí xanh: Giúp lợi tiểu, giải nhiệt, giải khát, tiêu độc.

Mứt cà chua, cà rốt: Giúp giải nhiệt, giải khát và tăng lực và ngăn ngừa ung thư.

MH (Th)/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/tuy-tung-nguoi-ma-mut-tet-de-vua-ngon-vua-loi-cho-suc-khoe-20160122163012107.htm