U-crai-na ngấp nghé bên bờ nội chiến

QĐND - Nguy cơ nội chiến ngày càng hiện hữu trong bối cảnh quân đội U-crai-na tiếp tục “chiến dịch chống khủng bố” ở miền Đông nước này. Trong khi đó, số nạn nhân thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ngày 2-5 tại thành phố Ô-đét-xa đã lên tới 46 người.

Ngày 4-5, quân đội chính phủ U-crai-na đã bao vây thành phố Xla-vi-an-xcơ, thành trì của những người biểu tình ở Đông Nam U-crai-na, chiếm được trung tâm truyền hình địa phương của Xla-vi-an-xcơ, phong tỏa các tuyến đường ra vào thành phố này và tập trung vào các thị trấn xung quanh đó. Đêm 3-5, tại Côn-xtan-ti-nốp-ka (Konstantinovka) và Ma-ri-u-pôn (Mariupol) cũng đã xuất hiện tiếng súng nổ khi lực lượng U-crai-na chiếm lại các văn phòng chính phủ bị người biểu tình bao vây. RT đưa tin, Chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia U-crai-na, A. Pa-ru-bi-i (Andrey Parubiy) cho hay, Ki-ép đang lên kế hoạch bắt đầu các hoạt động quân sự đặc biệt tại các vùng khác của U-crai-na sau khi hoàn thành các chiến dịch hiện thời tại 2 thành phố Xla-vi-an-xcơ và Cra-ma-tốc-xcơ.

Binh lính U-crai-na tại một chốt kiểm tra gần thành phố Đông Nam Xla-vi-an-xcơ. Ảnh: Roi-tơ

Trong khi đó, Thủ tướng lâm thời U-crai-na, A.Y-át-xê-ni-úc (Arseniy Yatsenyuk) đổ lỗi cho lực lượng an ninh nước này vì đã không thể ngăn chặn tình trạng bạo lực ở thành phố Ô-đét-xa hôm 2-5. Theo RIA Novosti, số người chết từ cuộc đụng độ đẫm máu tại thành phố cảng miền Nam U-crai-na tăng lên 46 người và hơn 200 người bị thương. Theo các chuyên gia, vụ đụng độ hôm 2-5 là bất ổn nghiêm trọng nhất đầu tiên bên ngoài các khu vực phía Đông kể từ khi Tổng thống Y-a-nu-cô-vích bị phế truất, báo hiệu một tương lai không mấy tốt đẹp cho U-crai-na.

Thủ tướng lâm thời Y-át-xê-ni-úc cho biết, cảnh sát trưởng khu vực Ô-đét-xa đã bị cách chức và văn phòng công tố viên của thành phố đã bắt đầu tiến hành điều tra toàn diện, tổng thể và độc lập về vụ bạo động ở Ô-đét-xa hôm 2-5.

Thủ tướng lâm thời U-crai-na khẳng định, cuộc điều tra này sẽ không loại trừ một ai, từ cảnh sát trưởng của Ô-đét-xa đến các cấp phó của ông. Tuy nhiên, ông Y-át-xê-ni-úc cũng đổ lỗi cho những người biểu tình đã “khiêu khích gây bất ổn”. Ông cũng cáo buộc Mát-xcơ-va đã gây ra các vụ đụng độ tại Ô-đét-xa và đang đẩy nước này tiến gần hơn tới nội chiến.

Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, không thể không thừa nhận những gì mà chính phủ và quân đội đã làm với miền Đông Nam U-crai-na trong 2 ngày qua đã góp phần đẩy đất nước này gần hơn đến bờ vực chiến tranh. Luật sư Giêm Gia-trát (James Jatras), cựu cố vấn về chính sách đối ngoại cho Thượng viện Mỹ nhận định: “Dường như chính quyền ở Ki-ép cảm thấy họ sẽ không thể tiếp tục nắm quyền trừ khi biến cuộc khủng hoảng này thành một cuộc nội chiến hoặc thậm chí là xung đột với Nga để sau đó có thể kêu gọi sự hỗ trợ của phương Tây. Tôi cho rằng, điều này thật lố bịch bởi khó có thể tưởng tượng ai đó tán thành việc NATO tham gia vào một cuộc xung đột với Nga vì U-crai-na”.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp ở Đông Nam U-crai-na, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Giôn Ke-ri (John Kerry), yêu cầu Oa-sinh-tơn gây sức ép để chính phủ tạm thời U-crai-na ngừng chiến dịch quân sự ở miền Đông. Ngoại trưởng La-vrốp kêu gọi Mỹ sử dụng mọi ảnh hưởng của mình để buộc chính quyền Ki-ép "lập tức ngừng các chiến dịch quân sự ở Đông Nam U-crai-na, rút binh sĩ và trả tự do cho người biểu tình”.

Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ, đồng thời là Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Đi-đi-ơ Bơ-khan-tơ (Didier Burkhalter), Ngoại trưởng La-vrốp cho rằng, OSCE cần sử dụng ảnh hưởng của mình với Ki-ép để chấm dứt chiến dịch quân sự chống lại người dân ở các khu vực Đông Nam U-crai-na. Theo ông, các hoạt động trả đũa lẫn nhau ở Đông Nam U-crai-na sẽ đẩy nước này vào một cuộc xung đột "huynh đệ tương tàn".

Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo kêu gọi chính phủ tạm thời U-crai-na và các lực lượng ủng hộ chấm dứt tình trạng hỗn loạn và nhận trách nhiệm trước người dân về vụ xung đột tại thành phố Ô-đét-xa. Mát-xcơ-va đồng thời lên án "sự vô trách nhiệm mang tính chất tội phạm" của chính quyền thân phương Tây ở Ki-ép. Liên minh châu Âu (EU) cũng hối thúc tất cả các bên kiềm chế tối đa, đồng thời mở một cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân xảy ra thảm kịch đẫm máu ở Ô-đét-xa, đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý.

Trong một động thái có liên quan, Tổng thống lâm thời U-crai-na, Ô-lếch-xan-đơ Tu-rơ-tri-nốp (Oleksandr Turchynov) ngày 3-5 đã tuyên bố quốc tang 2 ngày để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đụng độ gây thương vong lớn nhất ở U-crai-na kể từ khi chính quyền lâm thời lên nắm quyền.

Báo Đức "Bild am Sonntag" ngày 4-5 đưa tin hàng chục chuyên gia của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang cố vấn cho Chính phủ tạm thời U-crai-na. Báo trên dẫn các nguồn tin an ninh giấu tên của Đức cho biết, các mật vụ của CIA và FBI đang giúp Ki-ép dập tắt cuộc biểu tình nổi dậy ở khu vực phía Đông U-crai-na, đồng thời thiết lập một cấu trúc an ninh hiệu quả.

NGỌC HÀ

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/doi-song-quoc-te/u-crai-na-ngap-nghe-ben-bo-noi-chien/300041.html