Tuyển Anh có chiến thắng đầu tiên: Để biết mình là ai…

(TT&VH) - Trong cái ngày mà người Pháp đánh bại Ukraina bằng một thứ bóng đá đầy cảm hứng, tuyển Anh cũng đã có được điều họ cần. Tuy nhiên, nếu như Roy Hodgson nói rằng ông “hoàn toàn hài lòng” với màn trình diễn của Tam sư, thì điều này cần xem lại. Gạt bỏ chuyện tỷ số, những gì người Anh thể hiện trước Thụy Điển vẫn tạo cảm giác mất an toàn và bất an. Câu hỏi cũ: Thực ra Anh nên chơi phòng ngự hay không, khi sự thật họ đang sở hữu những ngôi sao tấn công ra trò?

Có vẻ hơi khó hiểu khi tuyển Anh đã phòng thủ rất chắc chắn trước một đội Pháp tấn công đa dạng, nhưng lại rối trí và dễ bị loạn nhịp trước cách chơi đơn giản của Thụy Điển. Thực tế, từ trước khi đội bóng Bắc Âu có bàn thắng thứ 2, người ta đã thấy một đội Anh có vấn đề ở khả năng kiểm soát bóng cũng như phòng thủ chủ động – nếu đó là điều họ đã chọn. Rồi tới khi Mellberg đánh đầu hạ gục Joe Hart, tất cả đã phơi bày. Tuyển Anh không chỉ không cầm được bóng, mà còn để lộ ra những điểm yếu kinh khủng giữa hàng thủ và các tiền vệ trụ. Rất may cho họ khi Ibrahimovic đã có một trận đấu hơi ích kỷ và thiếu bùng nổ. Nếu không, ở hiệp 2, trong bối cảnh Tam sư gần như bị gẫy xương sống và phòng thủ theo kiểu bản năng cá nhân, bàn thua có thể tới bất cứ lúc nào.

Tuyển Anh của Hodgson vẫn còn nhiều việc phải làm - Ảnh Getty

Lần đầu tiên kể từ EURO 2004, ở một giải đấu lớn, Anh đã ghi được 3 bàn/trận. Phong cách ưa thích phòng thủ của Hodgson cho tới lúc này vẫn phát huy hiệu quả. Nhưng ở Kiev, Thụy Điển đã chỉ ra một điều: Anh không thể (hoặc chưa thể) chơi bê tông theo kiểu người Ý được! Thật đáng thất vọng khi các tiền vệ đánh chặn của xứ sương mù đều chơi theo kiểu băm bổ và mất bình tĩnh khi gặp chất kỹ thuật hoặc phải đối phó với tốc độ di chuyển ở cự ly trung bình. Ở khía cạnh này, cũng thật khó mà trách nhạc trưởng Gerrard, anh hầu như chẳng tìm được tiếng nói chung với bất kỳ ai trong vai trò chốt chặn giữa sân. Đường chuyền tuyệt vời cho Carroll mở tỷ số chính là khoảnh khắc lóe sáng nhất của đội trưởng tuyển Anh trong trận này. Nhưng cũng đừng quên, Hodgson đã hy vọng điều gì nhất ở Gerrard, khi bố trí anh đá thấp theo trục ngang trước hàng phòng ngự.

Rốt cuộc, Anh đã có một trận thắng rất quan trọng, một kết quả được kết tinh từ lòng kiên trì, kinh nghiệm, và cả vận may nữa. Có điều, nếu Hodgson muốn có một đội bóng biết chiến đấu và chiến thắng theo kiểu Chelsea, có vẻ những gì ông có là chưa đủ. Một chiến thuật chưa bao giờ lỗi thời: Không để thủng lưới, anh sẽ không thua. Còn nếu muốn đánh bạc với sự mong manh và thiếu cá tính của hàng thủ, hãy là những người tấn công siêu phàm.

* Dấu hỏi ở hàng tiền vệ

Ở hiệp 1 trước Thụy Điển, sơ đồ 4-4-1-1 của Hodgson đã phát huy hiệu quả và sự nguy hiểm ở hàng loạt đường tạt bóng từ 2 biên. Nhưng sau đó thì sao? Khi đối thủ bắt đầu khép kín các khoảng trống, tập trung đá trung lộ để đánh vỗ mặt, tuyển Anh lập tức gặp khó khăn. Gerrard và Parker đã có một ngày làm việc mệt nhoài nhưng thiếu ấn tượng. Milner đá khá đuối và bị thay ra. Young đói bóng và Welbeck đột nhiên bị cô lập khi các hậu vệ biên không còn dám vượt qua vạch giữa sân. Sự thật, trước các tiền vệ không phải là quá to cao tới từ Bắc Âu, các tiền vệ Anh đã luôn thua trong tranh chấp tay đôi. Còn nếu họ thắng, thảm họa từ những đường chuyền hỏng lại lập tức xuất hiện. Đó là những con người mà Hodgson đã lựa chọn cho phong cách phòng thủ? Ồ không, trước khi muốn tạo thành một lá chắn an toàn, họ phải biết tìm thấy nhau đã.

Thật tiếc khi trong những lúc mất phương hướng, Anh không có một thủ lĩnh theo kiểu Lampard. Sức mạnh của Gerrard là đáng nể, nhưng không có nghĩa là anh có thể dùng nó để cầm trịch trận đấu. Rõ ràng, đó đang là điều Tam sư còn thiếu, đặc biệt khi họ phải đối mặt với sức ép công thành từ những đối thủ mạnh hơn, hoặc đơn giản chỉ là những gã liều không còn gì để mất.

Khi Rooney trở lại, những lo lắng ở tuyến giữa rất có thể sẽ được giải quyết, nếu Hodgson làm giống như Capello. Rất đơn giản, đó chính là việc dùng ngôi sao M.U như một quả đấm phía sau tiền đạo cắm. Đó cũng chính là cách mà Thụy Điển sử dụng Ibra trước tuyển Ạnh, một nước đi khó lường và đủ sức tác động lên thế trận. Giải quyết được vần đề độ nhuyễn của hàng tiền vệ, những lựa chọn giữa tấn công và phòng thủ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều đối với người Anh.

Chiến thuật chỉ mang tính thời điểm, còn thực lực mới là điều cốt yếu để tạo ra khác biệt. Muốn tiến xa, tuyển Anh sẽ phải nhớ nguyên tắc này.

Yến Thanh

Lần đầu tiên, Anh thắng Thụy Điển ở giải chính thức

Sau 7 lần chỉ biết hòa và thua, tuyển Anh đã có chiến thắng đầu tiên trước Thụy Điển ở một trận đấu chính thức.

Giải đấu/ Trận/ Kết quả

Vòng loại WC 1990: Anh - Thụy Điển 0-0

Vòng loại WC 1990: Thụy Điển - Anh 0-0

Vòng bảng EURO 1992: Thụy Điển-Anh 2-1

Vòng loại EURO 2000: Thụy Điển-Anh 2-1

Vòng loại EURO 2000: Anh-Thụy Điển 0-0

Vòng bảng WC 2002: Anh-Thụy Điển 1-1

Vòng bảng WC 2006: Anh-Thụy Điển 2-2

Vòng bảng EURO 2012: Thụy Điển-Anh 2-3

Nguồn TT&VH: http://euro.thethaovanhoa.vn/539n20120617063931356t530/tuyen-anh-co-chien-thang-dau-tien-de-biet-minh-la-ai.htm