Tỷ phú khởi nghiệp Jeff Hoffman: Quan tâm về nhà đầu tư thiên thần hơn đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á

Sự tăng trưởng trong các mạng lưới nhà đầu tư thiên thần tại Đông Nam Á là một xu hướng nóng và khiến tỷ phú chuyên khởi nghiệp người Mỹ Jeff Hoffman rất quan tâm.

Hoffman đã thực hiện 8 dự án khởi nghiệp, trong đó có 2 công ty được mua lại, 2 IPO, 2 thất bại và 2 vẫn đang hoạt động. Bây giờ ông dành thời gian để cố vấn cho các doanh nhân khác, vì ông tin rằng doanh nhân chính là giải pháp cho rất nhiều vấn đề lớn nhất trên thế giới.

Một vài dự án khởi nghiệp của vị tỷ phú bao gồm công ty dịch vụ du lịch Priceline, trang đấu giá trực tuyến uBid.com và công ty xây dựng thương hiệu và thiết kế ColorJar, tin rằng các công ty lâu đời trong ngành du lịch sẽ tiếp tục có nguy cơ bị đánh bại bởi các công ty khởi nghiệp, tương tự như cách Airbnb và Uber đang làm thị trường "nổi sóng".

Từng cố vấn cho Nhà Trắng, bộ Ngoại giao Mỹ, Liên hợp quốc và các chính phủ nước ngoài về các sáng kiến tăng trưởng kinh tế và kinh doanh, ông đã mang chuyên môn của mình đến nhiều nước trên thế giới, và gần đây là Việt Nam.

DealstreetAsia vừa có cuộc phỏng vấn với Hoffman tại SURF, một sự kiện khởi nghiệp hàng năm tại Đà Nẵng để nói về các công ty du lịch khởi nghiệp, kinh doanh và đầu tư vào các thị trường mới nổi.

Phóng viên: Trong ngành du lịch, ông nghĩ mảng nào còn chưa được khai thác?

Jeff Hoffman:Làn sóng tiếp theo sẽ được "cá nhân hóa" nhiều hơn. Tôi không muốn có một trải nghiệm du lịch bình thường, tôi muốn một người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam cho tôi thấy Việt Nam của họ.

Du lịch là một lĩnh vực khổng lồ, bao gồm tất cả các mảng khác đang được xây dựng từ trí tuệ nhân tạo (AI) đến dữ liệu lớn (Big Data). Những người biết dùng tất cả những công cụ này để làm trải nghiệm du lịch của tôi tốt hơn sẽ giành chiến thắng.

Phóng viên: Ngoài du lịch, ông còn nhìn thấy những tiềm năng nào từ khu vực mới nổi này?

Jeff Hoffman: Điều tốt là bạn có những ngành khác như nông nghiệp. Tôi đã gặp rất nhiều người làm khởi nghiệp nông nghiệp và điều đó là rất cần thiết vì hiện không có đủ thức ăn để nuôi sống thế giới. Vì vậy, chúng ta cần đổi mới trong nông nghiệp, và tôi đã thấy một số khởi đầu mới trong lĩnh vực này, ví dụ, ngay ở tại Việt Nam.

Phóng viên: Ông từng tư vấn các công ty nên xem xét nhìn vượt ra ngoài ngành công nghiệp đang hoạt động. Điều này có lợi ích gì?

Jeff Hoffman: Ví dụ, trong các ngành công nghiệp khác nhau như ngân hàng hoặc du lịch, chúng ta đều có dịch vụ khách hàng. Vậy làm thế nào chúng ta xử lý khi khách hàng gặp vấn đề? Hãy nhìn xem các ngành công nghiệp khác đang giải quyết những vấn đề tương tự như thế nào. Có thể ngành ngân hàng sẽ đưa ra giải pháp mà chúng ta áp dụng được cho những khách du lịch khó chịu.

Tôi nghĩ rằng việc xem xét những ý tưởng mà các ngành công nghiệp khác có rất quan trọng, để xem có thể áp dụng cho những gì chúng ta đang làm trong du lịch được không. Rất nhiều người không nhìn vào điều đó mà chỉ biết tập trung vào ngành công nghiệp của mình.

