Tuyển dụng công chức, viên chức đòi hộ khẩu: Trái luật

“Hộ khẩu không thể và không bao giờ thay thế cho tài năng” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn (ảnh) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM liên quan đến việc nhiều tỉnh, thành đều lấy “hộ khẩu” như một trong những điều kiện đầu tiên trong tuyển dụng công chức.

Ông Tuấn nói: “Luật Cán bộ, công chức cũng như Nghị định 24/2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức không bao giờ quy định vấn đề hộ khẩu là điều kiện để tuyển dụng công chức”.

Tước đi quyền bình đẳng về cơ hội

. Phóng viên: Cụ thể Luật Cán bộ, công chức quy định thế nào, thưa ông?

+ Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Chúng ta biết Điều 36 Luật Cán bộ, công chức đã quy định những tiêu chuẩn rất rõ ràng đối với người đăng ký dự tuyển công chức. Luật không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo. Luật quy định rất rõ rằng: Người đăng ký dự tuyển công chức đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ và các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.

Như thế, rõ ràng luật không đặt ra vấn đề hộ khẩu. Bởi một nguyên lý bất di bất dịch rằng: Bất kể ai là công dân Việt Nam cũng có quyền và được bình đẳng về cơ hội trở thành công chức để phục vụ nhân dân.

. Nhưng thực tế là các tỉnh, thành đều lấy tiêu chí “hộ khẩu” áp dụng khi tuyển dụng công chức. Phải chăng họ dựa vào quy định “có lý lịch rõ ràng” và “các điều kiện khác” như luật quy định?

+Hai quy định của luật vừa dẫn ra cũng không có nghĩa là phải có hộ khẩu thì mới được dự tuyển công chức. Hai quy định đó chỉ có ý nghĩa rằng: Mọi công dân dự tuyển công chức phải có lý lịch rõ ràng, minh bạch về họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, địa chỉ nơi cư trú, quan hệ gia đình, quá trình đào tạo, năng lực, sở trường... và được chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận. Bên cạnh đó phải đáp ứng được các điều kiện của vị trí việc làm dự tuyển với tính chất như là các điều kiện đặc thù (nếu có). Việc một số địa phương đặt ra điều kiện “hộ khẩu” với người dự tuyển là trái pháp luật.

Việc này, từ năm 2012 cho tới nay, Bộ Nội vụ đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các địa phương không đặt điều kiện “hộ khẩu” khi thực hiện việc tuyển dụng công chức, viên chức. Vì như thế sẽ vô hình trung chỉ những người có hộ khẩu ở địa phương mới được dự tuyển và hạn chế việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng ở các địa phương khác về.

Mọi công dân đều có cơ hội như nhau để trở thành công chức thì việc quy định “hộ khẩu” không chỉ vi phạm Luật Cán bộ, công chức mà còn vi phạm khoản 2 Điều 8 Luật Cư trú. Theo đó, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”.

Các thí sinh chuẩn bị vào phòng thi trong một kỳ thi tuyển công chức tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Xử lý nghiêm các nơi làm sai

. Nếu vậy, Bộ Nội vụ sẽ làm gì để tường minh rằng “hộ khẩu” không phải là tiêu chí trong tuyển dụng công chức, viên chức?

+ Tôi khẳng định không phải bây giờ mà ngay từ khi Luật Cán bộ, công chức được Quốc hội thông qua năm 2008, cũng như Nghị định 24/2010 của Chính phủ đã tường minh điều này. Tư duy đưa “hộ khẩu” vào quy định tuyển dụng sẽ hạn chế việc đăng ký tuyển dụng công chức, viên chức; là trái pháp luật; dễ bị hiểu đó là có lợi ích cục bộ, là lợi ích nhóm.

Anh nên nhớ, năm 2014 chính TP.HCM đã không quy định “hộ khẩu” trong tuyển dụng công chức, viên chức. Nhưng tôi không hiểu tại sao đến bây giờ vẫn có ý kiến đề nghị thực hiện quy định vấn đề “hộ khẩu” trong tuyển dụng.

Điều ấy có lẽ chỉ lý giải rằng: Những quy định của pháp luật vẫn gặp nhiều khó khăn khi triển khai trong thực tế, dễ bị làm sai. Trách nhiệm của chúng ta là hãy bảo nhau làm đúng pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi sai trái.

. Nhiều ý kiến cho rằng: Việc các địa phương vẫn đưa “hộ khẩu” thành tiêu chí tuyển dụng khiến nhiều người tài không thể vào bộ máy hành chính. Từ đó chất lượng nền công vụ cũng không tương xứng so với yêu cầu phát triển.

+ Tôi hiểu anh đang nói đến việc thu hút nhân tài vào bộ máy công quyền. Tôi đồng tình và chia sẻ ý kiến đó. Bởi lẽ một khi pháp luật đã không yêu cầu “hộ khẩu” trong tuyển dụng công chức thì lẽ ra thực tế tuyển dụng cũng phải tuân thủ đúng quy định đúng đắn này.

Nhưng thực tế cho thấy việc thu hút nhân tài vào bộ máy công quyền chưa đạt được kết quả như mong muốn, tất nhiên ngoài “hộ khẩu” thì còn nhiều yếu tố khác như bố trí, sử dụng, chính sách đãi ngộ, tiền lương, môi trường làm việc. Riêng về hộ khẩu, tôi cho rằng: Nếu một số địa phương vẫn quy định thêm điều kiện “hộ khẩu” thì điều đó là đã làm trái Luật Cán bộ, công chức và Luật Cư trú và sẽ không thu hút được những người có năng lực về làm việc.

Chắc chắn hộ khẩu không thể và không bao giờ thay cho tài năng được.

. Xin cám ơn ông.

Phải đón nhân tài, bài chạy chức

Các địa phương sẽ phải có các chính sách để có thể tuyển dụng, thu hút được những công chức tốt nhất, có năng lực và trách nhiệm nhất, có tinh thần phục vụ cao nhất. Những hệ lụy tiêu cực như “chạy” công chức, viên chức có lẽ sẽ không còn đất tồn tại. Thông qua đó chất lượng của hoạt động công vụ và hiệu quả, hiệu lực của các cơ quan hành chính nhà nước sẽ được nâng cao khi thu hút, tụ hội được những thành phần tinh hoa của xã hội.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/tuyen-dung-cong-chuc-vien-chuc-doi-ho-khau-trai-luat-684263.html