Tuyên bố chủ tịch ASEAN tiếp tục tránh né chỉ trích Trung Quốc

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28–29 tại Vientiane (Lào) đã đưa ra tuyên bố chủ tịch ngày 7.9. Tuyên bố chủ tịch không trực tiếp chỉ trích Trung Quốc cũng như không nhắc tới phán quyết của Tòa Trọng tài The Hague.

Tuyên bố chủ tịch của hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 tại Lào thể hiện mối quan ngại sâu sắc trước những diễn biến tại Biển Đông. Tuyên bố kêu gọi các bên có liên quan tôn trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhưng lại không nêu trực tiếp vai trò của Trung Quốc góp phần làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.

Báo New York Times (Mỹ) đánh giá tuyên bố chủ tịch của hội nghị cấp cao ASEAN lần này cho thấy 10 nước thành viên ASEAN không thể tìm được tiếng nói chung để lên án các hành động ngày càng hung hăng cũng như hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã xây dựng 7 đảo nhân tạo trên Biển Đông. Trên một số đảo nhân tạo, Trung Quốc thậm chí còn xây dựng đường băng dành cho máy bay chiến đấu.

Trong tuyên bố chủ tịch, hội nghị cấp cao ASEAN ghi nhận mối lo ngại của "một số nhà lãnh đạo” trước hành động xây lấn biển và tình hình leo thang hoạt động tranh chấp chủ quyền trong khu vực Biển Đông, dẫn đến mất lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm ảnh hưởng xấu đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Tuyên bố chủ tịch sử dụng cụm từ “một số nhà lãnh đạo” cho thấy rõ vấn đề cốt lõi đang gây khó khăn cho nỗ lực của ASEAN trong hành động đối phó với thái độ bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông. Như vậy trong nội bộ ASEAN, không phải tất cả các nước thành viên đều đồng lòng chống lại hoạt động hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.

Trong vài năm qua, vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là đề tài trọng tâm tại các hội nghị cấp cao của ASEAN. Vào ngày 12.7.2016, Tòa Trọng tài The Hague (Hà Lan) đã đưa ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, ASEAN lại không thể đưa phán quyết này vào tuyên bố chủ tịch trong hội nghị cấp cao lần này cũng như đưa vào tuyên bố chung hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 hồi cuối tháng 7.

Trong khi đó, ngày 7.9, tại hội nghị cấp cao ASEAN, Philippines đã công bố chùm ảnh được cho là chụp được cảnh cảnh sát biển Trung Quốc đưa tàu thuyền đến khu vực bãi cạn Scarborough, nơi đang xảy ra tranh chấp quyết liệt giữa Trung Quốc và Philippines.

Báo New York Times đánh giá đây là nỗ lực của Manila nhằm kêu gọi sự chú ý của dư luận trước hội nghị ASEAN - Trung Quốc (tổ chức cùng ngày 7.9 tại Vientiane) với sự tham gia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Ảnh do Tổng thống Duterte công bố chụp cảnh tàu cảnh sát biển Trung Quốc xuất hiện tại khu vực bãi cạn Scarborough - Ảnh: AP

Philippines đang lo ngại Trung Quốc sẽ biến bãi cạn Scarborough thành đảo nhân tạo. Quân đội Mỹ cũng thể hiện quan ngại về khả năng Trung Quốc có thể xây đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough. Hành động này sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng kiểm soát tại Biển Đông.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lại cho rằng Bắc Kinh vẫn chưa có ý định xây dựng công trình nào tại bãi cạn này.

Bà Hoa Xuân Oánh nói: “Tình hình xung quanh khu vực đảo Hoàng Nham (tên Trung Quốc gọi bãi cạn Scarborough) vẫn chưa có gì thay đổi và Trung Quốc vẫn chưa thực hiện kế hoạch nào mới tại đây. Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta phải cảnh giác đề phòng ý định phá hoại của những kẻ phao tin đồn không có cơ sở như thế này”.

Báo New York Times cho rằng cách tiếp cận vấn đề tranh chấp với Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được đánh giá là mềm mỏng hơn so với người tiền nhiệm Benigno Aquino, người đã đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực. Ông Duterte đã tuyên bố sẽ tránh dùng những biện pháp cứng rắn có thể làm phật lòng Bắc Kinh trong khi giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Tại hội nghị ASEAN lần này, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã gửi lời mời lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN đến Úc tham dự hội nghị đặc biệt Úc - ASEAN. Hội nghị nhằm mục đích giúp giải quyết các vấn đề trong khu vực, trong đó có vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.

Hãng tinABCNews (Úc) nhận định động thái này cho thấy Canberra đang có ý định tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết tình hình tranh chấp để thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ chiến lược trong khu vực.

Huỳnh Hy

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/tuyen-bo-chu-tich-asean-tiep-tuc-tranh-ne-chi-trich-trung-quoc-42353.html