Tuyên truyền về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

KTĐT - Sáng nay (26/10), tại TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đã diễn ra Hội thảo báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc lần thứ XV năm 2013, do Báo Hòa Bình đăng cai tổ chức.

Dự Hội thảo về phía T.Ư có các đồng chí Phạm Đình Đảng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Vũ Đình Thường, Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản; đại diện Ban Tuyên Giáo Trung ương; đại diện một số Bộ, ban, ngành; lãnh đạo Hòa Bình có ông Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Đặc biệt, tham gia hội thảo có hơn 20 cơ quan báo chí các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, Báo Kinh tế & Đô thị.

Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo lần này với chủ đề "Tuyên truyền về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên báo Đảng địa phương" là một chủ đề hay, có ý nghĩa thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh Đảng ta vừa chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện NQTƯ 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình nêu rõ: "Các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc là một địa bàn rộng lớn và là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc trong vùng đều có một nền văn hóa riêng được thể hiện qua tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán và kho tàng văn học dân gian sống động… Những nét văn hóa đặc trưng này đã góp phần xây dựng trung du, miền núi phía Bắc thành vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết bên nhau đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền đất nước, chống lại thiên tai, địch họa; đồng thời, hăng hái sáng tạo trong lao động sản xuất, đóng góp to lớn vào thành quả chung của công cuộc CNH- HĐH đất nước".

Trong những năm qua, báo chí cả nước nói chung, báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc nói riêng đã đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Thông qua công tác tuyên truyền, các cơ quan báo Đảng địa phương đã chuyển tải đến bạn đọc trong nước, quốc tế những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khu vực trung du, miền núi phía Bắc, vùng đất có nhiều nét văn hóa dân tộc rất đặc trưng, với cảnh quan hùng vĩ và nhiều lễ hội vào loại nhất nhì trong số đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam.

Tuy nhiên, do những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, lĩnh vực văn hóa cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, tác động không nhỏ đến văn hóa truyền thống của dân tộc… Sự phát triển của văn hóa chưa đồng bộ và tương xứng với tăng trưởng kinh tế là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, coi thường pháp luật… những biểu hiện “thương mại hóa'', xu hướng vọng ngoại, lai căng, xa rời bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc ở một bộ phận dân cư chưa được ngăn chặn một cách hữu hiệu. Thực trạng đó là những nguy cơ tiềm ẩn làm xói mòn văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội, làm cản trở bước đường đi tới hạnh phúc và phồn vinh của dân tộc ta. Do đó, việc cần phải có những giải pháp khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, đi đôi với việc phát huy những thành tựu đã đạt được, làm cho văn hóa thực hiện được sứ mệnh cao cả trong sự nghiệp chung là mối quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong đó, vai trò của các cơ quan báo chí nói chung và báo Đảng địa phương nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tại Hội thảo, các tham luận tại đã đánh giá toàn diện, phân tích sâu sắc những kết quả và những hạn chế, đồng thời đề xuất những giải pháp, kinh nghiệm sáng kiến của báo Đảng địa phương tuyên truyền về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc theo tinh thần Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) trên báo in và báo điện tử; trong đó tập trung đề xuất những giải pháp tuyên truyền về xây dựng môi trường văn hóa (gia đình, làng bản, xã phường, cơ quan, đơn vị) lành mạnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân; vai trò phản biện của báo chí trong đấu tranh chống các khuynh hướng làm mai một bản sắc văn hóa của các dân tộc và về công tác tổ chức, quản lý lễ hội, hoạt động du lịch; tuyên truyền về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, các di sản văn hóa (vật thể, phi vật thể), gắn kết cộng đồng các dân tộc; gắn bảo tồn bản sắc văn hóa, di sản văn hóa với điều kiện và môi trường sống của đồng bào các dân tộc; kinh nghiệm tuyên tuyền sát cơ sở, hiểu văn hóa vùng miền văn hóa các dân tộc, đồng thời bảo đảm tính Đảng trong định hướng tuyên truyền; những kinh nghiệm tuyên truyền về các di sản văn hóa của nhân loại, di sản văn hóa quốc gia.kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên cùng những chế độ, chính sách đãi ngộ; những giải pháp phát hành bảo Đảng địa phương, nâng cao chất lượng các ấn phâm báo chí… tại các cơ quan báo Đảng địa phương trong tình hình mới...

Cũng tại Hội thảo, Ban tổ chức đã trao giải cho các tác phẩm báo chí xuất sắc về đề tài "Chăm sóc người có công đăng tải trên báo Đảng địa phương năm 2013". Đồng thời, trao quyền đăng cai hội thảo lần thứ XVI cho Báo Hà Giang.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/chinh-tri/tin-tuc/2013/10/810209ab/tuyen-truyen-ve-giu-gin-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-cac-dan-toc/