TP.HCM sắp đưa tuyến buýt sông vào vận hành

Tại buổi báo cáo về dự án tuyến buýt đường sông với UBND TP.HCM diễn ra chiều 22.3, ông Phan Công Bằng - Trưởng phòng Quản lý vận tải thủy (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết dự án tuyến buýt sông đã được TP phê duyệt.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng chủ đầu tư xem mô hình tuyến buýt đường sông - Ảnh: P.D

Do đó, ông Phan Công Bằng - Trưởng phòng Quản lý vận tải thủy khẳng định dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ và hiện tại, các đơn vị đã bàn giao sơ bộ mặt bằng cho nhà đầu tư xây dựng bến bãi. Tuyến số 1 dự kiến được đưa vào khai thác trong năm 2017, tuyến số 2 có thể đến năm 2018.

Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật - chủ đầu tư dự án nói rằng ngày 12.4 sẽ chính thức khởi công xây cầu bến và đến gần cuối tháng 6.2017 sẽ đưa hai tuyến buýt sông số 1 vào khai thác.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hai tuyến buýt sông được thực hiện trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ. Tuyết buýt có tổng chiều dài hơn 21km, chạy từ quận Thủ Đức đến quận 8.

Cụ thể, tuyến số 1 từ Bạch Đằng (quận 1) đến Linh Đông (quận Thủ Đức) có chiều dài khoảng 10,8 km với 7 trạm dừng thuộc các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức.

Tuyến buýt bắt đầu từ bến đò Bình Quới (thuộc phường Linh Đông, quận Thủ Đức cách giao lộ Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân khoảng 1km) đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa (phía phường 28, quận Bình Thạnh) và đổ ra sông Sài Gòn để dừng ở khu vực bến Bạch Đằng (đang được chỉnh trang).

Tuyến số 2 đi từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến Lò Gốm (quận 8) dài 10,3 km. Tuyến buýt bắt đầu từ bến Bạch Đằng, theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm (quận 8).

Cả hai tuyến này sẽ có buýt chạy trên sông theo hai chiều xuôi ngược. Khu bến trung tâm rộng khoảng 3 ha sẽ được xây dựng tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). Trên các tuyến sẽ có 2 bến ở đầu, cuối tuyến và 6 bến đón, trả khách dọc tuyến.

Thời gian khai thác, vận hành 2 tuyến này là 50 năm và nhà đầu tư đảm bảo chi phí đầu tư thực tế không thấp hơn tổng mức đầu tư đã duyệt. Sau khi kết thúc thời gian khai thác vận hành, nếu nhà đầu tư không được UBND TP tiếp tục giao khai thác vận hành thì bàn giao mặt bằng và các công trình xây dựng cơ bản cho thành phố.

Việc đầu tư và khai thác vận hành 2 tuyến xe buýt sông sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BOO) - đây là một loại hình đầu tư mới, thành phố chưa có điều kiện đánh giá mọi khía cạnh kỹ thuật và tài chính dự án.

Theo nội dung đã thống nhất, trong 2 năm đầu, giá vé đi tuyết buýt đường sông là 15.000 đồng/người/lượt và sau đó điều chỉnh dựa vào tình hình thị trường.

Sở Giao thông vận tải cho rằng ngoài việc giảm áp lực cho giao thông đường bộ, buýt đường sông còn giúp phát triển du lịch sông ngòi, tạo mỹ quan đô thị cho TP.HCM.

Ngoài ra, thời gian di chuyển của loại hình vận tải này tương đối chính xác, chạy đúng lộ trình nên sẽ thu hút người dân. Một điều thuận lợi là luồng tuyến ổn định, bến bãi đã có kế hoạch tạo khả năng tiếp cận, kết nối tốt với giao thông bộ.

Trước đó, năm 2010, UBND TP.HCM đã thông qua đề xuất của Công ty TNHH Thường Nhật mở thí điểm 2 tuyến vận tải hành khách công cộng trên sông Sài Gòn và giao các đơn vị nghiên cứu, thực hiện dự án.

Tuy nhiên, đến năm 2012, Công ty TNHH Thường Nhật xin tạm dừng dự án. Đến tháng 7.2015, dự án một lần nữa được các đơn vị đề xuất và UBND TP thông qua, tiếp tục giao các đơn vị nghiên cứu, trong đó có đánh giá về việc tận dụng lợi thế sông, rạch chằng chịt của TP.

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tuyen-buyt-duong-song-tai-tphcm-sap-van-hanh-59276.html