Tuyên Quang: Lập hồ sơ địa chính gặp khó

Mặc dù, Tuyên Quang đã đẩy nhanh tiến độ đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho các công ty nông lâm trường và thu được nhiều kết quả quan trọng, tuy vậy, khi triển khai vẫn còn gặp khó.

Theo báo cáo của Sở TN&MT Tuyên Quang, từ năm 2013 đến cuối tháng 2/2017, tỉnh đã cấp gần 240.000 GCN cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân với diện tích hơn 73.000 ha. Trong đó, các tổ chức, các Công ty nông lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng đã cấp được 127 GCN với diện tích hơn 67.000 ha, đạt hơn 89% tổng diện tích đang được quản lý, sử dụng.

Tính đến tháng 6/2017, số GCN còn tồn đọng theo Chỉ thị 01-CT/TU và đất nông lâm trường trả lại địa phương chưa ký vẫn còn 16.633 Giấy; hồ sơ theo dự án đo đạc địa chính tại 41 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Lâm Bình là 67.720 Giấy.

Thực tế, việc xác định ranh giới ngoài thực địa, đo đạc, cắm mốc ranh giới đất của các Công ty nông, lâm nghiệp, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn nhiều phức tạp. Trong đó, phức tạp hơn cả là các công ty lâm nghiệp. Hầu hết các đơn vị sử dụng đất lâm trường không xác định rõ ràng ranh giới đất, chưa cắm mốc giới do vậy thường có tranh chấp, vướng mắc với người dân. Nhiều trường hợp cấp trùng GCN quyền sử dụng đất với nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, có trường hợp công ty lâm nghiệp trước đây buông lỏng quản lý đất đai trong thời gian dài để diện tích đất bị lấn chiếm, cho thuê, mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật nên làm chậm tiến độ việc đo đạc cắm mốc, lập bản đồ địa chính.

Tuyên Quang đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ địa chính nhưng vẫn còn gặp khó. Ảnh: MH

Theo lý giải của Sở TN&MT Tuyên Quang, nguyên nhân của việc này là do tiến độ đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng dữ liệu quản lý đất đai còn chậm; diện tích chưa được đo đạc, lập bản đồ địa chính tỷ lệ lớn còn nhiều, hiện mới đo được hơn 48.000 ha/108.000 ha cần đo.

Đồng thời, việc kê khai đăng ký bắt buộc đã được thực hiện đầy đủ đến các đối tượng, tuy vậy, do sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau nên nhiều hồ sơ kê khai đăng ký có độ chính xác thấp về không gian, diện tích. Đặc biệt, việc giải quyết cấp GCN đối với diện tích các nông lâm trường trả về địa phương còn chậm, công tác chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính, hoàn thiện hồ sơ, sổ sách lưu trữ theo quy định còn hạn chế.

Ngoài ra, do nguồn lực đầu tư cho công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa đáp ứng được theo yêu cầu của lộ trình trong dự án tổng thể. Từ năm 2011 đến nay, Sở TN&MT mới được cấp kinh phí bằng 20% tổng nhu cầu. Tài liệu cơ bản về đất đai còn thiếu, chất lượng kém, diện tích chưa được đo đạc lớn, chủ yếu là sử dụng bản đồ 299 đo đạc từ năm 1982, đã có nhiều biến động lớn sau thời gian dồn điền tại 98 xã từ năm 1999 - 2004 không chỉnh lý biến động được. Đặc biệt, diện tích đất các công ty nông lâm trường trả lại địa phương cơ bản chưa được đo đạc chi tiết từng thửa nên gặp khó khăn trong trong quá trình thực hiện, vì nhiều trường hợp hộ gia đình, các nhân sử dụng đất có nguồn gốc của các công ty này, nay cấp GCN phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 6 – 7, Điều 20, Nghị định 45 năm 2014 quy định về thu tiền sử dụng đất.

Để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, Sở TN&MT Tuyên Quang, sẽ tập trung nguồn lực thực hiện công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Riêng phần đất các công ty nông lâm nghiệp trả về địa phương, Sở đã làm việc với Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) để xin hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước về công tác đo đạc. Đồng thời, yêu cầu các công ty nông lâm nghiệp xác định diện tích đất sạch ưu tiên giao và cấp GCN ngay cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang.

Tuyết Nhi

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen-va-cuoc-song/201709/tuyen-quang-lap-ho-so-dia-chinh-gap-kho-2841411/