Phóng viên: Ông xây dựng được nhiều thành công nhưng cũng có một vài thất bại. Lời khuyên của ông cho các doanh nhân trẻ từ cuộc hành trình đó là gì?

Jeff Hoffman: Tôi nghĩ rằng một trong những điều quan trọng nhất là dành nhiều thời gian ngoài văn phòng để ra thị trường và tiếp cận với khách hàng trong giai đoạn đầu của quá trình. Hiện nay, nhiều nhóm khởi nghiệp được yêu cầu tạo một MVP (sản phẩm khả thi tối thiểu), vì vậy họ chỉ ở trong văn phòng cả ngày, thậm chí trong nhiều tháng để xây dựng MVP. Hậu quả là rất có thể khi ra mắt sản phẩm sẽ không ai thích.

Vậy tại sao bạn lại chờ đợi cho đến bây giờ? Ngay từ đầu, khi có ý tưởng, bạn cần phải ra ngoài thị trường nói chuyện với những người bạn mong muốn sẽ sử dụng sản phẩm và hỏi "Nếu tôi làm ra thứ này, bạn có mua không và sẽ trả bao nhiêu?"

Mọi người không chịu điều tra khách hàng ngay từ đầu quá trình trong khi việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian. Nếu không có ai thích ý tưởng của bạn, bạn không cần một MVP, nhưng nếu họ thích thì bạn phải xây dựng.

Phóng viên: Ông cũng nói rất nhiều về bộ công cụ để trở thành doanh nhân. Làm thế nào để một người thúc đẩy những thứ này?

Jeff Hoffman: Bằng cách tìm kiếm bên ngoài Việt Nam. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi Internet là "nền dân chủ của thông tin". Trên mạng có đủ công cụ có sẵn cho tất cả mọi người trên hành tinh này. Quan điểm của tôi là, bạn có thể nhìn xung quanh Việt Nam và nói rằng không có nhiều thứ ở đây. Nhưng ai quan tâm chứ? Hãy tìm trên internet. Tất cả mọi thứ bạn cần phải học đều ở đó.

Phóng viên: Điều đó đến từ bản thân các doanh nhân. Thế còn về các nguồn lực bên ngoài như hỗ trợ của chính phủ và đầu tư?

Jeff Hoffman: Đó là lý do tại sao có SURF Đà Nẵng và các sự kiện khác. Chúng ta có đại diện của Chính phủ ở đây hôm nay. Chính phủ phải ngồi trong đó và biết rằng doanh nhân là quan trọng và những gì họ cần từ Chính phủ để thành công. Câu trả lời là, chúng ta phải hội tụ tất cả mọi người để toàn bộ hệ sinh thái có thể cùng nhau thảo luận.

Phóng viên: Quan điểm của ông về đầu tư mạo hiểm (VC) ở châu Á là gì, đặc biệt là các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á?

Jeff Hoffman: Tôi nghĩ rằng tình hình đang trở nên ngày càng tốt hơn. Nhưng tôi hào hứng hơn về các nhà đầu tư thiên thần hơn là VC. Có rất nhiều mạng lưới đầu tư thiên thần đang phát triển ở Đông Nam Á. Đây là những những doanh nhân địa phương và họ kiếm tiền trong khu vực, rất khác với cách tiếp cận của VC.

Tôi nghĩ rằng cả 2 đều là tin vui. Nhiều tiền của VC đang đến với Đông Nam Á, nhưng nhiều "thiên thần" cũng đang được tạo ra ở đây.

Phóng viên: Phương pháp đầu tư của ông ở châu Á là gì?

Jeff Hoffman: Đầu tư ở đây không khác gì việc đầu tư bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Khi chúng ta tìm thấy các nhà kinh doanh thực sự ấn tượng với những ý tưởng hay, việc họ ở đâu không thành vấn đề. Nếu họ tốt, họ sẽ nhận được tài trợ. Biên giới đang dần biến mất trong đầu tư.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ty-phu-khoi-nghiep-jeff-hoffman-quan-tam-ve-nha-dau-tu-thien-than-hon-dau-tu-mao-hiem-o-dong-nam-a-20170725091420460p146c157.news