Tuyển sinh bằng mọi giá: Đừng để giáo dục theo quy luật thị trường

Kết thúc 2 đợt tuyển sinh nguyện vọng và nguyện vọng bổ sung đợt 1 trong kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2017- 2018, bên cạnh các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu thì 1 số trường dù đã kéo điểm chuẩn xuống bằng điểm sàn, xét tuyển học bạ song vẫn chưa đủ chỉ tiêu đề ra.

Ảnh minh họa

Đua nhau “vơ vét” thí sinh

Trong đợt 1 xét tuyển đại học, trường ĐH Sư phạm Huế gây xôn xao dư luận khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào trường ở một số ngành sư phạm là 12,75 điểm (điểm quy chuẩn). Tiến sĩ Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế khẳng định, điểm chuẩn các ngành sư phạm của trường thấp nhất là 15,5 (bằng điểm sàn), chứ không phải dưới điểm sàn như nhiều người nhầm lẫn.

Theo lý giải của lãnh đạo trường này thì đây là mức điểm sau khi đã quy về thang điểm 30 với công thức: (điểm môn chính x 2 + điểm 2 môn phụ)/4 x 3. Cách tính điểm này có lợi thế cho các thí sinh có môn nhân đôi hệ số đạt điểm cao sẽ được ưu tiên xét trước và tránh trường hợp ngang bằng điểm sàn, nhưng môn nhân hệ số có điểm thấp. Tuy nhiên, dù lý giải kiểu gì thì thực tế nhiều năm qua điểm chuẩn các ngành sư phạm vào trường cũng đang có dấu hiệu giảm sút.

Tương tự, trường ĐH Vinh, ĐH Thái Nguyên, ĐH An Giang, ĐH Tây Nguyên nhiều ngành sư phạm cũng lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), có 10 ngành sư phạm thì cả 10 ngành này có điểm chuẩn bằng điểm sàn, còn trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) có 8/10 ngành sư phạm lấy bằng điểm sàn. Trưởng phòng Đào tạo một trường đại học địa phương cho biết: “Sau 2 đợt tuyển sinh, nhiều ngành vẫn chưa đủ chỉ tiêu mặc dù điểm chuẩn cũng chỉ bằng điểm sàn”.

Cùng cảnh ngộ là nhiều trường đại học địa phương, đại học ngoài công lập như ĐH Trà Vinh, ĐH Bạc Liêu, ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Huế… dù chỉ lấy điểm chuẩn trúng tuyển bằng điểm sàn cộng với xét tuyển bằng học bạ song vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Chưa hết, nhiều trường còn tung các học bổng, khuyến mại lên đến hàng chục tỷ đồng hỗ trợ sinh viên, tuy nhiên tình hình tuyển sinh cũng không mấy khả quan.

“Tội cho sinh viên”

Nói về đầu vào sư phạm thấp, PGS- TS Nguyễn Thiện Tống (ĐH Bách khoa TPHCM) cho rằng, cơ chế và thu nhập thấp khiến ngành này không còn sức hút so với các ngành khác. “Đầu vào thấp thì giáo viên ra trường dạy dở, dạy dở thì bị đào thải, thất nghiệp. Như vậy thì tội cho sinh viên lắm”, ông Tống nói.

Theo ông Tống, một thời gian dài chúng ta miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm nhưng nhiều sinh viên ra trường vẫn không đi dạy hoặc dạy một thời gian thì chuyển ra trường tư dạy. “Về nguyên tắc thì dạy ở đâu cũng là dạy song vì sao lại có chuyển dịch này, đơn giản là vì thu nhập thấp, môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ kém. Để thu hút sinh viên vào ngành sư phạm hay trường công muốn giữ giáo viên giỏi, không còn cách nào khác là tăng lương”, ông Tống nói.

Cũng theo ông Tống, ngoài lương thì cách quản lý của ngành cũng còn hình thức khi yêu cầu các chứng chỉ sư phạm. Ông Tống ví dụ: “Như tôi đây nếu chiếu theo quy định thì làm sao đủ chuẩn để đứng lớp (không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm- PV) nhưng vẫn đứng lớp suốt 40 năm nay đó thôi. Chúng ta nên có cách hoán chuyển ngành nghề, những người có chuyên ngành giỏi nên tạo cơ hội để đứng lớp, phục vụ công tác giảng dạy”.

Nhìn nhận về việc thi cử hiện nay, PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho rằng còn nhiều bất cập. Theo ông Dũng, không nên gộp 2 kỳ thi Tốt nghiệp THPT và thi ĐH mà cần phải tách biệt bởi mỗi kỳ thi có mục đích khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp nên giao cho các Sở GD địa phương, còn xét tuyển đại học nên để các trường. Lúc đó các trường có thể độc lập hoặc lập nhóm để tuyển được học sinh phù hợp.

“Tuyển sinh như vòng tuần hoàn, nếu sinh viên ra trường có chất lượng, có việc làm và thu nhập tốt thì sẽ nhiều thí sinh tranh vào, điểm chuẩn sẽ cao và ngược lại, trường nào sinh viên ra trường kém, thất nghiệp thì tự động thí sinh sẽ không vào”, ông Dũng nói.

Lãnh đạo khác của một trường đại học ở TPHCM cho rằng, đối với giáo dục không nên vận dụng theo luật kinh tế thị trường bởi chúng ta đang đào tạo con người, nếu đi sai sẽ làm hỏng cả một thế hệ. “Chúng ta nên mạnh dạn thu hẹp đào tạo, cần đặt ra mức giới hạn điểm cho một số ngành đặc thù như sư phạm, bác sĩ. Nếu trường nào không tuyển được thì cắt chỉ tiêu, gộp ngành, gộp trường để đảm bảo chất lượng”, chuyên gia này nói.

Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/tuyen-sinh-bang-moi-gia-dung-de-giao-duc-theo-quy-luat-thi-truong-1180743.tpo