Tỷ lệ hút thuốc lá giảm nhưng nỗi lo gánh nặng bệnh phổi

Mặc dù tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam đã giảm hơn so với 5 - 7 năm trước tuy nhiên theo các chuyên gia gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây nên nhất là bệnh phổi vẫn gia tăng.

Giảm số người hút

Kết quả Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2015 cho thấy: So với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc ở cả nam và nữ có xu hướng giảm từ 23,8% xuống 22,5%, tỷ lệ hút thuốc lá điếu chung giảm từ 19,9% xuống 18,2%. Điều tra năm 2015 cũng cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở tất cả địa điểm.

Giảm mạnh nhất là tại trường đại học với mức giảm từ 54,3% xuống 37,9%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%. Đặc biệt, tại các khu vực thành thị: Tỷ lệ hút thuốc chung giảm đáng kể từ 23,3% xuống 20,6%. Bên cạnh đó, nhận thức về tác hại đến sức khỏe của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động cũng tăng so với năm 2010. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc gây các bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư phổi tăng từ 55,5% lên 61,2%. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm tăng từ 87,0% lên 90,3%.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, hiện Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá phổ biến ở Việt Nam là nguyên nhân gia tăng các bệnh không lây nhiễm một cách nhanh chóng trong thời gian qua. Các bệnh như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam lẫn nữ. Hơn 75% các ca tử vong ở nước ta hàng năm là do các bệnh không lây nhiễm trong đó sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, để giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới và trong các đơn vị cần đưa ra các mục tiêu rõ ràng và có cam kết cụ thể. Đối với người không hút thuốc thì cam kết, phấn đấu không hút thuốc; người đang hút giảm hút và tiến tới bỏ thuốc lá; có khu vực hút thuốc lá dành riêng cho người hút thuốc tại các đơn vị cơ quan…

Gánh nặng về bệnh phổi

Hút thuốc lá không chỉ gây ra ung thư phổi mà còn gây ra các bệnh phổi khác như bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính: Khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính.

Bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính là sự phân loại bệnh để chỉ sự ảnh hưởng của phổi liên quan với sự cản trở đường dẫn khí. Hai dạng chính của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính là viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng. Hút thuốc là nguyên nhân chính gây cả hai bệnh trên. Mối liên quan giữa sử dụng thuốc và các bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính mạnh tương tự như mối liên quan giữa hút thuốc và ung thư phổi. Bởi vì người hút thuốc thường bị suy yếu chức năng niêm mạc phế quản hơn người không hút thuốc, họ bị ảnh hưởng nhiều hơn từ môi trường, lây nhiễm và các khói độc. Ước tính các bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính ở người hút thuốc cao hơn 10 lần so với người không hút thuốc và sử dụng thuốc lá có thể liên quan tới hầu hết các ca tử vong các bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính.

Khí thũng hình thành trong thời gian dài khi tiếp xúc thường xuyên với các chất độc. Khí thũng sẽ phát bệnh khi phế nang trong phổi bị phá vỡ, trở nên ít đàn hồi hơn và khả năng trao đổi ô xy kém hơn. Bởi vì những ảnh hưởng tới phổi là không thể tránh khỏi, người có bệnh khí thũng thường nhờ vào sự bổ sung ô xy từ bình chứa ô xy. Một dạng bệnh khác của các bệnh mãn tính về phổi là viêm phế quản mãn tính. Những triệu chứng đặc trưng của bệnh này là khó thở và nhiều đờm.

Trong một nghiên cứu theo dõi 40 năm của các bác sĩ nam giới ở Anh, so sánh tỷ lệ tử vong hàng năm của 100,000 nam giới về các bệnh mãn tính về phổi thì 10 người không hút thuốc, 57 người đã từng hút thuốc và 127 người hiện đang hút thuốc (Bảng 3.3).

Hen
Ở người hút thuốc bệnh hen sẽ bị nặng hơn. Người mắc bệnh hen là người hút thuốc thì phải chịu như nhiều đờm, giảm hoạt động của lông mao, dễ bị nhiễm bệnh, dễ bị dị ứng và ảnh hưởng tới sự lưu thông khí ở các đường thở nhỏ. Một nghiên cứu về tỷ lệ tử vong vì bệnh hen trong số người đang hoặc đã từng hút thuốc là gấp đôi so với người không hút thuốc: 3,7 trên 100,000 so với 8,3 trên 100,000.

Viêm đường hô hấp
Hút thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Nguy cơ viêm đường hô hấp như viêm phổi và bệnh cúm ở người hút thuốc cao hơn ở người không hút thuốc. Người hút thuốc không chỉ phải chịu đựng mắc bệnh tật nhiều hơn mà họ phải chịu bệnh tật ở mức độ nặng hơn. Một nghiên cứu tiến hành trong sinh viên ốm vì cảm lạnh ở các trường trung cấp thấy rằng các sinh viên hút thuốc mắc các triệu chứng ho, nhiều đờm và thở khò khè nhiều hơn sinh viên không hút thuốc.

Khánh Ngọc

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ty-le-hut-thuoc-la-giam-nhung-noi-lo-ganh-nang-benh-phoi-post236582.info