Tuyên truyền xóa bỏ hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

BHG - Đồng Văn là xã vùng cao, biên giới, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Trong đó, có 87% đồng bào dân tộc Mông. Từ xa xưa, đồng bào dân tộc Mông có bề dày lịch sử, văn hóa, góp phần không nhỏ trong việc làm phong phú thêm cho nền văn hóa truyền thống của đồng bào trên Cao nguyên đá. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, có một số hủ tục của đồng bào không còn phù hợp và vẫn chưa được xóa bỏ. Trong đó, có tập tục làm ma khô, không đưa người chết vào áo quan. Đây là thói quen có từ lâu đời và đồng bào Mông trên Cao nguyên đá vẫn duy trì đến ngày nay, gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Để xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào DTTS, huyện vùng cao Đồng Văn đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để tuyên truyền đến nhân dân. Đặc biệt, từ khi tỉnh ban hành Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 về xóa bỏ hủ tục và xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân, công cuộc vận động được triển khai một cách rộng khắp, bước đầu có những kết quả tích cực.

Lũng Cú (Đồng Văn) là xã đi đầu trong công tác tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.

Lũng Cú (Đồng Văn) là xã đi đầu trong công tác tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, trong 2 năm 2021 và 2022, trên địa bàn huyện Đồng Văn có tổng số 819 người chết. Trong đó, có 745 người chết là người dân tộc Mông, có 367 người chết là dân tộc Mông đã cho vào áo quan khi làm tang lễ (chiếm 44,81%). Số đám tang tổ chức dưới 48 tiếng là 618 đám, trong đó dân tộc Mông là 549 đám; số đám không giết mổ gia súc là 86 đám (dân tộc Mông 34 đám). Số đám giết mổ 1 con trâu, bò là 652 đám. Số đám giết mổ từ 2 con trâu, bò trở lên là 81 đám đều là dân tộc Mông. Số đám tang tổ chức ngoài trời (theo tục phơi nắng) là 501 đám đều là dân tộc Mông; số người chết còn chôn nông 163 đám (dân tộc Mông).

Nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền lưu động, tổ chức mạn đàm, tuyên truyền thông qua băng zôn, khẩu hiệu, trên loa phát thanh… Từ năm 2021 đến nay, với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, toàn huyện đã nỗ lực, kiên trì vận động được 6 dòng họ/nhánh dòng họ thực hiện đưa người chết vào áo quan khi làm tang lễ. Tiêu biểu như nhánh dòng họ Sùng thôn Má Lầu A, xã Má Lé; nhánh họ Ly thôn Nhù Sa, thôn Mà Lủng, xã Lũng Táo; nhánh họ Thào thôn Chúng Pả B, nhánh họ Hầu thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo; nhánh họ Vàng thôn Chúng Mung, thôn Đậu Chúa, xã Thài Phìn Tủng và thôn Khó Cho, xã Vần Chải. Được biết, đây là 6 dòng họ/nhánh dòng họ mới vận động được kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27 của tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, huyện Đồng Văn đã xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong việc vận động tang chủ đưa thi thể người chết vào áo quan ngay khi làm lễ tang tại nhà đồng thời thực hiện văn minh trong tang ma, không giết mổ nhiều gia súc, không tổ chức dài ngày, ăn uống hợp vệ sinh... Mô hình này tại các xã đã và đang phát huy hiệu quả cao, từng bước được nhân rộng, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân tại các vùng đồng bào DTTS.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đẩy mạnh việc vận động người dân ký cam kết cho người chết vào áo quan khi làm tang lễ tại nhà. Đến nay đã vận động và thực hiện ký cam kết được 7 dòng họ/nhánh dòng họ là dân tộc Mông ký cam kết khi có người chết sẽ đưa vào áo quan khi làm tang ma và thực hiện văn minh trong việc tang như: Nhánh dòng họ Vàng thôn Chúng Pả A, xã Phố Cáo; dòng họ Lầu thôn Sà Tủng Chứ, xã Sính Lủng; dòng họ Vừ thôn Thèn Ván, thôn Sán trồ, thôn Xí Mần Kha, thôn Tả Giao Khâu, thôn Séo Lủng - xã Lũng Cú… Đặc biệt, trong quá trình vận động người dân, có nhiều xã đã thực hiện đạt hiệu quả cao nhờ cách làm hay, sáng tạo. Tiêu biểu như Ban vận động xã Sủng Là đã vận động được dòng họ Giàng thôn Pù Trừ Lủng đưa người chết vào áo quan khi làm tang ma. Đây là dòng họ từ trước đến nay chưa từng có việc đưa thi thể người chết vào áo quan. Sau khi vận động, gia đình đã chấp hành đưa thi thể người chết vào áo quan và không giết mổ gia súc. Có thể thấy, đây là 1 sự thành công trong thực hiện Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân. Ngay sau đó, Đảng bộ xã Sủng Là đã khen thưởng cho dòng họ Giàng, ghi nhận và biểu dương dòng họ đã tiên phong trong công cuộc xóa bỏ hủ tục, cải tiến tang ma theo nếp sống văn minh.

Đồng chí Dương Ngọc Đức, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn cho biết: Xác định đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, được thực hiện song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế tại huyện Đồng Văn. Thời gian qua, Ban Dân vận Huyện ủy đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức. Đặc biệt chú trọng vào việc tuyên truyền người dân thực hiện đưa người chết vào áo quan. Đây là việc làm hết sức cần thiết, quan trọng trong quá trình phát triển, hướng tới sự văn minh; đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ môi trường sống hợp vệ sinh. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, nhận thức của người dân trên địa bàn huyện cơ bản đã được nâng lên, nhiều cá nhân, dòng họ dần thay đổi nhận thức, đi đầu trong công cuộc xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, là tấm gương cho các dòng họ khác làm theo. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả tích cực, tạo sự lan tỏa rộng khắp cần sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành, để “cuộc chiến” đẩy lùi hủ tục nhanh chóng thành công, không chỉ tại huyện Đồng Văn, mà rộng hơn là trong cả vùng đồng bào DTTS toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Phương Thảo (Học viện Báo chí & Tuyên truyền)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202305/tuyen-truyen-xoa-bo-hu-tuc-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-9ae122a/